Ông giám đốc có tâm Phật

23/01/2013 10:58 AM |

Chắc chắn ai cũng bất ngờ, bởi trong những chuyền may của Công ty CP Việt Hưng, có cả những chiếc xe lăn.

Xuất thân từ một công nhân, từng bước phấn đấu, ông trở thành tổng giám đốc của một công ty may có gần 2.500 lao động, khách hàng toàn là chủ thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Nhưng điều hạnh phúc nhất, nhiều bạn bè, công nhân vẫn gọi ông là “Giám đốc có tâm Phật”

Lần đầu đến thăm Công ty CP Việt Hưng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM), chắc chắn ai cũng bất ngờ, bởi trong những chuyền may đó, có cả những chiếc xe lăn. Nguyên do là trong số những công nhân của công ty, có hơn 30 người khuyết tật.

Ông Phan Công Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Việt Hưng, kể, một lần đến thăm cơ sở dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi ở huyện Hóc Môn – TP HCM, ông rất xúc động khi thấy các em khuyết tật đang cặm cụi học nghề may. Chạnh lòng, ông hứa sẽ nhận vài chục em bị yếu chân, tay về công ty làm việc. Đến khi về công ty bàn bạc, nhiều người phản đối, cho rằng ông “bốc đồng”, “chơi ngông”, bởi nhiều người lành lặn còn khó khăn, nhận người khuyết tật về không biết bố trí vào chỗ nào. Ông cũng rất phân vân, nhưng quyết tâm thực hiện lời hứa. 

Thế nhưng, khi đưa các em về, xếp vào chuyền mới thấy hết khó khăn. Máy móc được thiết kế để cho công nhân bình thường làm việc, giờ đưa các em bị yếu chân vào không biết làm sao đạp mô-tơ cho máy chạy. Thế là ông lại ngồi quan sát các em làm, sau đó cùng với phòng cơ điện cải tiến thiết bị, bàn máy may, chỉnh sửa, chuyển bộ phận điều khiển chuyển động từ dưới lên trên cao để những công nhân này có thể thao tác bằng tay. Bàn máy may cũng phải cưa thấp đi cho phù hợp. Đâu đã hết, ngay cả nhà vệ sinh dành cho công nhân cũng phải sửa lại cho các em có thể lăn được xe vào. Để hỗ trợ cho các em này, công ty thuê nhà cho ở, tặng mỗi em một tháng chục kg gạo, mua bếp gas, nồi niêu, xoong chảo cho dùng…

Thế nhưng vẫn chưa ổn, nhiều em do tâm lý mặc cảm hoặc được gia đình nuông chiều nên chưa bắt nhịp được công việc. Thấu hiểu tâm lý đó, ông Minh tập hợp nhóm công nhân khuyết tật thành “Tổ công nhân vượt khó” và ông tình nguyện làm tổ trưởng. Cứ mỗi cuối tuần, ông họp tổ một lần, vừa động viên, khuyến khích vừa răn nhủ, thậm chí có khi la mắng chân tình để các em thấu hiểu hoàn cảnh nhưng cũng đồng thời tự tin hòa nhập. Ông cũng yêu cầu các trưởng xưởng phải dành nhiều thời gian quan tâm hơn cho các công nhân này. Cứ mỗi tháng ông lại trích từ tiền lương của mình để thưởng cho những công nhân có năng suất cao nhất, cuối năm công ty thưởng riêng cho công nhân giỏi nhất, phần thưởng là ti vi, bếp gas, lò vi sóng… Đến bây giờ ông vẫn là “Tổ trưởng tổ CN vượt khó”. 

Sự chăm lo đó đã giúp các em từng bỏ qua mặc cảm, từng bước hội nhập hoàn toàn. Đến nay, trên 30 em có thu nhập từ 3 triệu đồng - 4 triệu đồng/tháng, bằng 90% so với thu nhập của các công nhân bình thường. Em Nguyễn Thị Thanh Thúy, 21 tuổi, quê ở Hòa Thành, Tây Ninh, xúc động kể: “Em bị bại liệt từ năm 2 tuổi sau một cơn sốt. Những tưởng cuộc đời em sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng gánh nặng ấy đã được trút bỏ khi được nhận vào công ty làm việc”. Bây giờ tiền lương của Thúy được 3,5 triệu đồng/tháng. Niềm vui lớn nhất của em là đã thay cha mẹ nuôi em gái đang học trường Cao đẳng nghề Bách Việt. 

Kể về cái tình của ông Minh với công nhân, không thể không nhắc đến việc ông tổ chức đám cưới cho 2 công nhân khuyết tật trong công ty cách đây 4 năm. Ông nhớ lại, một hôm đang từ trên phòng làm việc xuống xưởng, anh Nguyễn Duy Quân, công nhân khuyết tật (yếu chân phải) được nhận vào làm gần năm trước đó, đến gặp ông mời tuần sau dự đám cưới. Nghe thế, ông mừng rỡ vì ngỡ Quân lấy được người vợ khỏe mạnh để đỡ đần. Nhưng đến khi nhìn thiệp cưới, biết cô dâu là Đặng Thị Thanh Bình, một nữ công nhân bị liệt hai chân khác cũng đang làm trong công ty, ông… phát hoảng. “Nói thật, tôi “choáng”. 

Tưởng tạo được công ăn việc làm cho các em là mừng, ai ngờ, các em lấy nhau. Tuy là việc tốt, nhưng rồi các em đám cưới, sinh sống, ăn ở ra sao. Đang chuẩn bị đám cưới cho con trai nên tôi biết vất vả, tốn kém như thế nào. Đến khi hỏi thăm, được biết các em định tổ chức đám cưới ở một… quán nhậu bình dân gần công ty, khách mời là nhóm công nhân khuyết tật thì tôi càng ngán”- ông Minh cười nhớ lại.

