Những bê bối chính trị tai tiếng nhất lịch sử Mỹ
09/10/2012 10:34 AM
|
Bê bối tính ái của Tổng thống Bill Clinton được cho là tai tiếng nhất lịch sử Nhà Trắng.
Bê bối tra tấn tù nhân dã man như thời trung cổ ở nhà tù Abu Ghraib hay chuyện tình của cựu Tổng thống Bill Clinton với cô thực tập sinh Nhà trắng Monica Lewinsky đều thuộc danh sách các bê bối chính trị tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
1. Bê bối tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib, Iraq
Vụ bê bối xảy ra vào năm 2004 sau khi hình ảnh một số tù nhân ở đây tra tấn dã man và tàn bạo lan truyền rộng rãi trên mạng. Các hình thức tra tấn tại nhà tù Abu Ghraib đa dạng và khủng khiếp không kém những trò tra khảo vô nhân tính thời trung cổ, chẳng hạn: tiểu tiện vào người tù nhân; nhảy lên chân các tù nhân đang bị thương, đổ axit lên người họ hoặc buộc một sợi dây thừng vào bộ phận sinh dục của họ rồi kéo lê những tù nhân này khắp phòng giam, khiến họ phải chịu đựng đau đớn với sự ô nhục cùng cực. Vụ bế bối này đã làm chấn động cả thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld đối mặt với sự phẫn nộ của dư luận, đòi ông phải từ chức.
2. Bê bối giới chức Mỹ ngầm bán vũ khí cho Iran
Vụ bê bối xảy ra vào năm 1986, khi Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan đang ở nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Thời điểm này, ông vừa tái đắc cử và trọng tâm trong nhiệm kỳ này của ông là vấn đề kiểm soát vũ khí. Đồng thời, Tổng thống cũng từng tuyên bố chắc nịch rằng, không bao giờ và không đời nào bán vũ khí cho Iran. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, những thương vụ buôn bán vũ khí bí mật giữa Mỹ và Iran lại đang diễn ra.
Trong thời gian này, do Mỹ đang duy trì lệnh cấm vận vũ khí với Iran sau cuộc chiến tranh Iran-Iraq nên theo quy định, họ không thể trực tiếp bán vũ khí cho đối thủ. Do đó, kế hoạch là, Mỹ chỉ cần bán vũ khí cho Israel, đồng minh thân cận của họ trong khu vực. Sau đó, Tel Aviv bán lại số vũ khí trên cho Tehran đồng thời chuyển lại tiền cho Chính phủ Mỹ. Khi vụ việc bị bại lộ, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Reagan buộc phải từ chức hoặc bị sa thải. Riêng cựu Tổng thống Reagan, dù không mất chức nhưng mức độ tín nhiệm của cử tri đối với ông sụt giảm nghiêm trọng.
3. Vụ bê bối tính ái của Tổng thống Bill Clinton
Đây được đánh giá là vụ bê bối tình dục tai tiếng nhất của lịch sử Nhà Trắng. Vụ việc xảy ra năm 1995, khi cô gái Monica Lewinsky, 22 tuổi được tuyển vào làm thực tập sinh trong tòa Bạch Ốc. Tổng thống Bill Clinton đã không thể cưỡng lại được vẻ quyến rũ và trẻ trung của Lewinsky. Trong khi đó, cô thực tập sinh lại ấp ủ trong lòng sự ngưỡng mộ lớn lao đối với người đàn ông đào hoa quyền lực. Do đó, cả hai nhanh chóng bị cuốn vào mối quan hệ tình ái bất chính.
Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chuyện tình giữa Tổng thống Bill Clinton và cô thực tập sinh bại lộ sau khi đoạn băng ghi âm cuộc hội thoại giữa họ bị công bố. Cho dù vụ bê bối không khiến Tổng thống Bill Clinton mất chức nhưng nó cũng khiến chính quyền của ông lao đao và trở thành vết đen trong sự nghiệp chính trị của vị Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ.
4. Vụ bê bối nghe lén của Tổng thống Nixon
Bê bối nghe lén của Tổng thống Nixon hay còn được cả thế giới biết đến dưới cái tên Watergate, làm chấn động cả thế giới và được xem là vụ tai tiếng rùm beng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ bê bối bại lộ khi 5 người đàn ông bị bắt quả tang đột nhập vào văn phòng của Uỷ ban quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) trong toà nhà Watergate bên sông Potomac.
Ngay sau đó, việc Tổng thống Nixon lén cài hệ thống nghe trộm tại đây và ghi lại được hàng loạt các cuộc trao đổi của các lãnh đạo đảng Dân chủ cũng bị phát giác. Dư luận Mỹ lập tức nổi sóng. Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Nixon buộc phải từ chức và ngay cả Tổng thống cũng không tránh khỏi kết cục thảm hại là phải từ chức, chấm dứt sự nghiệp chính trị tại đây.
Trong khi đó, hai phóng viên vô danh Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post đã trở nên nổi tiếng sau khi phanh phui vụ bê bối bằng hàng loạt bài phóng sự điều tra.
5. Vụ bê bối tình dục của Thống đốc New York, Eliot Spitzer
Năm 2008, dư luận nước Mỹ chấn động khi Thống đốc New York Eliot Spitzer, người nổi tiếng với biệt hiệu “Ngài trong sạch”, bị tố dính líu tới một đường dây gái gọi cao cấp. Vụ bê bối bị đưa ra ngoài ánh sáng khi những vụ chuyển tiền đáng ngờ của Thống đốc Eliot Spitzer được làm sáng tỏ. Các cuộc điều tra cho thấy ông này đã trả hàng nghìn USD tiền công quỹ cho một gái gọi cao cấp được gọi là Kristen, 22 tuổi cũng như đường dây gái gọi cao cấp của câu lạc bộ Hoàng đế có trụ sở ở New York. Sau vụ bê bối đáng xấu hổ này, ông Spitzer phải từ chức.
6. Chuyện tình trái khoáy của Thống đốc New Jersey, Jim McGreevey
Ông Jim McGreevey giữ chức Thống đốc New Jersey từ năm 2002 đến năm 2004. Sự nghiệp chính trị của Thống đốc McGreevey chấm dứt khi ông công bố chuyện tình với một người đàn ông Israel tên là Golan Cipel, người được ông bổ nhiệm là cố vấn an ninh bang New Jersey đồng thời thừa nhận luôn giới tính thật của mình. Theo đó, sự thật, Thống đốc McGreevey là người đồng tính. Về phần “người tình” Cipel của ông Thống đốc McGreevey. Sau khi từ chức, ông này trở về Israel và tuyên bố không hề có bất cứ quan hệ tình cảm nào với Thống đốc New Jersey mà ngược lại, ông bị McGreevey quấy rối tình dục.
7. Bê bối tàng trữ ma túy của Thị trưởng Marion Barry
Marion Barry là Thị trưởng của Washington DC. Ở nhiệm kỳ thị trưởng thứ 3, năm 1990, ông Marion Barry bị bắt giữ sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ FBI phát hiện ông này sử dụng và tàng trữ ma túy trái phép. Ông và bạn gái cũ Rasheeda Moore bị tóm bên ngoài khách sạn Vista. Hậu quả là, ông phải ngồi tù 6 tháng nhưng vẫn giữ chức trong suốt thời gian này. Năm 1991, ông Barry vào trại cải huấn.
Sau đó, năm 1994, Barry làm cả nước Mỹ chấn động khi bất chấp các bê bối đình đám, ông vẫn tái tranh cử chức thị trưởng thành phố ngay sau khi mãn hạn tù và giành chiến thắng. Đến nay, cho dù đã ở tuổi 76, ông Barry vẫn nắm giữ một chức vụ vô cùng quan trọng trong Hội đồng thành phố Washington.
8. Vụ Chappaquiddick – "sự cố cuộc đời" của Ted Kennedy
Trước khi sự cố Chappaquiddick xảy ra, sự nghiệp chính trị của Ted Kennedy, em trai út của Tổng thống John Kennedy lừng lẫy và đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, tất cả sụp đổ vào đêm 18/7/1969, khi chiếc xe hơi do Ted cầm lái, chở theo người tình của ông Mary Jo, gặp tai nạn, lao thẳng xuống sông sau khi đâm vào thành cầu Dyke. Ted Kenedy bị thương phần đầu và cổ nhưng đã kịp đạp cửa xe, vùng vẫy bơi vào bờ thoát chết còn Mary Jo không may mắn đã chết đuối.
Tuy nhiên, Ted không báo cáo sự cố với cảnh sát mà cố tình ém nhẹm vụ tai nạn trong suốt 9 giờ do lo sợ chuyện tình ái với Mary bị bại lộ, danh tiếng của ông cũng sẽ tàn tành. Tuy nhiên, “vải thưa khó che nổi mắt thánh”, Ted cuối cùng vẫn phải nhận án tù treo hai tháng cho vụ tai nạn gây chết người của ông. Sự cố Chappaquiddick gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Ted và có thể đây là một trong những lý do quan trọng giải thích cho việc ông không ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 1972 và 1976.
9. Vụ bê bối dầu lửa Teapot Dome
Vụ bê bối xảy ra khi Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall trong chính quyền Tổng thống Warren G. Harding, Tổng thống thứ 29 của Mỹ, thu xếp cho một số công ty dầu mỏ thuê lại các mỏ dự trữ dầu với giá cực thấp và không cần phải qua khâu đấu thầu cạnh tranh.
Các cuộc điều tra sau đó kết luận, ông Fall đã nhận hối lộ hơn 400.000 USD và Tổng thống Warren G. Harding có liên quan đến vụ việc này. Fall sau đó bị kết án tù một năm và bị phạt 100.000 USD còn Tổng thống Harding thì bị chỉ trích vì quản lý nội các thiếu hiệu quả. Vào thời điểm vụ bê bối này xảy ra, nó được đánh giá là vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Theo Phương Đăng
Zing/Infonet