Người mang đến cho bạn sản phẩm "Made in China" không phải là dân Trung Quốc
Đằng sau những món đồ gắn mác “made in China” gây tranh cãi, đặc biệt là các thiết bị công nghệ, luôn hiện hữu bóng dáng một người đàn ông Ireland thầm lặng.
Liam Casey – doanh nhân 49 tuổi người Ireland – sở hữu cho riêng mình tới 3 chiếc điện thoại đổ chuông liên tục, mỗi chiếc cài đặt một múi giờ khác nhau lần lượt ở Thâm Quyến, San Francisco và Cork (Ireland). Liam phân trần: “Mọi người sẽ thường xuyên thấy tôi trên máy bay hơn bất kỳ nơi nào khác”.
Ông hiện là CEO của PCH International, công ty chuyên cung cấp giải pháp sản xuất công nghệ có trụ sở tại California, Mỹ. Mặc dù không được công chúng biết tới nhiều nhưng ông lại là gương mặt được nhiều người trong giới công nghệ kiêng nể. Đừng lấy làm lạ bởi rất có thể, chính bạn cũng đang sử dụng ít nhất là 1 trong hàng ngàn sản phẩm của người đàn ông này, như iPhone của Apple chẳng hạn.
Trong gần 2 thập kỷ, Casey đã xây dựng nên mạng lưới 100 xưởng sản xuất uy tín ngay trong lòng Thâm Quyến, nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Ở trung tâm sản xuất của thế giới này, 10 triệu sản phẩm điện tử và phần cứng công nghệ được sản xuất mỗi ngày, đem lại tổng giá trị hàng hóa vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Trong vòng 5 năm qua, PCH đã tăng trưởng ngoạn mục gấp 6 lần và thu về khoản lợi nhuận đạt kỷ lục 1,1 tỷ USD vào năm ngoái.
Sinh ra và lớn lên trong một trang trại nhỏ ở quận Cork, Ireland, Casey đã có tới 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành bán lẻ… thời trang. Tưởng như không có sự liên quan nào, tuy nhiên đây chính là bước đệm đưa Casey đến với lĩnh vực công nghệ. Trong khoảng thời gian công tác tại California, ông nhận thấy tất cả các linh kiện điện tử phần cứng máy tính tại Mỹ đều có nguồn gốc từ châu Á. Chính phát hiện này giúp ông nảy ra ý định kinh doanh mới vô cùng táo bạo.
Gác lại tất cả công việc còn dang dở, ông chuyển tới sống tại Đài Loan và sau đó là Thâm Quyến, Trung Quốc nhằm xác định bằng được điều bản thân đang tìm kiếm. Ông chia sẻ: “Lúc đó là năm 1996, nếu tìm được nhà máy đó, nhất định bạn sẽ làm nên chuyện. Nhưng vấn đề là chưa ai tìm được cả, và tôi lúc đó vẫn chưa có gì trong tay”.
Hiện tại, công ty của ông đang cung cấp việc làm cho 30.000 nhân lực Trung Quốc – trong đó có 5.000 nhân công ở Thâm Quyến – để sản xuất những sản phẩm điện tử gia dụng, y tế, viễn thông và công nghệ cho nhiều gã khổng lồ như Apple, Beats by Dre, Nook, Xiaomi và FoxConn. Nếu “hoa mắt” trước mạng lưới sản xuất dày đặc của Trung Quốc, công ty PCH của Liam Casey luôn là sự lựa chọn đáng tin cậy nhất dành cho cho các công ty hay startup công nghệ trên thế giới muốn tận dụng thị trường lao động giá rẻ đông đảo này.
Vậy đâu là chiến lược thâu tóm thị trường của Liam Casey? Thay vì chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản xuất và vận chuyển, công ty của ông cung cấp một gói giải pháp toàn diện. PCH International đảm nhận từ A-Z mọi khâu dịch vụ cho các sản phẩm phần cứng do công ty sản xuất, từ thiết kế cho tới sản xuất, đóng gói, hoàn thiện và phân phối sản phẩm ra thị trường. Casey tự hào: “Tại Trung Quốc, chúng tôi có tới 200 kỹ sư chỉ có nhiệm vụ thiết kế sản phẩm. Đến giờ ở đây vẫn chưa có ai làm được như vậy”.
Cho đến bây giờ, Liam Casey vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên khi kiếm được hàng tỷ đô ở Trung Quốc trong khi chưa từng có kinh nghiệm làm việc tại đây trước đó, chưa từng sở hữu một căn nhà cho riêng mình và cũng chẳng hề biết một từ tiếng Trung nào. Thế nhưng, ông vẫn làm nên chuyện khi mang về bản hợp đồng với công ty giá trị nhất hành tinh Apple vào năm 1999: “Dù chả biết một chữ tiếng Trung nào nhưng với một cái đầu cởi mở, tôi đã tiếp cận Trung Quốc một cách rất tự nhiên mà không hề sợ hãi”.
Đặc biệt, chính nhược điểm về ngôn ngữ của ông về sau đã trở thành một ưu điểm đắt giá. Tại các nhà máy có quy mô quốc tế tại Trung Quốc, luôn có một người quản lý cấp cao nói tiếng Anh. Chính vì thế, Casey dễ dàng gây ấn tượng và chứng tỏ bản thân nhằm thuyết phục cấp trên. Chính điều này đã giúp ông nhanh chóng bỏ qua giai đoạn quản lý trung gian và tiến tới vị trí giám đốc điều hành. Từ kinh nghiệm này, ông đúc kết: “Ở đây, bạn phải học cách cảm thấy thoải mái với những điều không thoải mái”.
Với PCH, khoảng cách địa lý chưa bao giờ thành vấn đề. Hầu hết các khách hàng lớn của công ty đều là những tập đoàn phương Tây có mạng lưới khách hàng rộng khắp thế giới. Lúc này, thời gian chính là chìa khóa thành công: Mạng lưới xưởng sản xuất và cơ sở đóng gói sản phẩm luôn nằm cách nhau không quá 3 giờ di chuyển, nhằm đảm bảo quá trình hoàn thiện sản phẩm luôn được thông suốt và không bị gián đoạn.
Thách thức lớn nhất giờ chỉ còn nằm ở khâu phân phối. PCH tự đề ra chỉ tiêu: Ngay sau khi đóng hộp hoàn thiện, các sản phẩm công nghệ phải nhanh chóng về tay ít nhất 90% người dùng trong vòng 3 ngày lên kệ. Bởi chỉ cần một sai lệch giờ giấc tưởng như không đáng kể, hàng triệu đô – thậm chí là hàng tỷ đô lợi nhuận – rất có thể sẽ ngay lập tức “bay hơi” khỏi hợp đồng đã ký với các khách hàng lớn.
Chính chiến lược “thần tốc” này đã giúp PCH trụ vững ngay cả khi không bước chân vào thị trường chứng khoán. Khi được hỏi lý do tại sao PCH không hề có kho chứa hàng, Casey hóm hỉnh: “Một khi đã có khả năng chuyển hàng lên vũ trụ trong vòng 6 tiếng, bạn sẽ chẳng bao giờ cần chỗ chứa hàng tồn kho”.
Dường như Casey đã học tập khả năng này từ các đại gia smartphone Trung Quốc Xiaomi, OnePlus hay hãng sản xuất máy bay drone DJI. Casey chia sẻ: "Khi ra mắt FirePhone vào năm ngoái, Amazon đã quá tự tin và mạo hiểm khi đồng loạt chất đầy toàn bộ 55 kho trữ hàng bằng sản phẩm mới.
Điều này thật điên rồ bởi trong suốt 2 tuần sau đó, họ thậm chí còn chẳng bán được chiếc máy nào. Rốt cục, Amazon buộc phải bán tống bán tháo hàng triệu chiếc smartphone và coi như đã ném gần 400 triệu USD qua cửa sổ. Xiaomi lại hoàn toàn khác khi quảng bá sản phẩm rầm rộ trên website và bắt đầu nhận đặt hàng trực tuyến. Khi đã có đủ số lượng cần thiết, họ mới bắt đầu đưa vào sản xuất và chuyển tới các khách hàng đã thanh toán trước đó. Nhờ vậy, họ chẳng bao giờ có hàng tồn kho”.
Hiện tại, công ty PCH của Casey vẫn không ngừng ghi điểm về tốc độ sản xuất và vận chuyển hàng hóa trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, Casey lại đang có một tham vọng lớn hơn nữa khi muốn hỗ trợ các doanh nhân phần cứng máy tính sáng tạo sản phẩm riêng của chính mình. Theo đó, PCH sẽ đóng vai trò hỗ trợ tài chính, sản xuất, tiếp thị và bán các sản phẩm đó. Chưa hết, PCH còn nuôi hoài bão trở thành một “Netflix trong lĩnh vực phần cứng máy tính, tạo ra những sản phẩm độc quyền chưa từng xuất hiện trên Amazon hay bất kỳ nơi nào khác”.
Liệu ông từng nghĩ đến việc đưa quy mô sản xuất ra ngoài phạm vi Trung Quốc? “Câu trả lời là không bao giờ”, Casey nói. “Tôi không tới đây để đào vàng. Tôi tới đây từ trước khi tầm ảnh hưởng Trung Quốc chạm đến toàn thế giới”. Hơn nữa, theo ông, Trung Quốc vốn là thị trường lao động có tay nghề cao trong hàng chục năm, và đương nhiên chẳng ai dại dột bỏ phí tài nguyên quý giá đó.
Vậy lộ trình phát triển của PCH trong 20 năm nữa có gì đặc biệt? Casey cho biết, “Chỉ trong 5 năm nữa thôi, quá trình sản xuất sẽ đảo ngược hoàn toàn. Thay vì liên tục đón bắt những xu hướng phát triển mới, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm do đã có ý thức tốt hơn về môi trường. Họ muốn dùng những sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường, từ khâu lên ý tưởng, sản xuất cho tới đóng gói và vận chuyển”.
Theo đó, PCH sẽ tạo điều kiện cho khách hàng nắm được mọi thông tin về nguồn gốc sản phẩm với những tấm ảnh của đội ngũ sản xuất, hệ thống dây chuyền, phương thức vận chuyển và quãng đường sản phẩm đó phải trải qua để đến tay người tiêu dùng. Casey khẳng định, trong vòng 5 năm nữa, viễn cảnh hàng hóa chất đống trong kho hàng tuần trời đợi được bán sẽ không còn tồn tại.