Mua thấp bán cao: Triết lý đầu tư kinh điển của John Templeton
“Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn đúng nghĩa, thì bạn sẽ xem thị trường đầu cơ giá hạ là một cơ hội để kiếm tiền.”
Nội dung nổi bật:
- John Templeton được biết đến với biệt danh là người chuyên săn lùng hàng hạ giá toàn cầu.
- Qũy đầu tư do ông điều hành có tên là Qũy Phát triển Templeton. Templeton đạt mức lãi kép hàng năm là 15,5%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones (chỉ số trung bình của 30 công ty công nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ) chỉ là 5,8%.
- Phương pháp đầu tư của John Templeton là mua đa dạng hóa các cổ phiếu chất lượng giá hời từ thị trường giá xuống.
John Templeton được biết đến với biệt danh là người chuyên săn lùng hàng hạ giá toàn cầu. Ông không bao giờ giới hạn quy mô tìm kiếm những cổ phiếu ở thị trường giá xuống. Quan điểm của Templeton là các thị trường đầu tư chứng khoán trên thế giới thường có mối liên hệ nhất định với nhau. Vì thế, khi có thị trường giá xuống xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Templeton sẽ xem xét và cố gắng kiếm tiền từ nó.
Thế giới biết đến Templeton qua việc ông đầu tư vào cổ phiếu nước Nhật vào năm 1960. Lúc đó, Nhật Bản được cả thế giới biết đến như điểm quy tụ của các loại hàng hóa thứ phẩm rẻ tiền. Thế nhưng, cổ phiếu Nhật Bản thậm chí còn rẻ hơn.
Những công ty lớn đang được giao dịch trên thị trường chỉ bán với mức cao gấp 3 lần lợi nhuận thu được. Ông liền lùng sục thị trường Nhật Bản để tìm những công ty có chất lượng với mức giá hời.
Những cổ phiếu ông đã mua cho Qũy phát triển Templeton của mình bao gồm Hitachi, Nissan, Matsushita và Sumitomo. Ngày nay, đây là những cái tên quen thuộc với cả thế giới, nhưng hồi đó hầu như ít người bên ngoài nước Nhật biết đến. Templeton rút khỏi thị trường Nhật Bản ở mức lãi gấp 30 lần so giá mua ban đầu.
Quy tắc của ông là sẽ bán một cổ phiếu khi tìm thấy một món hời mới để mua. Ví dụ, vào năm 1979 giá cổ phiếu Nissan tăng cao và được bán với mức P/E tới 15 lần. Trong khi cổ phiếu ở thị trường Mỹ là Ford chỉ ở mức P/E bằng 3. Khi đó, theo Templeton thì mua cổ phiếu của Ford sẽ lời hơn.
Trong vòng 20 năm, quỹ đầu tư Phát triển Templeton luôn là một trong năm tổ chức thành công nhất ở các thị trường giảm giá, với mức lãi kép hàng năm là 15,5%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones (chỉ số trung bình của 30 công ty công nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ) chỉ tăng 5,8%.
Cũng giống Warren Buffett, Templeton khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Để có tiền đi học, ông phải vừa học vừa đi làm thêm. Nhờ vậy, mà ông biết trân trọng đồng tiền mình kiếm được. Hoàn cảnh buộc ông phải chi tiêu tiết kiệm. Vì thế, ông luôn kiếm những món đồ rẻ, từ thực phẩm, quần áo cho đến nơi ăn chốn ở.
Và thói quen đó đã theo ông suốt sự nghiệp đầu tư. Chính nền tảng tiết kiệm đã giúp Templeton nắm bắt ngay phương pháp đầu tư giá trị của Benjamin Graham (cũng là thầy của Warren Buffett).
Vào năm 1930, Templeton đã tham dự một khóa học phân tích chứng khoán do Benjamin Graham hướng dẫn. Và tại đây, ông bắt đầu phát triển phương pháp đầu tư một cách độc lập dựa trên hệ thống cơ bản của Graham.
Học theo phương pháp của Benjamin Graham thì bạn sẽ không bao giờ trả giá quá cao cho cổ phần của một doanh nghiệp. Trước tiên bạn phải định lượng giá trị thực của một doanh nghiệp. Sau đó, bạn sẽ cố gắng mua rẻ đến nổi bán với giá vừa cũng thu được lợi nhuận. Và đó cũng là triết lý đầu tư của John Templeton.
Do không phải lúc nào thị trường trong nước cũng rót những cổ phiếu giá hời cho nên Templeton còn quăng lưới ra xa và rộng hơn Graham hay Buffett. Ông tìm kiếm khắp thế giới để mua cổ phiếu của những công ty đang giao dịch với giá bằng một nửa giá trị thực. Templeton sẽ chỉ đầu tư khi ông có được xác suất thành công cao. Mà thời điểm có xác suất thắng cao nhất chính là lúc thị trường giá hạ.
Có thể một số cổ phiếu sẽ khiến Templeton mất tiền, nhưng ông sẽ được đền bù nhiều hơn từ những cổ phiếu tăng giá. Điều này chỉ đến khi đa dạng hóa danh mục đầu tư.
>> Tính 'kiên nhẫn' trong phương pháp đầu tư của Warren Buffett
Đinh Lộc