Những đại gia bất động sản mới nổi năm 2014

29/12/2014 08:46 AM |

Một nhóm mới đang dần lộ diện nhờ vào chiến lược thôn tính các dự án khả thi. Trong đó, có nhiều công ty chỉ mới chập chững bước vào sân chơi này.

Thị trường bất động sản 2014 để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Từ câu chuyện thanh khoản thị trường cho tới những cuộc đổi chủ dự án, bởi sau nhiều năm thanh lọc, một nhóm mới đang dần lộ diện nhờ vào chiến lược thôn tính các dự án khả thi. Trong đó, có nhiều công ty chỉ mới chập chững bước vào sân chơi bất động sản, nhưng họ lại đang cho thấy là những thế lực mới nổi nhiều triển vọng.

Tiếp bước "đàn anh"

Năm 2008, số vốn điều lệ ban đầu của FLC là 18 tỷ đồng. Đến năm 2012 là 700 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2014, qua FLC Group đã tăng vốn điều lệ 3 lần từ hơn 700 tỷ lên 3.149 tỷ vào tháng 9/2014 vừa qua. Trong vòng hơn một năm, FLC Group đã thâu tóm thành công 3 dự án bất động sản lớn tại Hà Nội. 

Những “đại gia” bất động sản mới nổi năm 2014 (1)
Samson Beach & Golf Resort của FLC

Điều này cho thấy, ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết 39 tuổi, một trong 10 doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán có độ tuổi dưới 40 có tham vọng rất lớn. Sau khi hoàn thành dự án FLC Landmark Tower 25 tầng tại Mỹ Đình, FLC bắt đầu thôn tính nhiều dự án khác.

Trong đó, gồm FLC Garden City (8ha) tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, HN tổng giá trị đầu tư ước tính 3500 tỷ, với 5 tòa chung cư cao tầng và khoảng 300 căn biệt thự, liền kề; FLC Complex 36 Phạm Hùng cao 38 tầng xây dựng trên khu đất 5000m2 với tổng số khoảng 500 căn hộ cao cấp; Và mới đây nhất FLC vừa công bố thâu tóm thành công dự án Lavender (Hà Đông) 41 tầng.

Ngoài ra, ông chủ FLC còn có tham vọng rất lớn ở Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort khi đại gia này muốn biến khu đất hoang sơ ở cửa sông Mã hướng biển (Sầm Sơn) quy mô 450ha, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ thành khu sân golf và khu nghĩ dưỡng cao cấp lớn nhất xứ Thanh.

Khác với doanh nhân Trịnh Văn Quyết đang đẩy mạnh thôn tính dự án trên đất Thủ đô, một doanh nhân trẻ bí ẩn khác lại rời đô để tìm cơ hội mới, đó là ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Công ty Địa ốc Đại Quang Minh.

Được sự hậu thuẫn đằng sau của đại gia ô tô Thaco, cổ đông lớn của Đại Quang Minh, cùng những công ty và cá nhân có kinh nghiệm và tham vọng trong lĩnh vực bất động sản như CTCP Đầu tư Mai Linh, ông Trần Đăng Khoa và Công ty Thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư Invecon, Đại Quang Minh đang trở thành một trong những tên tuổi mới nổi bậc nhất trên đất Thủ Thiêm.

Đại Quang Minh được giao là chủ đầu tư 4 tuyến đường chính vào KĐT mới Thủ Thiêm có tổng trị giá 8.265 tỷ chưa kể 3.917 tỷ chi phí dự phòng. Đến nay công ty này đã rót 7000 tỷ đồng cho dự án, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Những “đại gia” bất động sản mới nổi năm 2014 (2)
Đại Quang Minh đang sở hữu khoảng 120ha đất tại Thủ Thiêm

Đổi lại, Đại Quang Minh sở hữu Dự án khu dân cư 80ha nằm ngay Đại lộ Mai Chí Thọ. Đại Quang Minh cũng đang là nhà đầu tư cầu Thủ Thiêm 2 và dự án đối ứng là 11 ô đất khu phía Bắc đường Mai Chí Thọ quy mô 20ha để xây dựng KĐT mới SALA với 234 căn biệt thự, 395 căn nhà phố và 5.600 căn hộ cao cấp…

Khiêm tốn hơn, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group trong năm 2014 cũng tất bật với các dự án của mình, ông tiết lộ 2015 sẽ rót khoảng 1.000 đến 1.500 tỷ để phát triển các dự án. Dù chưa thấm vào đâu so với nhiều “ông lớn” khác nhưng theo ông Bình đây là khoản đầu tư lớn nhất của CEO từ trước đến nay.

Không đổ tiền vào những thị trường đang “nóng” tại Hà Nôi hay Tp.HCM, bởi theo ông thị trường này vẫn còn khó khăn, nhưng  thuyền trưởng của CEO Group lại tự tin rót tiền cho những dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc. CEO hiện đang sở hữu 16 dự án với tổng quỹ đất 700ha, riêng tại Phú Quốc có 3 dự án lớn với tổng diện tích 300ha, trong đó dự án Sonasea Villas and Resorts 80ha tại Bãi Trường có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ.

Những “đại gia” bất động sản mới nổi năm 2014 (3)
Dự án Sonasea Villas and Resorts tại Phú Quốc

Chập chững bước vào “cuộc chơi” mới

Một “tay chơi” mới khác cũng đang nhăm nhe tấn công sâu vào bất động sản, đó là VID Group. Sau khi đầu tư thành công ở một số khu công nghiệp tại Hà Nội và Hải Dương, VID đã mua lại một tòa nhà văn phòng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Cùng với Maritime Bank, TNR Holdings Việt Nam (mới thành lập tháng 12/2014) vừa trở thành đối tác với Công ty TNHH Thương mại –Quảng cáo –Xây dựng –Địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư dự án Castle Plaza) để phát triển dự án này.

Theo công bố đối tác chiến lược mới đây, TNR Holdings là đối tác độc quyền điều hành và phát triển dự án này có quy mô 12ha với 9 tòa chung cư cao 40 tầng, 5000 căn hộ tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, HN. Castle Plaza đã được đổi tên thành Goldmark City.

Những “đại gia” bất động sản mới nổi năm 2014 (4)
Goldmark City

VID đang tỏ rõ tham vọng của mình vào BĐS nhà ở tại Hà Nội khi tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch cho một dự án lớn tại Long Biên khi chuyển đổi KCN Đài Từ (Long Biên) 40ha thành khu đô thị, mới đây đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Không mặn mà với phân khúc bất động sản cao cấp, Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) lại là một người chơi mới ở phân khúc nhà ở bình dân. N.H.O là liên doanh giữa Công ty Cổ phần TAG và Công ty TNHH NIBC Investment. Được biết, N.H.O đang rất tham vọng phát triển mô hình căn hộ trung bình thấp đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2014-2015 N.H.O cam kết rót khoảng 1 tỷ USD để tung ra thị trường 25.000 căn hộ với quỹ đất 230ha trên toàn quốc, trong kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng 100.000 căn hộ giá rẻ trong 10 năm mà công ty này đã “hứa” với Bộ Xây dựng. Hiện tại, N.H.O đã và đang đầu tư 3 dự án lần lượt tại Đà Nẵng, Tp.HCM và An Giang với tổng mức đầu tư vào khoảng 1.500 tỷ, tổng số khoảng 2.700 căn hộ.

Những “đại gia” bất động sản mới nổi năm 2014 (5)
N.H.O muốn xây 100.000 căn hộ giá rẻ tại Việt Nam

Những cái tên mới nổi khác cũng đang chứng tỏ tham vọng của mình trên thị trường địa ốc. Đơn cử như Syrena Việt Nam (thuộc BIM Group) thành lập năm 2008, có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, hiện đang sở hữu 16 dự án tại Việt Nam và Lào, công ty này chủ yếu đang phát triển các dự án ở Quảng Ninh, trong đó có KĐT Marina Ha Long tổng mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD; Địa ốc Kim Oanh vào 2006 chỉ là văn phòng dịch vụ nhỏ nhưng nay công ty này đã có 5 chi nhánh ở Bình Đương, Đồng Nai và Tp.HCM với tổng cộng 500 nhân viên, nhằm hợp tác với các đối tác lớn ở thị trường này như Becamex, Tín Nghĩa và Giang Điền; Công ty Ngôi Sao An Bình với dự án Green Stars (Hà Nội); Công ty Phúc Hà với dự án Thăng Long Victory (Hà Nội),…

“Cuộc chơi” mới trên thị trường bất động sản sẽ lại sôi nổi hơn khi có thêm nhân tố mới đầy tham vọng. Bên cạnh những đàn anh luôn thể hiện được sức mạnh của mình, những đại gia mới nổi này sẽ ngày càng đem đến cuộc đua trên lĩnh vực bất động sản ngày càng hấp dẫn.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
XEM