Những chuyện chưa biết về đại công tử Vĩnh Long (Phần 1)

03/06/2012 00:00 AM |

Ở miền Tây Nam Bộ, khi nhắc đến “Công tử” là nhiều người nhớ ngay đến hai vị Công tử ăn chơi khét tiếng giang hồ, xem tiền như cỏ rác: Bạch Công tử ở Mỹ Tho và Hắc Công tử ở Bạc Liêu.

Nhưng cùng thời với Hắc Công tử và Bạch Công tử, còn có một công tử ở đất Vĩnh Long con nhà danh gia thế phiệt giàu có không thua kém hai vị công tử Bạc Liêu, Mỹ Tho.

Tuy nhiên, vị Công tử đất Vĩnh Long không thuộc mẫu người sống trên đầu thiên hạ, ăn chơi đến táng gia bại sản như hai vị Hắc- Bạch Công tử. Ngược lại, Công tử Vĩnh Long lúc thiếu thời nổi tiếng là người giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng ra tay cứu giúp người khốn khó.

 Khi đã thành nhân, Công tử Vĩnh Long là người tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và cuối cùng hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu mai sau.

Bây giờ về xứ Vĩnh Long hỏi chuyện Công tử Lời, nhiều người già còn nhớ: Công tử Lời là con út của một gia đình gốc Hoa giàu có, sống phóng khoáng, không đua đòi ăn chơi, tính tình ngông nghênh nhưng lại có tính thương người, hay giúp đỡ những người nghèo khó xung quanh.

Thân thế vị Công tử Vĩnh Long

 Công tử Vĩnh Long tên thật là Châu Sanh, tên trong giấy khai sinh là Châu Văn Sanh. Nhưng trong gia đình và trong tâm thức những bô lão ở đất Vĩnh Long, ít người nhớ tên cúng cơm khai sinh của Công tử mà người ta chỉ nhớ tên thường gọi của ông là Lời, Công tử Lời.

Công tử Lời sinh ngày 3/4/1911 tại làng Chánh Hội, quận Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long, nay là thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cách thị xã Vĩnh Long vài mươi cây số về hướng quốc lộ 53 đi tỉnh Trà Vinh. Theo các tài liệu lưu trữ, cha Công tử Lời tên là Châu Xuyên, sinh năm 1865, là người Hoa gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Nghe đồn rằng, tổ tiên của ông Châu Xuyên chạy theo Long Môn tướng quân Dương Ngạn Địch rời bỏ quê cha đất tổ chạy về phương Nam xin chúa Nguyễn cho định cư ở Mỹ Tho để tìm cơ hội phản Thanh phục Minh, lần hồi tổ tiên của ông Châu Xuyên trôi dạt đến xứ Gò Công (tỉnh Tiền Giang ngày nay) để lập nghiệp.

Hồi mới đến xứ Gò Công, tổ tiên của ông Châu Xuyên rất nghèo, làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Năm 1904 xứ Gò Công xảy ra trận lụt lớn khiến nhiều người chết thảm, nhiều gia đình tan nát, ly tán khắp nơi, xứ Gò Công trở nên nghèo khó. Lúc đó ông Châu Xuyên cùng mẹ đi khắp nơi kiếm sống, cuối cùng phiêu dạt về làng Chánh Hội.

Ở nơi đất khách quê người, hai mẹ con ông Châu Xuyên rất nghèo, nghèo đến mức hàng ngày mẹ ông Châu Xuyên phải rang đậu phộng gói vào giấy để cho ông ra chợ Cái Nhum ngồi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Công tử Bảy Lời thời trẻ
Chân dung cậu Bảy Lời (Công tử Lời) lúc thanh niên.


Người ta kể rằng, lúc đó do nhà quá nghèo, ông Châu Xuyên ngồi bán đậu phộng mà trong bụng rất thèm nhưng không biết làm sao, đành len lén mở bịch đậu phộng lấy mỗi bịch một hạt ăn cho đỡ thèm.

Bán lục lạc được một thời gian, sẵn khéo tay nên ông Châu Xuyên tìm đất sét nắn lục lạc đủ hình thù của các con vật gắn vào que tra bán cho trẻ con.

Từ những ngày bán đậu phộng, bán lục lạc ở chợ Cái Nhum, ông Châu Xuyên và mẹ dành dụm, dè sẻn, ăn uống kham khổ nên dần dà tích lũy được một ít vốn và chuyển sang nghề kinh doanh, gặp ai bán món gì mà nhắm bán lại có tiền lời là ông Châu Xuyên mua ngay.

Sau nhiều năm dành dụm, cuối cùng ông Châu Xuyên mua được một miếng đất cất một căn nhà ngay tại chợ Cái Nhum, kề bên dòng sông Măng Thít.

Từ khi có nhà, ông Châu Xuyên vừa tiếp tục kinh doanh mua bán vừa mở tiệm hốt thuốc Bắc gia truyền, chủ yếu là các loại thuốc trị bệnh ban, trị ho, thuốc xổ.

 Nhờ mát tay trị được nhiều người khỏi bệnh nên tiệm thuốc của ông Châu Xuyên ngày càng đông khách, công việc kinh doanh mua bán các loại hàng hóa khác cũng thuận buồm xuôi gó, nên chẳng bao lâu sau ông Châu Xuyên trở thành người giàu có trong vùng, mua đất mở mang điền sản cho người nghèo thuê và trở thành một điền chủ có tiếng trong vùng.

Tuy giàu có nhất vùng nhưng ông Châu Xuyên không bao giờ quên những ngày cơ cực lúc hàn vi, lúa ruộng thu mỗi năm mấy chục ngàn giạ nhưng ông không bao giờ xài hoang phí, cuộc sống rất cần kiệm.

Người ta kể rằng, ông Châu Xuyên tuy giàu nứt đố đổ vách nhưng luôn luôn mang một đôi guốc gỗ có đóng thêm miếng cao su dưới đế để…đi cho lâu mòn. Một lần, con cháu thấy ông đi hoài có một đôi guốc, bèn lấy quăng xuống sông Măng Thít.

Ông Châu Xuyên hay được liền la mắng con cháu rất nhiều rồi buộc người nào quăng đôi guốc xuống sông phải lội xuống nước vớt đem về trả lại cho ông.

 Tuy nhiên ông Châu Xuyên cũng nổi tiếng hay thương người, giúp đỡ người nghèo khó trong vùng. Người dân Cái Nhum nói, ông Châu Xuyên sống cần kiệm nhưng hay giúp đỡ mọi người nên vừa giàu vừa để lại công đức cho con cháu.

Nhưng trong đời sống tình cảm, ông Châu Xuyên lại gặp trắc trở. Mọi người kể rằng, khi đã an cư lạc nghiệp ông Châu Xuyên cưới vợ và người vợ này sinh được cho ông ba người con thì bị bạo bệnh qua đời, khiến ông hết sức buồn rầu.

Một thời gian sau ngày bà vợ lớn mất, ông Châu Xuyên đi mua bán làm ăn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) thì gặp bà Đào Thị Bòi, một phụ nữ góa chồng, có hai con nhưng rất đẹp người, đẹp nết, khiến ông Châu Xuyên xao xuyến.

Cảm thấy không thể thiếu vắng người phụ nữ hai con xứ Mỹ Tho, ông Châu Xuyên cầu hôn và được bà Bòi chấp nhận về Cái Nhum làm người nâng khăn sửa túi cho ông, nhưng với điều kiện là ông Xuyên cũng phải bảo bọc, nuôi nấng hai đứa con riêng của bà Bòi như con ruột của ông.

Ông Châu Xuyên nhận lời của bà Bòi, rước hai người con riêng của bà vợ kế về Cái Nhum, đặt tên theo thứ tự của nhà ông là Năm Thạnh và Sáu Lợi, vì trước đó đã có ba người con riêng của ông là Hai Tửng, Ba Tui, Tư Thìn.

Sau khi chung sống với nhau, ông Châu Xuyên và bà Bòi cùng thương yêu chăm sóc con riêng của nhau như con ruột của mình. Đến năm ông Châu Xuyên được 60 tuổi, bà Bòi sinh cho ông một người con chung đặt tên là Châu Sanh, chính là Công tử Lời.

Người ta kể rằng, sở dĩ ông Châu Xuyên gọi cậu Sanh bằng tên Lời là có nguyên do, căn cứ vào việc ông Xuyên hay nói với bà Bòi rằng: “Năm đứa con của tui với bà là vốn liếng, còn sinh thêm đứa này là chính là lời”.

Từ sự việc đó mà ông Châu Sanh có tên thường gọi là Bảy Lời, sau này người quanh vùng gọi chết danh là Công tử Lời.

Hào kiệt từ lúc thiếu thời

Khi sinh ra cậu Bảy Lời là con trai út trong khi anh chị đều lớn tuổi có gia đình riêng nên cậu rất được ông Châu Xuyênh và bà Bòi cưng chiều. Nhưng thừ hưởng lòng thương người của cha và mẹ nên ngay từ nhỏ cậu Bảy Lời đã tỏ rõ tính khí của một trang nam nhi hào kiệt.

Những tài liệu của gia đình ghi rằng, năm cậu Bảy Lời được 7 tuổi, một hôm cậu được người làm công cho gia đình ông Châu Xuyên dẫn qua sông Măng Thít để đi thăm một chành lúa.

Tại đây cậu Bảy Lời đã xông vào đánh nhau với một thiếu niên lớn tuổi gấp đôi và to con hơn. Khi nghe người làm công cấp báo chuyện cậu Bảy Lời đánh nhau, ông Năm Thạnh (là anh thứ năm cùng mẹ khác cha với cậu Bảy Lời) vội vàng chèo ghe qua sông xem sự thể thế nào thì thấy cậu Bảy Lời mặt mũi thâm tím vì bị đánh no đòn nhưng vẫn quyết chiến với kẻ mạnh hơn chứ không bỏ chạy, cũng không la khóc.

Ông Năm Thạnh thấy vậy liền nhào vô can ngăn và lôi cậu bảy Lời xuống ghe đưa về nhà. Về đến nhà, bà Bòi gọi cậu Bảy Lời vào hỏi chuyện đánh nhau rồi nghiêm sắc mặt nói: “Sao con lại đi đánh lộn với người ta”.

Tức thì cậu Bảy Lời trả lời mẹ: “Nó ỷ giàu ăn hiếp mấy người nhà nghèo, con không đánh nó sao được, phải đánh cho nó chừa cái tật ỷ giàu ăn hiếp người nghèo”, khiến bà Bòi chỉ còn biết khuyên cậu từ nay đừng nên đánh lộn.

Một chuyện khác: nhiều người kể rằng vào năm cậu Bảy Lời khoảng 10-11 tuổi, ngày nào cậu cũng hay la cà ngoài chợ Cái Nhum, hay ngồi ăn quà vặt.

 Nhưng mỗi lần ăn quà thì cậu Bảy Lời không bao giờ ăn một mình mà có bao nhiêu bạn bè ở chợ Cái Nhum cậu đều rủ đến ăn chung, lẽ dĩ nhiên là tiền ăn hàng do cậu bao hết.

Còn nếu cậu Bảy Lời có chuyện gì cần nhờ vả bạn bè giúp đỡ, sau khi xong việc cậu đều lấy tiền (dĩ nhiên là tiền cha mẹ cho để ăn quà bánh) trả cho bạn sòng phẳng.

Ai hỏi tại sao thì cậu Bảy Lời nói nhờ người ta việc gì thì phải trả công cho xứng đáng, hơn nữa trả tiền công để bạn bè có tiền ăn bánh, khỏi xin cha mẹ. Nhiều người còn nhớ rằng, chợ cái Nhum chỉ là một ngôi chợ làng, nên buổi chiều nhiều hàng quá bánh lâm cảnh ế ẩm.

Cậu Bảy Lời để ý biết chuyện này nên muốn giúp mấy người bán hàng ế ẩm, đồng thời cũng là mối ăn hàng quen biết. Không nói không rằng, cậu Bảy Lời đi đến từng hàng ăn lấy mỗi thứ cho vào miệng cắn một miếng rồi bỏ lại, đi về.

 Những người bạn hàng nhân cớ này đem quà bánh bán ế đến nhà “bắt đền” ông Châu Xuyên. Dĩ nhiên là ông Châu Xuyên xuất tiền đền bù thỏa đáng cho những người bán hàng, còn người làm công cho nhà ông Châu Xuyên và con cháu của họ lại có thêm quà vặt để ăn khỏi mất tiền.

 Nhưng cậu Bảy Lời nổi tiếng tinh nghịch là lần gánh hát về chợ Cái Nhum. Ở xứ quê mùa này mỗi lần có gánh hát về diễn là người lớn, con nít bu coi đen nghẹt, nhưng ngặt một nỗi, người lớn thì có tiền mua vé vào xem hát, còn tụi con nít không tiền đành chịu đứng bên ngoài mà nghe với vẻ thèm thuồng.

Nhưng nghe một hồi chịu không nổi, đám con nít bàn nhau xé màn vải che xung quanh rạp để ghé mắt vào lỗ thủng “coi cọp” cho đỡ ghiền.

Ai dè ông bầu gánh hát phát hiện đám con nít xé màn coi cọp, bèn cho người lấy điếu thuốc lá đang cháy châm vào mắt mấy đứa nhỏ khiến tụi nó suýt bị mù mắt, khóc la lùm trời.

Chuyện ông chủ gánh hát tàn ác bay đến tai cậu Bảy Lời, nên cậu Bảy quyết chí dạy cho ông chủ gánh hát một bài học nhớ đời để bỏ thói tàn ác.

Cậu Bảy Lời kêu mấy đứa nhỏ đi bắt cào cào, kiến nẻ (loại kiến đen bóng ở vùng nông thôn miền Tây có rất nhiều, mang nọc đọc, mỗi lần chích là đau điếng người) đem bỏ vào hộp lon, sau đó lấy nước cống thật hôi tối, nước tiểu quậy chung với nhau đổ vào, lấy tờ giấy mỏng đậy lại rồi chờ tới lúc tuồng hát khai diễn thì đứng bên ngoài quăng vào.

Y kế thi hành, trong lúc mấy trăm người đang say sưa xem hát, đào kép đang ca í ới thì đám con nít tung mấy lon kiến nẻ, cào cào trộn nước thối vào trong rạp khiến cả rạp hát náo loạn lên vì khán giả bị kiến cắn đau nhức, cào cào búng văng nước thúi tứ tung, đào kép chạy tránh quên cả diễn tuồng. Sau lần đó chẳng ai thèm đi xem hát nữa, gánh hát phải rời đi nơi khác.

Ngoài những trò tinh nghịch lúc tuổi thơ, cậu Bảy Lời còn nổi tiếng thương người, hay bênh vực kẻ thân cô thế yếu. Những người già ở chợ Cái Nhum còn nhớ rằng, từ nhỏ đến lớn cậu Bảy Lời nổi tiếng sẵn sàng đánh lộn để bênh người yếu thế.

Bảy Lời lúc về già
Chân dung bà Đào Thị Bòi, mẹ Công tử Lời.


Lần nọ có gánh sơn đông mãi võ về chợ Cái Nhum bày hàng biểu diễn võ thuật và bán thuốc cao đơn hoàn tán. Tiếng thanh la, não bạt, chiêng trống vang lừng một góc chợ khiến đám con nít bu tới xem đông nghẹt.

Phàm con nít có tính tò mò, hiếu kỳ, vừa xem vừa đưa tay sờ mó những đồ vật của gánh sơn đông nên bị tay chủ gánh chửi mắng nạt nộ.

Lúc đó cậu Bảy Lời tình cờ đi qua, thấy vậy nóng máu bước vào nói với tay chủ gánh sơn đông mãi võ: “Con nít có biết gì mà ông mắng tụi nó dữ vậy, nó thấy lạ thì nó sờ thử, có mất mát miếng nào của ông đâu? Mấy ông đừng ỷ thế ăn hiếp con nít”.

Chẳng dè tay chủ gánh quay qua gây sự với cậu Bảy Lời: “Cậu là ai mà xía vô chuyện làm ăn của người khác, ăn hiếp con nít thì sao, muốn phá đám hả, tao đánh cho một trận”.

Nghe tay chủ gánh sơn đông mãi võ ăn nói ngang ngược, cậu Bảy Lời chẳng nói chẳng rằng, xông vào hỗn chiến khiến cả chợ Cái Nhum xúm lại xem như xem hát bội.

Cho đến khi mọi người chạy về cấp báo chuyện cậu Bảy Lời đánh nhau cho bà Bòi biết, bà mẹ huy động gia nhân ra can thiệp thì đám đánh nhau mới giải tán.

Người ta còn kể rằng, ở chợ Cái Nhum thời đó hễ nghe có đánh nhau là bà Bòi thường sai gia nhân chạy ra xem có phải cậu Bảy Lời đánh lộn hay không để can ngăn, cứ 10 đám đanh nhau thì hết 9 đám là do cậu Bảy Lời bênh vực người cô thế đánh kẻ mạnh.

Nhiều người vẫn còn nhớ chuyện cậu Bảy Lời bày kế cho một người cháu đánh bọn chủ Tây một trận bỏ ghét cho chừa cái thói ức hiếp người khác.

Số là khi cậu Bảy Lời đã lớn, cậu có một người cháu tên Hòa là con của bà Sáu Lợi (chị cùng mẹ khác cha), Hòa tốt nghiệp Trường bá nghệ Sài Gòn với nghề gò đồng, thông thạo tiếng Pháp nên được nhận vào làm việc trong xưởng Ba Son (Sài Gòn). Hồi đó mỗi lần đi Sài Gòn chơi, cậu Bảy Lời thường gọi cháu Hòa và bạn bè ra ngoài ăn uống, cậu Bảy trả tiền.

Trong những lần ăn uống với cậu Bảy, ông Hòa thường than phiền chuyện chủ Tây hà hiếp bắt công nhân người Việt làm quần quật như trâu, vác hàng nặng oằn lưng nhưng chậm một chút là chủ lấy gậy quật túi bụi vào đầu, vào mặt, vừa đánh đập vừa chửi bới rất thô tục.

Dù chưa ai đánh đập ức hiếp ông Hòa nhưng ông rất bức xúc, uất ức nên đem chuyện này “méc” với cậu Bảy.

Nghe xong câu chuyện của người cháu, cậu Bảy Lời bày kế cho cháu tìm cách đánh lại bọn chủ Tây một trận, nếu có bị đuổi việc thì cứ chạy về Cái Nhum cậu Bảy sẽ nuôi ăn ở, cho học nghề mới.

 Nghe lời cậu Bảy Lời, ông Hòa cùng các công nhân đánh bọn chủ Tây một trận bỏ ghét rồi về Cái Nhum học nghề thợ may, sau này trở thành thợ may ba Bùm nổi tiếng nhất vùng Cái Nhum.

Những người già ở thị trấn Cái Nhum và tỉnh Vĩnh Long còn nhớ rằng, Công tử Lời tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu sang bậc nhất, sống trong nhung lụa, được cha mẹ và người thân cưng chiều, mọi người xung quanh hầu hạ, nhưng cậu Bảy Lời đối xứ với mọi người và người ăn kẻ ở trong nhà hết sức nhân ái.

Mộ ông Châu Xuyên, thân phụ Công tử Lời.
Mộ ông Châu Xuyên, thân phụ Công tử Lời.
Người ta chưa bao giờ nghe cậu Bảy Lời lớn tiếng với ai và có cách đối nhân xử thế rất đúng mực.

Nhiều bậc bô lão kể lại rằng, khi cậu Bảy Lời đã trưởng thành trong khi ông Châu Xuyên ngày càng già yếu, là con út nên  ông Xuyên thường hay sai cậu Lời thay mặt ông đi thu lúa ruộng trong nông dân, tá điền.

Nhưng mười lần như một, hễ sai cậu Bảy Lời đi thu lúa ruộng thì lần nào cậu cũng về với hai bàn tay trắng, chẳng có hạt lúa nào. Ông Xuyên hỏi, cậu Bảy Lời đáp tỉnh queo: “Năm nay thất bát, bớt lúa cho người ta nên không thu”.

Nhiều khi cậu Bảy Lời đi thu lúa ruộng suốt mấy ngày không về nhà, gia đình lo lắng cho người đi tìm thì thấy cậu ngồi bệt trên nền nhà bằng đất nện ăn bắp nấu, mắm cá sặt với tá điền.

Mỗi khi mùa màng thất bát, đích thân cậu Bảy Lời đến gặp ông Châu Xuyên và bà Bòi xin bớt lúa ruộng cho nông dân, nên tá điền ai cũng cảm mến cậu Bảy.

Người ta còn kể rằng, trong những lần đi thu lúa ruộng hoặc đi thăm ruộng, cậu Bảy Lời ăn mặc rất tươm tất. Nhưng mười lần như một, lúc về đến nhà thì trên người cậu Bảy Lời chỉ còn duy nhất chiếc quần cộc và chiếc áo ngắn tay.

 Ai hỏi, cậu Bảy Lời tỉnh bơ đáp: “tá điền nghèo quá không có quần áo để mặc nên tôi lột đồ cho họ hết rồi. Người ta không có quần áo lành lặn thì mình cho, về nhà may lại quần áo khác, có thiếu thốn gì đâu”.

 Không chỉ cho quần áo, mỗi năm khi Tết Nguyên đán cậu Bảy Lời lại đi một vòng xem gia đình tá điền nào túng thiếu thì về sai gia nhân mua một cây vải đem vô tận nhà cho họ may quần áo, cho luôn tiền mướn thợ may.

Những ghi chép của gia đình của cậu Bảy Lời còn cho thấy, mỗi khi may quần áo cho cậu Bảy thì bà Bòi mua nguyên một cây vải tốt hoặc một cây tơ tằm, may một lần 5- 6 bộ quần áo cho cậu.

Nhưng quần áo vừa may xong là cậu chất vào va-li để…đi chơi, đi mấy ngày về thì quần áo không còn bộ nào.

 Bà Bòi hỏi, cậu Bảy Lời cười, nói: “Cho bạn bè hết rồi, mai má kêu tụi nhỏ đi chợ mua vải may quần áo khác cho tôi”.

Nhưng hành động khiến nhiều người nể phục là mỗi khi nghe có tà điền bị bắt nhốt, đóng trăn vì nhà quá nghèo không có tiền đóng thuế thân, cậu Bảy Lời thường xuyên lấy tiền nhà đi đóng thuế cho tá điền hoặc sai gia nhân trong nhà đi đóng dùm.

Người ta nói cậu Bảy Lời tuy hết lòng giúp đỡ mọi người, sống trong giàu sang nhung lụa nhưng bản thân ông không bao giờ ăn xài xa hoa lãng phí, không nhận bất cứ món gì của những người nông dân nghèo khổ biếu xén và cũng không muốn phô diễn sự giàu sang của mình.

Hồi ông Châu Xuyên còn sống, cứ mỗi năm tết đến là những người tá điền mang gà vịt ra biếu, nhốt chật một khoảng sân, gia đình ăn đến hết tháng giêng vẫn không hết gà vịt.

Sau khi ông Châu Xuyên qua đời, cậu Bảy Lời tuyên bố bỏ việc biếu xén gà vịt lúc gần tết, cương quyết không nhận quà của tá điền nào nữa, khiến mọi người càng kính phục.

Sau khi ông Châu Xuyên qua đời, cậu Bảy Lời kêu bán căn nhà cũ lấy tiền mua một miếng đất trước mặt sông Măng Thít để cất một ngôi nhà một trệt một lầu.

Tuy nổi tiếng giàu sang nhưng căn nhà của cậu Bảy Lời thiết kế rất đơn giản, dù cậu Bảy dư sức cất cả một dãy phố nhà lầu như những đại điền chủ miệt Gò Công, Mỹ Tho, Bạc Liêu thời đó vẫn làm.

 Tuy nhà cửa đơn sơ nhưng trong nhà cậu Bảy Lời tất cả tủ, giường, bàn, ghế đều phải được đóng bằng gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ và điều đặc biệt là những phòng tắm trong nhà đều phải có bồn tắm như những căn nhà hiện đại hiện nay, điều mà vào thời đó chưa có đại điền chủ nào làm được.

Những bậc bô lão ở xứ Cái Nhum nói rằng, hết thảy tá điền làm ruộng thuê ở trong điền sản của ông Châu Xuyên ai cũng thương quý cậu Bảy Lời, Công tử Lời tá điền xem ông như một chỗ dựa tinh thần, một nơi có thể chia sẻ những lo toan, vất vả.

 Còn hương chức trong làng, trong huyện ai cũng nể phục Công tử Lời vì tánh tính rộng rãi phóng khoáng, có cách cư xử đúng mực, lúc thì mời uống rượu, lúc cho tiền để xây dựng tu sửa chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ trong vùng. Họ còn nể Công tử Lời trước việc gì cũng tỏ ra hết sức bình tĩnh.

Những người già ở chợ Cái Nhum kể, năm 16 tuổi cậu Bảy Lời được ông bà Châu Xuyên sắm cho chiếc xe hơi hiệu Delage với giá 5.000 đồng để đi đó đi đây cho tiện.

Một hôm câu Bảy Lời lái xe từ Cái Nhum về Vĩnh Long chơi, đến gần ngã tư Long Hồ hiện nay thì sụp ổ gà, xe lăn xuống mương.

 Trong lúc cậu Bảy Lời bỏ xe đi bộ ra ngã tư uống cà phê để kêu người kéo xe lên thì xe đò Vĩnh Long- Cái Nhum đi ngang nhìn thấy xe cậu Bảy Lời lật nằm chỏng gọng dưới mương, bèn báo tin cho gia đình cậu Bảy.

Cả nhà nghe hung tin chạy đến nơi xe lật mò tìm nhưng không thấy cậu Bảy Lời ở đâu, đang kêu khóc thảm thiết thì cậu Bảy lù lù xuất hiện, nhe răng cười hì hì như không có chuyện gì xảy ra.

Những bậc lớn tuổi ở Cái Nhum và Vĩnh Long nói, cậu Bảy Lời từ nhỏ đã bộc lộ là một con người cương trực yêu công bằng, lẽ phải, giàu lòng nhân ái, không phân biệt sang hèn.

Nhắc đến cậu Bảy Lời là người ta hay nhắc đến một con người sống hết lòng với hai chữ “bao la, đại đồng”.

Con người như cậu Bảy Lời mà không đi theo cách mạng mới là chuyện lạ! Cho nên khi cậu Bảy Lời gia nhập cách mạng và trở thành đảng viên đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1930, ông luôn nhận được sự chỡ che của những người tá điền một thời ông từng cưu mang, giúp đỡ để có được một vỏ bọc hoạt động bí mật hết sức an toàn.
 
Theo phunutoday

duchai

Cùng chuyên mục
XEM