Ông Từ Quý Thành: Kiên trì với đam mê, cơ hội rồi sẽ tới
Sự đam mê và làm việc hết lòng có thể làm nên một người giỏi nghề, nhưng để truyền được niềm yêu nghề cho cả tập thể, Từ Quý Thành luôn vạch ra con đường dài mà mình cùng các cộng sự sẽ đi. Bên cạnh đó, tất nhiên còn là những ý nghĩa mà nghề nghiệp mang lại cho bản thân và cho xã hội.
Chúng tôi gặp ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang khi Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh 2015 (26 đến 29/3/2015) vừa kết thúc. Liên Bang là một trong số ít công ty tư nhân liên tiếp ba năm lọt vào Top 10 Công ty du lịch lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam.
Lớn lên trong cộng đồng người Hoa nổi tiếng với tính gắn kết, nhưng khi ra kinh doanh thì ông lại ở trong lĩnh vực thường bị cho là “mạnh ai nấy làm”.Ông đã chọn cách ứng xử như thế nào?
- Lớn lên trong cộng đồng người Hoa, tôi thấy được ý nghĩa quan trọng của sự liên kết. Đặc biệt trong lĩnh vực nhiều rủi ro như du lịch thì sự hỗ trợ qua lại là vô cùng cần thiết.
Buôn có bạn, bán có phường, sự tin tưởng lẫn nhau là điều nhất thiết phải có nếu muốn phát triển lâu dài. Trong khả năng của mình, tôi luôn cố gắng hết sức để tạo lấy một “cộng đồng nhỏ” có thể cùng chia sẻ khó khăn và lợi ích.
Có phải vì vậy mà vào năm 2002, khi vừa mở doanh nghiệp, ông đã đứng ra thành lập Happy Holiday – nhóm mười công ty lữ hành quy mô nhỏ – sau đó đã hoạt động khá thành công trong suốt thời gian dài?
- Không ai làm thì mình phải làm thôi. Để thuyết phục mọi người đồng ý, tôi phải soạn ra rất chi tiết các nội quy, điều kiện… Những doanh nghiệp gia nhập nhóm Happy Holiday đều phải đáp ứng một số yêu cầu bắt buộc, vào nhóm rồi vẫn có một khoảng thời gian thử thách với những “ngưỡng” phải đạt được.
Trong Happy Holiday, mỗi cá nhân chính là cả cộng đồng, lợi ích mỗi cá nhân chính là lợi ích của cả tập thể các doanh nghiệp. Gắn bó mắt xích với nhau như thế, nên dù đã chứng kiến những nhóm, hội khác tan rã, nhóm của chúng tôi vẫn làm việc được với nhau trong gần mười năm.
Hơi tiếc là đến khi phần lớn các thành viên đã phát triển đến quy mô khác hẳn trước thì mô hình hoạt động này đã không còn phù hợp.
Hẳn ông đã có mô hình khác để thay thế?
- Có chứ! Năm 2014, tôi đã ra mắt một nhóm tập hợp 18 công ty vừa và nhỏ cùng bán và quảng cáo tour trên trang web http://www.travelink.vn. Nhóm hiện chào bán khoảng 30 tour trong và ngoài nước.
Sắp tới, Travelink sẽ kết nối thêm nhiều công ty khác cũng như chào bán thêm nhiều tour mới. Hiện tại các công ty trong nhóm đang bán tour và cùng gom khách thông qua thương hiệu chung Travelink do Liên Bang đầu tư điều hành.
Các thành viên có thể chào bán tất cả các tour chung của nhóm trên website riêng. Những công ty chưa có website riêng sẽ dùng trang web chung của nhóm để quảng bá, bán sản phẩm. Nhóm đã vận hành hơn một năm và đang đẩy mạnh hoạt động.
Nhắc đến người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh, người ta thường nghĩ đến khả năng kinh doanh và truyền thống “cha truyền con nối”. Là người làm trong một lĩnh vực tương đối mới tại Việt Nam, điều này có đúng với ông hay không?
- Cả hai điều này đều không đúng với tôi lúc ban đầu. Gia đình tôi có truyền thống làm cơ khí thủ công. Tuy nhiên khác với các anh em trai đều một lòng theo nghề cha, từ nhỏ tôi còn thích học thêm ngoại ngữ và đọc sách. Vì vậy mà khi đất nước mở cửa, tôi được tuyển vào làm phiên dịch cho Văn phòng Hội chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi hoàn thành công việc, tôi thường được cử đi theo thuyết minh cho người nước ngoài khi họ muốn tham quan các di tích, thắng cảnh. Vậy là dần dần tôi học thêm được nghề hướng dẫn viên du lịch và mê luôn nghề này.
Mỗi vị khách đều là một cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài, ngược lại tôi cũng thấy rất hạnh phúc mỗi khi giới thiệu cho họ về những vẻ đẹp và nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Người Hoa tại TP.Hồ Chí Minh thành công trong khá nhiều lĩnh vực kinh doanh, tuy nhiên lĩnh vực du lịch lữ hành thì chưa có nhiều người tham gia?
- Dựa vào thế mạnh của mình, người Hoa thường kinh doanh trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống. Khái niệm đi du lịch vẫn còn chưa hoàn toàn gần gũi với đa số người làm công ăn lương hoặc mua bán nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu này sẽ trở thành cần thiết và phổ biến hơn. Du lịch ngày càng có nhiều lựa chọn. Người ít tiền vẫn có thể đi được.
Mười năm sau khi theo nghề du lịch ông mới ra mở công ty riêng, lúc bấy giờ thị trường lữ hành đã có nhiều tên tuổi lớn. Ông có nghĩ là mình hơi chậm trễ?
- Thật ra tôi không có tham vọng làm chủ từ sớm. Chuyện tôi lập công ty tự kinh doanh do hoàn cảnh đưa đẩy nhiều hơn.
Năm 2002, phải đứng trước nhiều thay đổi trong công việc, tôi mới quyết định “ra riêng” với tám nhân viên. Bởi vì thời gian từ lúc có ý định thành lập Liên Bang cho đến lúc thực hiện không phải dài nên ban đầu tôi chịu khá nhiều áp lực. Tôi luôn vào văn phòng sớm nhất và ít khi về nhà trước 9 giờ tối, thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ.
Có phải ý chí làm giàu đã giúp ông mở rộng quy mô công ty lên gấp mười sau hơn mười năm thành lập?
- Nhiều người vẫn nói rằng làm lữ hành chỉ là “lượm bạc cắc”. Quả thật vào thời kỳ mà nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ bất động sản, chứng khoán… thì kiểu ra sức làm việc của tôi không phải là cách kiếm tiền hiệu quả nhất.
Tuy nhiên tôi làm việc vì đam mê nên dù vất vả đến mấy thì vẫn thấy vui. Hơn nữa, cái được nhất với tôi không phải chỉ có tiền bạc.
Công việc mở rộng cuộc sống của tôi ra nhiều, tôi thấy mình mỗi lúc mỗi “giàu có” hơn ở nhiều phương diện khác. Các mối quan hệ và khả năng nắm bắt cơ hội tăng lên mỗi ngày cũng là “lợi nhuận” đấy chứ!
Có một nhóm khách của tôi từ 15 năm nay hằng năm đều mua tour đi chơi chung với nhau. Ban đầu họ chỉ là những khách lẻ được ghép thành đoàn, nhưng chuyến đi chơi vui và nhiều kỷ niệm nên từ đó về sau mỗi năm họ đều gặp tôi đặt tour để tiếp tục đi chơi với nhau, mặc dù ngoài việc đi chơi họ không có liên hệ làm ăn chung. Đó cũng là hạnh phúc của người làm nghề lữ hành.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những thứ mà du lịch sẽ đem lại cho người thụ hưởng và cho cộng đồng?
- Ngoài chuyện thư giãn, việc đi và quan sát, đối chiếu các nền văn hóa sẽ đem lại cho người ta cái nhìn đa chiều, rộng mở. Từ đó, cách chọn lựa và giải quyết vấn đề cuộc sống cũng sẽ toàn diện hơn, xuất phát từ gốc rễ hơn. Bản thân tôi thấy cuộc sống của mình phong phú thêm sau mỗi chuyến đi.
Xét từ góc độ đóng góp kinh tế thì tiền thu được từ du lịch sẽ chia cho nhiều người nhất, tạo được nhiều việc làm nhất. Chẳng hạn một du khách nước ngoài mua tour 1.000 USD để tham quan Việt Nam, 1.000 USD đó sẽ chia cho rất nhiều người trong các khâu hàng không, lữ hành, vận tải, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ…
Trong giới du lịch, ông được biết đến là người chịu khó theo đuổi các khóa học trong và ngoài nước để tiếp cận kiến thức mới. Liên Bang cũng đầu tư khá nhiều vào mảng du học. Vậy ông cũng cho con mình đi du học chứ?
- Tôi nghĩ là việc du học nên tùy thuộc vào ngành nghề. Mảng du học của công ty tôi tập trung vào nước Nhật, nơi sinh viên Việt Nam có thể học với nền giáo dục tiên tiến, học thêm kỹ năng sống và làm việc một cách chất lượng, đồng thời có thể đi làm thêm đến 28 giờ một tuần để trang trải cuộc sống.
Còn việc tiếp cận kiến thức mới thì không nhất thiết phải ra nước ngoài trong thời đại này. Con gái đầu của tôi đang học về thương mại ở trường đại học trong nước, con trai tôi có lẽ sắp tới cũng học trong nước.
Tôi tư vấn cho con kỹ càng cái hay, cái dở của việc du học và để các con tự quyết định. Tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của con cái.
Ông có đặt hy vọng con mình sẽ kế nghiệp và phát triển tiếp tục doanh nghiệp gia đình?
- Làm du lịch rất vất vả, phải thực sự đam mê mới làm được. Nếu con tôi không có đam mê đó, tôi cũng không lấy làm buồn.
Không nhất thiết người kế nghiệp phải là con mình, chỉ cần đó là người phù hợp nhất. Nói chuyện đó bây giờ còn hơi sớm, nhưng tôi sẽ cố gắng chuyển giao một cách tốt nhất.
Hai năm vừa qua có lẽ ông gặp nhiều khó khăn khi thị trường khách người Hoa giảm sút và các tour đi Trung Quốc ít được người Việt quan tâm?
- Tất nhiên là rất khó khăn, cũng may đến đầu năm nay thì có dấu hiệu của sự phục hồi, dù là chậm. Tuy nhiên, tôi luôn xác định đã mở công ty lữ hành thì phải chấp nhận cũng như luôn chuẩn bị tinh thần và mọi thứ để đương đầu với rủi ro.
Ngày trước tôi mở công ty chưa bao lâu thì dịch SARS xảy ra, nhờ chỉ tập trung vào làm những gì mình có thế mạnh nhất mà Liên Bang tồn tại được.
Ông từng nói rằng cái được của nghề du lịch là các mối quan hệ và thông tin về nhiều cơ hội làm ăn mới. Ông tận dụng ưu thế này như thế nào? Ngoài đầu tư vào công ty lữ hành, ông còn tham gia vào lĩnh vực nào nữa không?
- Tôi cũng cố gắng tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh doanh, nhưng chỉ trong phạm vi mà mình am hiểu chắc chắn. Từ việc chỉ chuyên đưa khách nước ngoài vào Việt Nam ban đầu, hiện nay Liên Bang đã làm tour nội địa, tour đưa khách Việt ra nước ngoài, tư vấn du học, làm tour hội nghị… Đó là thành quả từ sự nỗ lực hết mình của cả tập thể.
Đã đưa được nhiều khách du lịch từ các nước châu Á đến Việt Nam, ông có thể chia sẻ các yếu tố Việt Nam hấp dẫn họ?
- Nếu so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, có sức hấp dẫn về cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực…
Khách du lịch nước ngoài mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Việt Nam hiện nay có thể kể đến thị trường Malaysia. Lượng khách Malaysia đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vào mỗi cuối tuần lên đến hàng ngàn người. Họ đặc biệt thích ăn uống, mua sắm vải vóc trang phục và cũng là đối tượng khách thường quay trở lại.
Tôi nghĩ TP. Hồ Chí Minh còn nhiều thứ có thể đưa vào khai thác du lịch nhằm thu hút thêm khách nước ngoài. Chẳng nói đâu xa, khu vực người Hoa ở thành phố mình có nhiều nét hấp dẫn mà ít phố Tàu ở các thành phố châu Á nào theo kịp.
Đó là quy mô lớn với hơn 600 ngàn dân, lịch sử hình thành thú vị, rất nhiều món ăn ngon đặc sắc mà ngay cả người Sài Gòn ở ngoài khu vực này cũng ít biết đến. Nhiều tuyến phố vẫn giữ nghề thủ công như phố lồng đèn, làm trang phục, đông y…
Nếu được chỉnh trang và đầu tư như kiểu đô thị cổ Hội An, tôi tin nơi đây sẽ tạo thêm điểm nhấn cho bộ mặt du lịch TP. Hồ Chí Minh. Đầu tư vào những chuyện như thế này không tốn kém nhiều mà mang lại hiệu quả ngay.
Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là chuyện đau đầu trong quản lý du lịch ở nhiều nước châu Á, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ chậm trễ vài chục năm nữa thôi là nhiều thứ đó sẽ không còn!
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, ông có cảm nhận gì về thay đổi của thành phố trong những thập niên vừa qua? Đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, có khi nào ông mơ ước một cuộc sống ở nơi khác?
- Tôi yêu thành phố này và chưa từng mơ ước một cuộc sống ở nơi khác. Trong những năm tháng khó khăn nhất của thành phố, nghĩ lại tôi vẫn thấy thời gian đó có vẻ đẹp và niềm vui riêng.
Tôi thích cuộc sống mà con người đối đãi chân thành, gần gũi với nhau. Khi tôi bước vào tuổi trưởng thành, thập niên 1980, nhiều bạn bè tôi lần lượt rời khỏi đất nước theo những cách khác nhau, riêng tôi luôn muốn ở lại.
Tôi nghĩ ở đâu thì cũng phải làm việc để sống. Ngay cả khi cuộc sống vật chất lẫn tinh thần gặp nhiều khó khăn nhất, tôi vẫn thấy có nhiều thứ làm mình hạnh phúc.
Nhưng tuổi trẻ thường có hoài bão. Là người Việt gốc Hoa, thời điểm đó cơ hội để ông vươn lên bằng học vấn hay kinh doanh hầu như không có?
- Thì xung quanh ai cũng như mình thôi mà.Thế hệ của tôi ít ai có tham vọng làm chủ từ sớm hay đặt ra mục tiêu làm giàu như nhiều bạn trẻ bây giờ.
Bên cạnh việc phụ giúp gia đình, sở thích của tôi là tự học tiếng Anh, đào sâu tiếng Hoa. May sao đến lúc đất nước mở cửa thì sở thích đã mở ra nghề nghiệp.
Rồi nghề phiên dịch lại đưa tôi đến đam mê của đời mình là làm du lịch. Giờ ngẫm lại tôi thấy cứ làm đúng những gì mình thích và kiên trì thì cơ hội rồi sẽ tới.
Trở lại với chuyện thay đổi của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Những năm qua, thành phố này cũng như nhiều đô thị khác của châu Á có nhiều biến chuyển.
Kinh tế phát triển, con người có nhiều cơ hội để vươn lên, tự khẳng định mình, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thứ bị mất đi, chẳng hạn như sự hồn nhiên, gần gũi trong quan hệ giữa người và người. Tôi thấy bây giờ nhiều người có lối sống ít nhường nhịn, chia sẻ và thích phô trương hơn trước.
Sài Gòn thay đổi nhiều. Vậy theo ông cộng đồng người Hoa có gì khác trước đây không?
- Người Hoa thế hệ của tôi không nhiều người muốn học lên cao, nhưng thế hệ con tôi có lẽ sẽ khác. Đó là điều tốt.
Còn điều đáng tiếc là trong quan hệ xã hội và làm ăn, tính cộng đồng của người Hoa hiện nay không được như trước.
Là người luôn muốn nắm bắt các xu hướng mới cả về kinh doanh lẫn công nghệ nhưng lại hay tiếc nuối những giá trị cũ, ông có thấy mình hơi mâu thuẫn?
- Có. Đôi khi tôi cũng thấy mình mâu thuẫn!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
>> Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên: 'Có dại dột mới đi sản xuất ô tô made-in-Vietnam'
Theo Cẩm Tú