Ông Minh trong đám cưới của hai công nhân Bình - Quân.

Ngay ngày hôm sau, ông triệu tập các trưởng phòng, giám đốc các xưởng và công đoàn bàn việc tổ chức đám cưới cho 2 em tại Văn phòng công ty và phân công cụ thể người đi thuê quần áo cho cô dâu, chú rể, người lo trang trí, người lo âm thanh, người lo bàn tiệc... Biết chuyện, vợ ông cũng vừa mừng, vừa lo, rồi bà rủ ông đi đặt 2 cặp nhẫn cưới, một cho con trai, con dâu và một cho Bình – Quân. 

Ngày đám cưới, chú rể comple, ca vạt khập khiễng đẩy xe lăn cho cô dâu rạng rỡ tươi cười tiến vào phòng tiệc là nhà ăn của công ty được trang hoàng đẹp đẽ trong tiếng reo hò, mừng rỡ của gần 1.000 cán bộ, công nhân và tiếng nhạc rộn rã. Tiệc cưới cũng có đủ món gà, bò, lẩu, bia, nước ngọt… không thể nói là sang, nhưng rất ngon lành, nóng sốt. Hỏi chi phí đám cưới, ông chỉ cười, nhưng tôi biết, trong đó có phần là tiền riêng của gia đình ông, còn lại do công ty và công đoàn hỗ trợ. Rất tiếc, vì nhiều lý do khách quan, Bình – Quân không còn làm ở công ty, nơi khởi nguồn tình yêu và cuộc sống vợ chồng nữa. Nhưng điều hạnh phúc lớn nhất, họ đã có một con trai hiện hơn 3 tuổi lành lặn và khỏe mạnh.

Tôi gặp ông lần đầu tiên cách đây gần chục năm. Khi đó, xảy ra vụ việc giám đốc Công ty may Vinh Hoa, người Hàn Quốc (cũng phường Tân Thới Hiệp - quận 12), bỏ trốn trong khi còn nợ lương hơn 100 công nhân trên 1 tỷ đồng. Do là lần đầu tiên xảy ra việc giám đốc một công ty bỏ trốn nên các cơ quan chức năng cũng lúng túng, không biết phải xử lý ra sao. Qua nhiều kênh thông tin, ông điện thoại cho tôi nói sẵn sàng hỗ trợ và nhận toàn bộ số công nhân trên vào làm việc. 

Nhân duyên gắn chặt tình cảm giữa ông và tôi khởi nguồn từ đó. Lần khác, Công ty Win Brothers (Hàn Quốc) cũng ở địa bàn quận 12, hoạt động chui, không có giấy phép, bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động, 350 công nhân có nguy cơ mất việc, ông cũng sẵn sàng tiếp nhận hết. Biết tin hai công nhân của công ty này không có thẻ bảo hiểm y tế bị bệnh phải tự bỏ tiền đi chữa, ông Minh nhờ tôi đưa đến tận phòng trọ của họ, tặng mỗi công nhân 5 triệu đồng để giúp họ giảm bớt khó khăn. Còn rất nhiều vụ việc ông giúp đỡ công nhân hay người khó khăn mà khó kể ra hết.

Nhiều lần gặp ông nhưng gần đây tôi mới biết ba ông nguyên là đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh tư tưởng – Văn hóa của Bộ Công an. “Ba má lấy nhau, rồi ông đi tập kết phục vụ cách mạng biền biệt. Tôi ở với má, vì nghèo chỉ được học đến lớp 9 rồi phải nghỉ đi học làm thợ may. Sau này, xin vào Công ty Việt Tiến làm việc, từng bước phấn đấu, trưởng thành và được như hiện nay”, ông kể giọng bình thản, nhưng tôi biết “được như hiện nay” là niềm ước mơ của nhiều doanh nghiệp. Khách hàng của Việt Hưng toàn những thương hiệu nổi tiếng của châu Âu như Celio, Monoprix, George, Yongo, Wehmeyer, GreenCoast, Springfield…, của Mỹ như Levi's, Holiter, K.Mart, Shopko Store, Supreme, AMC, Haggar, Wilk Shirt, B.A.W… 

Ngoài ra, sản phẩm may mặc của Việt Hưng còn là một trong những thương hiệu có tiếng tại Việt Nam. Doanh thu hàng năm tăng mấy chục %. Tính riêng 3 năm gần đây, năm 2009 đạt 140 tỷ đồng, năm 2010 đạt 175 tỷ đồng và năm 2011 ước khoảng 210 tỷ đồng, cổ tức bình quân hàng năm 20%. Ông bảo, làm cho khách hàng Châu Âu hay Mỹ ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, còn phải đạt trách nhiệm xã hội cao. 

Chính vì thế, gần 2.500 công nhân của công ty ngoài tiền lương bình quân hiện khoảng 4,5 triệu đồng/tháng còn được hưởng nhiều lợi ích khác: không bao giờ phải tăng ca, thậm chí nhiều hôm mới 15h30 đã được về; hàng năm công nhân đều được đi nghỉ mát, công ty còn tổ chức nhiều buổi vui chơi, thi tìm hiểu về pháp luật, sức khỏe sinh sản cho công nhân… 

Hỏi ông điều hạnh phúc nhất là gì, ông lại cười nói: “Nhiều bạn bè và công nhân gọi tôi thân ái: Giám đốc có tâm phật”.

Theo Thiên Trường
Báo Đất Việt

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM