Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nếu không biết mình ở đâu 100% sẽ có ngày thất bại"

02/05/2013 09:43 AM | Nhân vật

Vì tất cả mọi người chỉ nhắm mắt chạy, không biết bên cạnh mình cũng có người chạy cùng và trên đường có rất nhiều lỗ, nếu không ngắn được các rủi ro phát sinh thì “kiểu gì cũng có chuyện”.

Bên lề cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn ông Nguyễn Duy Hưng đã có một vài trao đổi về chiến lược kinh doanh của SSI trong thời gian tới.

Thưa ông, lượng tiền mặt hiện tại của SSI khá lớn, tại thời điểm cuối năm 2012 tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của riêng công là 1.200 tỷ đồng (đã trừ tiền của nhà đầu tư), cộng thêm khoảng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng hơn 1.700 tỷ, SSI sẽ xử lý thế nào với lượng tiền mặt này?

Đúng là SSI ở thời điểm hiện tại có lượng tiền mặt tương đối lớn nhưng chúng tôi không đầu tư bằng mọi giá. Cách đầu tư từ trước đến nay của SSI bắt đầu từ việc nghiên cứu ngành nào, sau đó đến công ty nào, và cuối cùng phải xét xem ai là người đứng đầu công ty đó. Việc nghiên cứu lãnh đạo công ty rất quan trọng vì nếu công ty đó tốt nhưng lãnh đạo không tốt thì sang năm có thể công ty đó sẽ không tốt nữa. Khi trả lời xong 3 câu hỏi này, mình đã có chiến lược rõ ràng, lượng tiền mặt sẵn có, nếu có công ty nào thích hợp sẽ “xuống tiền”.

Việc đầu tư vào các công ty liên kết, đồng hành cùng với người ta nhưng SSI có vào thì sẽ có ra, nhưng để trả lời rằng số công ty đủ, nhiều hay thừa hay không thì tôi trả lời rằng lúc nào chúng tôi cũng có deal (hợp đồng), tất nhiên với thị trường quy mô bé như hiện tại, SSI lại đi theo chiến lược an toàn thì việc tìm ra các công ty theo ý muốn như “tìm sao trong ngày mưa phùn”.

Danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của SSI hiện tại gần 2.200 tỷ đồng, thì trong đó trái phiếu gần 680 tỷ (30% danh mục), cổ phiếu OTC gần 780 tỷ (35% danh mục), ông có cho rằng danh mục đầu tư của SSI không thể “chiến thắng thị trường” trong giai đoạn này?

Cổ đông cần cổ phiếu lên xuống để lướt sóng cổ phiếu đó, nhưng khi SSI đầu tư theo mô hình công ty liên kết đều là các công ty tiềm năng, mình cần doanh nghiệp và đó là một chiến lược dài hơi từ lâu. 

Đến hôm nay có nhiều người muốn làm theo mô hình của SSI và có nhiều người nói vui với tôi rằng các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của SSI đều “nặng mông”. Tuy nhiên với quan điểm của tôi thì khi mình đã có một chiến lược thì làm đúng chiến lược đó là thành công, tất nhiên tôi cũng muốn cổ phiếu tăng nhưng không thể tham lam cái gì cũng muốn được.

Đầu năm quan điểm thị trường của ông VN-Index sẽ đạt 500 điểm, ông có thay đổi quan điểm không?

Chứng khoán là ngành không thể kinh doanh một mình, phải phụ thuộc vào nền kinh tế, câu hỏi ở đây là tất cả các vấn đề của nền kinh tế hiện tại đã bộc lộ hết chưa và đã có giải pháp chưa, nếu chưa thì chúng ta không thể đặt kỳ vọng lớn vào đó được.

Nhà đầu tư Việt Nam khi VN-Index vượt 500 điểm lại muốn lên 550 điểm, rồi lên 600 điểm, nhà đầu tư và cả doanh nghiệp cứ bị cuốn theo thị trường rồi cuối cùng nhìn lại, nếu không biết mình ở đâu 100% sẽ có ngày thất bại. Vì tất cả mọi người chỉ nhắm mắt chạy, không biết bên cạnh mình cũng có người chạy cùng và trên đường có rất nhiều lỗ, nếu không ngắn được các rủi ro phát sinh thì “kiểu gì cũng có chuyện”.

Khi họp hội đồng quản trị đầu năm chúng tôi đưa ra 3 kịch bản nhưng khi trình đại hội cổ đông thì chốt ở kịch bản VN-Index đạt từ 450-500 điểm và SSI đặt kế hoạch 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

SSI sẽ làm gì để giành lại thị phần số 1 từ HSC, thưa ông?

SSI đi theo chiến lược phát triển bền vững, ngay cả khi HSC vượt SSI về thị phần chúng tôi vẫn duy trì quan điểm này bởi vì việc vượt về thị phần có lâu không là câu chuyện khác.

Tôi rất kính nể việc HSC giành thị phần số 1 nhưng chúng tôi sẽ vấn duy trì chiến lược từ trước đến nay của chúng tôi, khi tôi cảm thấy thị trường không còn cơ hội môi giới của SSI không khuyến khích nhà đầu tư mua bằng mọi giá.

Quan điểm của tôi làm sao cho số lượng nhà đầu tư tham gia phải kiếm được tiền, trong thời điểm hiện tại nếu công ty nào có thị phần môi giới cá nhân càng cao thì xác xuất mất uy tín trong tương lai rất lớn vì ai đầu tư cũng mất tiền.

Hiện tại SSI đang có 6 bất động sản ở bên Mỹ, ông có thể cho biết về chiến lược đầu tư này không?

Đó không phải là khoản đầu tư của SSI mà đó là của quỹ, SSI chỉ là nhân tố đóng vào quỹ thôi, đó là nền tảng để quỹ SSI đi huy động vốn (rase fund) ở Việt Nam để đưa ra bên ngoài và đó mới là cái SSI cần. Việc hạch toán lợi nhuận trực tiếp từ các bất động sản này so với tổng quy mô không nhiều, chỉ bằng vài deal trong nước thôi, nhưng nó mở ra hướng lớn. Đó là private bank (ngân hàng tư nhân) ở VN hiện nay chưa phát triển, những người giàu ở Việt Nam chưa biết đầu tư vào đâu do các cơ chế chính sách chưa cho.

Khi chính sách mở rộng và thoáng hơn, funds đó sẽ lớn rất nhanh, tài sản quản lý nhiều hơn và SSI sẽ thu phí lớn, đó mới là cái giá trị SSI cần. Chúng tôi muốn phát triển thành định chế tài chính kết nối vốn với các nhà đầu tư, kiếm người có tiền và tạo ra nhiều sản phẩm để người ta bỏ tiền vào.

Ông đang nắm giữ một lượng tiền mặt lớn hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất đang giảm mạnh như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu khác của SSI, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi càng thích! Lãi suất giảm mạnh cho dù doanh thu kinh doanh nguồn của tôi có ít đi nhưng doanh nghiệp sống thì ngân hàng, công ty chứng khoán mới sống được. Giống như việc nếu không tăng giá điện thì lấy tiền đâu làm nhà máy điện, mà không có nhà máy điện thì lấy đâu ra điện để dùng. Khi lãi suất giảm các công ty liên kết sẽ có kết quả lợi nhuận tốt hơn, và do đó khoản lợi nhuận chia về cho SSI cũng lớn hơn. Tôi đồng tình với việc lãi suất giảm mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Phương Mai

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM