Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank: 'Thoát' để chiến thắng bản thân

23/10/2014 11:35 AM | Nhân vật

Cách kinh doanh tiền với nông dân nghèo chắc chắn sẽ khó khăn và rủi ro hơn với mô hình ngân hàng bán lẻ, nhưng đã được LienVietPostBank kiên trì theo đuổi bằng niềm tin và nhiều tâm huyết. Người thiết kế và tham gia vận hành các chương trình này là TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Ngân hàng.

Nhưng khi trò chuyện, ông thường lái những con số sang các vấn đề về văn hoá, triết lý sống...

Nông dân là ân nhân của ngân hàng

Theo ông, vì sao các ngân hàng không mặn mà với việc cho nông dân vay vốn?

Đúng là không nhiều ngân hàng mặn mà với việc cho nông dân vay vốn. Theo tôi, có hai lý do chính.

Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam, rất ít ngân hàng thương mại có mạng lưới ở khắp các tỉnh - thành nên chi phí vốn sẽ tăng khi cán bộ tín dụng phải di chuyển xa và khó khăn trong việc quản lý vốn vay.

Thứ hai, tâm lý cho vay nông nghiệp - nông thôn thường chịu rủi ro cao do thiên tai, dịch bệnh và giá cả sản phẩm nông nghiệp không ổn định.

Cách đây 10 năm, có tình trạng các ngân hàng nông thôn sang tên đổi chủ, các ngân hàng nông nghiệp "tấn công" thị trường thành thị nhưng không thành công. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp, LienVietPostBank có vẻ như dẫn đầu xu hướng ngân hàng thành thị trở lại "tấn công" thị trường nông thôn?

LienVietPostBank đánh giá rất cao thị trường nông nghiệp - nông thôn và chúng tôi ý thức được rằng không phải ngân hàng là ân nhân của nông dân mà chính nông dân mới là ân nhân của ngân hàng. Đầu tư cho vay nông nghiệp - nông thôn tuy có nhiều rủi ro khách quan nhưng cho nông dân vay chính là hoạt động bán lẻ hiệu quả.

"Bỏ trứng vào nhiều giỏ” là cách LienVietPostBank và Agribank đi đầu khai thác thị trường nông thôn. Với lợi thế khai thác trên 10.000 điểm giao dịch Tiết kiệm Bưu điện có mạng lưới đến tận các xã, phường trong cả nước, LienVietPostBank không chỉ cho vay mà còn huy động vốn.

Chúng tôi đúc kết được bài học "huy động vốn của người nghèo mới là nguồn vốn bền vững" vì đồng tiền người nghèo gửi ngân hàng mới là đồng tiền đúng nghĩa để dành. Đó cũng là lý do mấy năm trước đây, khi cả hệ thống ngân hàng thương mại mắc bẫy thanh khoản thì LienVietPostBank vẫn dư nguồn thanh khoản.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần có chính sách bảo hiểm miễn phí cho khoản vay. Người ta bảo các ông "chơi ngông". Ông có thể giải thích lý do?

Tôi nghĩ đến tương lai ngày càng nhiều công ty bảo hiểm đến với người nông dân để giúp họ bớt khó khăn, ngân hàng có việc làm và khi người dân quen dần với việc mua bảo hiểm khi vay vốn thì công ty bảo hiểm sẽ bán được nhiều hơn.

Một mũi tên trúng ba đích và cả ba "nhà”: nhà nông - nhà ngân hàng - nhà bảo hiểm đều có lợi, thế thì tại sao không làm?

Nhiều nước có chính sách riêng cho ngân hàng nông thôn, không đưa ra yêu cầu ngặt nghèo như thành thị, nhưng ở Việt Nam vẫn áp dụng chính sách "cào bằng". Nhận định của ông về vấn đề này?

Đúng là các nước có chính sách riêng bảo hộ nông nghiệp, trong đó có chính sách đối với các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn. Ở Việt Nam, chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp - nông thôn nhưng chưa đồng bộ và nguồn thu ngân sách hạn chế nên "cái khó bó cái khôn".

Các ngân hàng muốn tồn tại và phát triển thì phải biết "liệu cơm gắp mắm", hôm nay ăn ít đi thì ngày mai sẽ có cơ hội lựa chọn nên ăn cái gì ngon và phù hợp.

Muốn phát triển nhanh thì phải đầu tư nhiều, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao. Là người trong cuộc, theo ông, nên xử lý vấn đề này thế nào?

Đúng là muốn phát triển nhanh thì phải đầu tư nhiều nhưng phải giữ nguyên tắc như tôi đã nêu ở trên (không bỏ trứng vào một giỏ). Vì vậy, đối với một ngân hàng thương mại, vốn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn không quá 50% thì sẽ san sẻ được rủi ro.

Bên cạnh đó, rủi ro ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tuy nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thiên tai, mất mùa. Tuy nhiên, chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam mất mùa liên tục 3 - 5 năm (thường thì sau một năm mất mùa sẽ là một năm trúng mùa), nên nông dân vẫn có khả năng trả nợ.

Thoát ra khỏi cái "tôi", cái "ta"

Có ý kiến cho rằng tình trạng khó khăn của ngân hàng thương mại hiện nay một phần là do quản trị. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Quản trị là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp nói chung. Phải đổi mới thì mới phát triển được. Các ngân hàng thương mại bị lỗ một phần lỗi do quản trị là "đúng" nhưng chưa "trúng" vì cốt lõi vẫn là từ "sức khỏe" của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Thực trạng tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp kinh doanh bằng 90% vốn vay trong tỷ trọng vốn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn mà ngân hàng không khó khăn theo mới là chuyện lạ. Vấn đề chính yếu ở đây là phải có chính sách kinh tế đột phá kích cầu, kích thích sản xuất thì khó khăn mới được tháo gỡ.

Hiện có trên 300 định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp. Góc nhìn của LienVietPostBank về vấn đề này?

Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp. Theo định nghĩa của cá nhân tôi, thương hiệu là cái "hiệu" được "thương".

Doanh nghiệp phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, vì có văn hóa doanh nghiệp thì mới tạo ra môi trường làm việc văn hóa và có những phương châm, định hướng cụ thể.

Văn hóa doanh nghiệp thể hiện văn hóa của một hệ thống, một thể chế và chịu ảnh hưởng văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp phải được định hình và hoàn thiện liên tục.

Đối với LienVietPostBank, văn hóa doanh nghiệp phải được xây dựng từ những cái nhỏ nhất vì "tất cả những chuyện lớn đều bắt đầu từ những chuyện nhỏ mà thành". Kinh nghiệm của cá nhân tôi: Nếu muốn biết văn hóa của một doanh nghiệp nào đó khi chưa có thời gian nghiên cứu cáo bạch, chưa biết văn hóa của người đứng đầu thì chỉ cần tiếp cận ba nơi sẽ thấy rõ, đó là bảo vệ, lễ tân và nhà vệ sinh.

Văn hóa doanh nghiệp của LienVietPostBank được xây dựng dựa trên giá trị cốt lõi nào, làm cách nào để phân biệt với văn hóa doanh nghiệp của các tổ chức khác trong lĩnh vực ngân hàng?

Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp ở LienVietPostBank là xuất phát từ con người, vì con người để phục vụ lợi ích doanh nghiệp, xã hội và người lao động, đảm bảo ích nước lợi nhà.

Điểm khác biệt của văn hóa doanh nghiệp ở LienVietPostBank là xác định phương châm hoạt động, tạo mục tiêu ngay trong tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, nhân viên.

Theo đó, thực hiện các phương châm, tôn chỉ: Đối với xã hội: thượng tôn pháp luật, gắn xã hội với kinh doanh, đối với thương trường: chỉ có đối tác, không có đối thủ, đối với cán bộ, nhân viên gắn bó lâu dài với LienVietPostBank: sống bằng lương, giàu bằng thưởng.

Ba điều hướng tâm của LienVietPostBank: không có con người, dự án vô ích, không có khách hàng, ngân hàng vô ích, Không có tâm - tín - tài - tầm, LienVietPostBank vô ích.

Làm trong ngành ngân hàng nhưng ông lại nói nhiều về văn hóa, nhân sinh..., thậm chí còn soạn "đại cương văn hóa" cho LienVietPostBank. Theo ông, có sự liên quan giữa các con số, tiền và văn hóa không?

Nếu nói liên quan thì vạn vật xoay vần trong bù trừ đều có sự liên quan nhất định. Vì vậy, những con số kế toán hay số phận đều là số đẻ ra tiền hoặc làm hao hụt đồng tiền và "phú quý sinh lễ nghĩa", tức là khi có tiền thì người ta nghĩ đến đời sống tinh thần nhiều hơn và nâng cao đời sống tinh thần bền vững.

Như thế, văn hóa được chú ý và trau chuốt hơn. Ngược lại, văn hóa quyết định và nâng tầm những con số và số tiền. Mối quan hệ này rất biện chứng và cần thiết, đặc biệt tất cả đều liên quan đến nhân sinh vì tất cả là "từ con người" và "vì con người".

Kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, người ta nói nhiều đến việc xây dựng một nền văn hóa doanh nhân, một triết lý kinh doanh cho giới doanh thương Việt Nam. Theo ông, doanh nhân nên là những "chiến binh" bằng mọi giá phải chiến thắng, hay nên là những người kinh doanh hiền lành và trung thực?

Doanh nhân thành công theo đúng nghĩa phải hội tụ tất cả các yếu tố trên, tức là doanh nhân là người chiến binh luôn quyết tâm chiến thắng nhưng biết giá phải trả chứ không phải bằng mọi giá.

Đồng thời, doanh nhân cũng phải là người trung thực, hiền lành và chân thật. Tóm lại, theo tôi, doanh nhân phải hội đủ bốn chữ "T" gồm: "Tâm - Tín - Tài - Tầm".

Nghe nói ông dự định mở vườn cây thuốc Nam? Đó có phải là chữ "Thoát" mà ông hay dùng khi nói về quan điểm sống của mình?

Tôi không có dự định xây dựng một vườn cây thuốc Nam cho riêng mình nhưng đã đầu tư xây dựng nhiều vườn cây thuốc nam ở những trạm xá mà LienVietPostBank tài trợ tại hàng trăm xã nghèo để chữa bệnh cho dân nghèo.

Tôi đang viết sách có nội dung xoay quanh chữ "Thoát". "Thoát" tạm hiểu là buông xả mọi nơi, mọi lúc để tâm hồn thanh thản và để biến những vấn đề phức tạp thành đơn giản, để đầu óc thông thái hơn.

Đó cũng là cách để chiến thắng bản thân, đồng thời thoát ra khỏi cái "tôi", thậm chí cả cái "chúng ta" nhỏ mọn và hướng đến những điều tốt đẹp hơn, chứ không phải "thoát" là "về vườn"... Nếu làm được như vậy tức là "biết đủ, biết dừng, biết đổi mới phù hợp thực tế”.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị.

>> Cạnh tranh ngân hàng: “Sống gần nhau thân mới thẳng”

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM