Người lớn cũng phải “ngượng” vì 3 doanh nhân tuổi teen tài giỏi

13/08/2012 15:38 PM |

18 tuổi, bạn làm gì ngoài việc chơi game? Câu chuyện về 3 doanh nhân tuổi teen dưới đây có thể khiến người lớn ngạc nhiên vì những điều họ làm được.

Tuần qua, tổ chức “Mạng Đào tạo Doanh nhân” (NFTE) đã vinh danh 33 doanh nhân thiếu niên xuất sắc trong đêm trao giải “Dám Ước mơ” (Dare to Dream) được tổ chức tại New York.

Các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Colombia, Trung Quốc, Đức, Mỹ ăn mặc trang trọng cùng lên nhận giải thưởng và chia sẻ câu chuyện về sự nghiệp kinh doanh của mình với bạn bè. Đó là những doanh nhân tiêu biểu được tổ chức phi lợi nhuận NFTE- mạng đào tạo cho học viên thu nhập thấp các kỹ năng để trở thành những doanh nhân lựa chọn trên phạm vi 50 quốc gia.

Trước lúc diễn ra lễ trao giải, các bạn trẻ dựng những gian hàng nhỏ và thể hiện hình thức kinh doanh của mình. Một đội ngũ gồm gần 200 giáo viên và trợ lý chương trình tới thăm lần lượt từng gian hàng, trò chuyện với các doanh nhân teen và lắng nghe những câu chuyện hay chứng kiến cách kinh doanh rất thuyết phục của các bạn. Dưới đây là 3 cái tên đã khiến đoàn giám khảo hoàn toàn ngả mũ.

1. Aden Shank- tác giả của sản phẩm “máy phóng quà tặng”

Câu chuyện khởi nghiệp của Aden Shank lấy nguồn cảm hứng từ những buổi hội thao tại trường trung học Dallas.

Shank hài hước kể: “Chúng em đứng trong phòng tập thể dục và thành viên của đội cổ động tung quà vào đám đông chúng em. Nhưng em ở tận hàng thứ 5 nên chẳng bao giờ nhận được gì bởi các bạn trong đội cổ động thiếu những “tay ném cừ”. Do đó em quyết định làm gì đó để khắc phục vấn đề này”.

Sản phẩm của Shank được gọi là “Máy phóng quà tặng”: Một loại nỏ giúp các bạn trong đội cổ vũ lắp các ống kẹo hay quà tặng và phóng đến tay những bạn ngồi xa. Cậu bé bán chiếc nỏ đặc biệt với giá 99 đôla và khiến mọi người liên tưởng tới những khẩu sung thần công truyền thống. Sản phẩm dự thi của cậu bé với mục đích duy nhất là “bắn” giải thưởng và quà tặng tới đám đông ở xa trong các sự kiện thể thao chuyên nghiệp.

Để làm ra sản phẩm này, Shank tận dụng các nguyên vật liệu được bán gần nơi cậu ở. Chiếc nỏ được làm từ ống nhựa PVC và một chất liệu đàn hổi được sử dụng trong các thiết bị y tế. Shank tự tay mình cắt ống nhựa dưới sự trợ giúp của mẹ- một nhà thiết kế đồ họa. Lớp học NFTE đã giúp cậu bé hình thành kế hoạch kinh doanh với sản phẩm trên.

Cậu bé mắc hội chứng khó đọc và rối loạn thính giác chia sẻ: “Em đã bán được 10 chiếc tại trường Dallas và trường Houston. Mỗi chiếc em thu được 60 đôla tiền lãi- một khoản lời hậu hĩnh với em. Và em muốn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh”.

2. Andres Cardona- người sáng lập ra “lớp bóng rổ Nam Miami”

Từ năm 14 tuổi Andres Cardona rất yêu thích bóng rổ nên đã quyết định mở một lớp bóng rổ cho cộng đồng Nam Miami-Florida của mình.

Hiện nay Cardona đã 18 tuổi. Cậu chia sẻ rằng: “Em muốn giúp những đứa trẻ đã từng trải qua chấn thương trong cuộc đời có một lối thoát cho những vấn đề của mình”. Tại lễ trao giải, cậu bé đã đứng trên sân khấu phát biểu và nhận được sự tán dương lớn từ khan giả. Chương trình dạy các kỹ năng bóng rổ cũng như thể dục thể chất của cậu bắt đầu với 12 học viên, miễn phí cho các học viên từ 8 đến 18 tuổi. Hiện lớp có 65 bạn nhỏ tại địa phương theo học.

Cardona nói rằng: “Em không thu tiền của lũ trẻ, em muốn chúng được học miễn phí. Nhưng thay vào đó chúng em tổ chức các cuộc thi đấu để có thêm lợi nhuận. Một trong các đối thủ đã đến gặp em và muốn mua lại đội, nhưng em không muốn bán cũng như từ bỏ lớp”.

Khi mẹ mất việc, Cardona quyết định tham gia lớp NFTE với mục đích hỗ trợ vấn đề tài chính cho gia đình. Giờ cậu bé đã đang là sinh viên năm nhất của Đại học Quốc tế Florida hệ bằng kép tài chính và marketing.

3. Charizza Harris- nhà sáng lập của tổ chức “Two Face Drama”(Kịch Hai Mặt)

Lớn lên tại Lower Hutt- New Zealand, Charlizza Harris tham gia một chương trình ca kịch địa phương. Cô bé 18 tuổi nói: “Chương trình này đã giúp em bước ra khỏi cái vỏ ốc của chính mình”. Khi theo khóa học NFTE, cô bé đã hình thành ý tưởng về “Two Face Drama”- một tổ chức phi lợi nhuận chuyên biểu diễn và mở các hội thảo nghệ thuật cho những bạn trẻ khó khăn.

Harris cho biết: “Em làm việc cùng 5 tình nguyện viên, chúng em viết kịch bản và đạo diễn các vở kịch hay phim ngắn. Đề tài của chúng em tập trung vào vấn nạn bạo lực, những vấn đề khó gỡ mà giơ trẻ phải đối mặt hàng ngày”.

Mỗi khi kết thúc hội thảo, Harris bán đĩa ghi hình của chương trình. Hiện nay cô bé đan làm việc với 30 bạn nhỏ từ 8 ngôi trường trong khu vực. Harris tiết lộ thêm rằng: “Học xong cấp 3, em thực sự muốn theo đuổi công việc này toàn thời gian”.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM