Người thầy 28 lần gặp Canon để trở thành vệ tinh trong chuỗi cung ứng

20/11/2014 10:12 AM |

“Là giảng viên kinh tế lại mở doanh nghiệp, tôi có được cả nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế để chia sẻ với các học viên của mình”, PGS. TS Tạ Lợi - Trưởng Bộ môn Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tâm sự.

Vấn đề doanh nghiệp Việt không sản xuất nổi ốc vít, cục sạc cho Samsung đã làm nóng dư luận trong thời gian qua. Đối với chủ đề này, chúng tôi đã có cơ hội trao đổi với PGS.TS Tạ Lợi câu chuyện của một doanh nghiệp Việt qua 28 lần đợi để lọt vào “mắt xanh” của tập đoàn Canon (Nhật Bản). Doanh nghiệp thầy Lợi tham gia là Công ty Teeing Việt Nam và Công ty Kỹ thuật 3Q. Hai công ty này đã hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất hạt màu vào năm 2003.

Sau 3 năm ròng rã với 28 lần Canon đến kiểm tra từng hạng mục, phương pháp quản trị, phỏng vấn lãnh đạo, công nhân..., đến năm 2006, đơn vị này mới chính thức lọt vào chuỗi cung ứng của tập đoàn Nhật Bản này.

- Trong suốt 3 năm với 28 lần kiểm tra như vậy, Canon đã kiểm tra và yêu cầu những gì, thưa thầy?

28 lần đó, Canon đến nhà máy kiểm tra từng hạng mục một - những hạng mục mà các nhà máy sản xuất và công ty của Việt Nam nếu muốn tham gia đều phải chú trọng.

Vấn đề thứ nhất là phải chú trọng đến phương pháp quản trị sản xuất. Những phương pháp quản trị tiên tiến như 6 sigma, phương pháp quản lý lý thuyết cưỡng bức, quản lý chất lượng đồng bộ, Canon yêu cầu phương pháp quản lý 5S, 7S, thậm chí yêu cầu về sản xuất tinh gọn (Lean Production)... phải được minh chứng cho người đặt đơn hàng. Lúc đó, người đại diện của các tập đoàn đa quốc gia, ở đây là Canon, mới tin tưởng và quan tâm đến đơn đặt hàng

Trong 28 lần đó, các nhà đặt hàng của Canon thậm chí hỏi đi hỏi lại một vấn đề để trả lời xem có sự khác biệt hay không. Nếu thông tin có mâu thuẫn thì họ cũng không đặt nhiều niềm tin vào các đơn vị như vậy.

Vấn đề thứ hai là phải chú trọng đến người công nhân, điều kiện làm việc, vệ sinh và các chế độ để đảm bảo 1 sản phẩm được sản xuất ra từ tâm huyết của chính những người công nhân đó. Tư tưởng, quyết tâm của người lãnh đạo phải truyền được cho người công nhân.

Các tập đoàn đa quốc gia thậm chí còn phỏng vấn trực tiếp cả người công nhân tham gia vào quá trình làm ra sản phẩm đó. Nếu người công nhân không thực sự tâm huyết và đặt niềm tin mình sẽ làm ra sản phẩm chất lượng cao, đó cũng là một cản trở đối với việc doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

- Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường gặp khó khăn về vốn. Theo thầy, doanh nghiệp nên xử lý vấn đề này thế nào?

Trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, tôi chỉ xin đưa ra một vài phương pháp để các nhà quản trị Việt Nam hoạch định vốn của mình.

Thứ nhất, nên tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giàu có hơn chúng ta. Nhưng thực chất, họ sử dụng phương thức chuyển vốn quốc tế từ vùng lãi suất thấp sang lãi suất cao. Giả định một doanh nghiệp ở Mỹ nếu phải vay kinh doanh họ sẽ chịu lãi suất 3%, còn ở Việt Nam, một doanh nghiệp bình thường, nếu chỉ loay hoay với nguồn vốn nội địa thì sẽ chịu lãi suất từ 10-12%/năm.

Nếu trong cùng ngành nghề, đương nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh nổi, đấy là lực cản rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tiếp cận với dòng vốn quốc tế để tạo ra sự cạnh tranh trong cuộc đua trở thành vệ tinh của các tập đoàn.

Cách thứ hai - cách này các doanh nghiệp nước ngoài làm khá bài bản - là huy động vốn từ các cổ đông. Tuy nhiên, khi sử dụng vốn cổ đông phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản: Một là tính minh bạch khi sử dụng đồng vốn để đạt được niềm tin từ cổ đông. Hai là đảm bảo có hiệu quả, cổ tức trả ra phải cao hơn lãi suất ngân hàng và cao hơn các kênh đầu tư khác thì nhà sản xuất và doanh nghiệp mới có thể huy động nguồn vốn từ cổ đông.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đều yếu cả 2 yếu tố này.

- Như thầy nói ở trên, các tập đoàn đa quốc gia khi kiểm tra doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng còn phỏng vấn trực tiếp cả người công nhân tham gia vào quá trình làm ra sản phẩm. Điều này thực sự khó khăn với doanh nghiệp Việt...

Đó không phải khó khăn. Thực chất lực lượng lao động trong các nhà máy hiện nay được chuyển đổi từ người nông dân. Họ còn thiếu một vài phong cách về sản xuất công nghiệp và văn hóa ứng xử trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, thiếu tinh thần làm việc vì đóng góp cống hiến cho ra những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn nhất định mang đẳng cấp của sản phẩm toàn cầu. Đấy là rào cản lớn mà nhiều doanh nghiệp nếu biết chú trọng phải dành quỹ để đào tạo cho nguồn nhân sự của chính doanh nghiệp mình.

Trong khi doanh nghiệp Việt Nam coi lao động phổ thông không qua đào tạo như một nguồn lợi lao động giá rẻ, làm cho giá thành rẻ để cạnh tranh với đối thủ, thì Nhật Bản ngược lại, họ không bao giờ sử dụng lao động chưa qua đào tạo. Nếu sử dụng lao động chưa qua đào tạo, năng suất lao động của người lao động đó rất thấp.

Từ triết lý đó, người Nhật luôn chú trọng việc đào tạo nhân sự, đặc biệt những lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm mang chuẩn mực quốc tế.

- Vấn đề lao động luôn là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp của thầy, khó khăn này được xử lý thế nào?

Tại doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra linh phụ kiện, các sản phẩm cho Canon, lao động trước hết phải được đào tạo, đào tạo lại, được giáo dục về những triết lý phương thức sản xuất trước, rồi họ sẽ đến đào tạo về tay nghề, kèm theo yêu cầu về kỷ luật và những yêu cầu về chế độ thưởng phạt nghiêm minh.

Đồng thời, phải có sàng lọc và đánh giá để cho người lao động làm quen dần với tác phong công nghiệp và ý thức không chỉ đi làm để nhận lương mà đi làm là để tạo ra những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của người đặt hàng, cũng như tạo ra những sản phẩm mang tầm cỡ đẳng cấp quốc tế.

- Trước khi Canon “để mắt” tới doanh nghiệp và đến 28 lần để kiểm tra, làm thế nào doanh nghiệp thu hút được Canon?

Bản thân Canon cũng như các tập đoàn hàng năm có 2 lần rà soát doanh nghiệp vệ tinh và mở đợt tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách rút gọn làm vệ tinh cho Canon. Một quy trình để Canon muốn đưa các bạn vào làm doanh nghiệp vệ tinh thường phải được lập kế hoạch trước đó 1 năm. Những đoàn Canon sang không chỉ là những người đang công tác tại Việt Nam, thậm chí có những đoàn kỹ thuật được cử ra từ trụ sở chính tại Nhật Bản, Singapore.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, cũng phải lên các kế hoạch cụ thể trước đó hàng năm.

Doanh nghiệp của thầy cung cấp bao nhiêu loại linh kiện cho Canon? Ngoài Canon, đơn vị còn cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp nước ngoài nào khác không?

Hiện chúng tôi phần lớn cung cấp một số hạt nhựa màu cho sản phẩm máy in, máy chụp hình.

Ngoài Canon, chúng tôi cũng có các đơn hàng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp dựa vào kết quả Canon đánh giá cũng tìm đến. Khi bạn lọt vào chuỗi và được làm vệ tinh của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tin tưởng và đặt hàng các bạn. Có thể đơn hàng đó không lớn, không dài hạn, nhưng đó là minh chứng cho việc chất lượng sản phẩm của các bạn đạt tiêu chuẩn quốc tế nhất định.

Xin chân thành cảm ơn thầy! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc thầy luôn mạnh khỏe và thành công.

>> Những bài học đầu tư từ "thầy giáo" Keynes

Thanh Thủy (ghi)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM