Ông Cao Tiến Vị: Mạo hiểm có tính toán

24/02/2015 15:59 PM |

Với những quyết định táo bạo, họ đã tạo dựng được những thương hiệu mang tầm quốc gia và vươn ra thế giới.

Giờ nhìn lại chặng đường mấy mươi năm chông gai đã qua, lớp doanh nhân ngày ấy vẫn nhớ như in kỷ niệm của thuở khởi nghiệp. Họ có 5 phút để nói về những gì quan trọng nhất tạo nên cơ nghiệp kinh doanh của mình.

Học kinh tế, làm thương mại rồi mở xưởng sản xuất giấy khi không biết gì về nghề này nhưng ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, bảo mình không liều lĩnh mà là “mạo hiểm có tính toán”.

Năm 1996, bạn bè và cả người thân đều cho rằng ông Vị quá liều lĩnh khi bỏ việc ở công ty nhà nước ra mở công ty riêng. Không liều sao được khi ông khởi nghiệp mà chỉ rành về thương mại (lĩnh vực ông đã làm 12 năm), lại không có chút kiến thức về ngành giấy và không có cả vốn kinh doanh. Để mở một xưởng sản xuất với 30 nhân công, ông Vị phải bán căn nhà đang ở để mua máy móc, thiết bị.

Bán nhà là nỗi lo nhưng cũng là động lực, tạo quyết tâm để ông Vị dấn thân. “Nếu cầm thì chỉ vay được một nửa, lại còn phải trả lãi vay nên đành phải bán mới có đủ vốn đầu tư. Chọn cách này tôi không có đường lui và đây cũng chính là áp lực để tôi quyết tâm làm cho bằng được dù kinh nghiệm thương trường là con số 0”, ông Vị kể về quyết định đến với ngành giấy.

Nhớ lại thuở ban đầu, ông thấy mình thật mạo hiểm nhưng là “mạo hiểm có tính toán”. Bởi thời đó thị trường sơ khai, các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất giấy bao bì công nghiệp, còn giấy vệ sinh thì khan hiếm và chất lượng thấp.

Mười hai năm làm trong lĩnh vực thương mại giúp ông nắm bắt nhanh các cơ hội kinh doanh. Vậy là ý tưởng mở xưởng sản xuất giấy vệ sinh hình thành và nhanh chóng được triển khai dù công nghệ, kỹ thuật sản xuất giấy ông đều không biết.

May mắn là trong quá trình làm thương mại, ông có quen các đối tác trong lĩnh vực sản xuất giấy nên “tầm sư học đạo” từ những người này. Sau thời gian mày mò nghiên cứu và 6 tháng vận hành nhà máy, sản phẩm của Giấy Sài Gòn làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Từ thành công này, ông Vị liên tục đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị, nhà xưởng để sản phẩm có chất lượng cao hơn. Từ xưởng sản xuất nhỏ, ông mở rộng nhà máy và đến năm 2005, Giấy Sài Gòn xây dựng nhà máy Mỹ Xuân 1 tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu) với vốn đầu tư 30 triệu USD, sản xuất giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp.

Nhờ tích cực đầu tư, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và Công ty bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đà thành công đó, năm 2007, Giấy Sài Gòn đầu tư nhà máy Mỹ Xuân 2 với vốn 120 triệu USD.

Những năm gần đây, kinh tế khó khăn, Giấy Sài Gòn cũng thăng trầm theo thời cuộc khi doanh thu dù tăng mạnh mỗi năm vẫn không đủ bù chi phí đầu vào và lãi vay, dự án nhà máy Mỹ Xuân 2 giậm chân tại chỗ nhiều năm liền buộc Công ty phải phát hành cổ phần để huy động vốn đầu tư.

Với sự đầu tư của cổ đông Nhật (Daio) và hiện tại là Công ty Mai & Co, Giấy Sài Gòn đã tái cấu trúc thành công và vận hành toàn bộ nhà máy mới vào cuối năm 2014. Điều quan trọng là sản phẩm của Giấy Sài Gòn có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.

Nhà máy mới được trang bị công nghệ gần như hiện đại nhất Đông Nam Á đã giúp Giấy Sài Gòn chiếm được vị trí số 1 tại Việt Nam về phân khúc giấy vệ sinh và đứng thứ 2 về mặt hàng giấy công nghiệp.

Chia sẻ về thành công, ông Vị nói, chính sự lựa chọn “không có đường lui” trong ngày đầu khởi nghiệp mà ông phải tính đến hiệu quả và nhắm tới đột phá tạo sự khác biệt.

Tới thời điểm này tuy Giấy Sài Gòn đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng ông Vị cảm thấy tự hào vì đã tạo dựng được một công ty quy mô tầm quốc gia từ một xưởng sản xuất rất nhỏ.

Ông bảo: “Làm doanh nhân phải có hoài bão lớn. Đó chính là động lực giúp mình vượt lên những chuyện bình thường tưởng không làm được và thành quả đạt được tiếp tục là động lực để dấn thân”.

>> Doanh nhân Hồng Lam: Đừng bao giờ bỏ cuộc, khó khăn chỉ làm ta mạnh mẽ hơn mà thôi

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM