'Mặt trận' Liên Việt

13/05/2014 21:00 PM |

Theo ông Minh, một lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không kém nếu xét về dài hạn cho Him Lam, đó là xuất khẩu lao động.

Phần 1: 'Cứ điểm' Him Lam

"Mặt trận” Liên Việt

Đi lên từ bất động sản, nhưng tham vọng của Him Lam không dừng lại ở lĩnh vực này. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008. Hiện ông Minh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này.

Thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỉ đồng, đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỉ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Cuộc sáp nhập này cũng được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan của Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng - bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gầy dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm.

Sau hơn 5 năm hoạt động và sau 2 năm sáp nhập, tính đến hết năm 2013, vốn điều lệ của LienVietPostBank là 6.460 tỉ đồng, thuộc tốp ngân hàng tầm trung với tổng tài sản gần 80.000 tỉ đồng.

Năm 2013, huy động vốn tăng 34%, tín dụng tăng 22,97%, ROE đạt 7,72% so với bình quân nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 3,6%.

Mặc dù theo một Phó Tổng Giám đốc dưới quyền, ông Minh là người “không thích chơi với các tổ chức nước ngoài” nhưng cuối năm ngoái ông đã quyết định mời Tập đoàn Bưu chính Pháp (La Poste Group) vào tư vấn để phát triển mô hình “ngân hàng - bưu điện” cho LienVietPostBank.

“Riêng trong 5 năm có sự tham gia của La Poste Group, LienVietPostBank sẽ mở thêm tối thiểu 3.000 - 5.000 điểm giao dịch và phát triển các sản phẩm trên hệ thống này”, ông Minh phát biểu hôm ký kết với La Poste Group.

Theo ông Jean-Paul Forceville, Tổng vụ Đối ngoại của La Poste Group, mô hình ngân hàng - bưu điện tuy mới ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và là con đường mà tất cả quốc gia đều sẽ đi theo, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Mô hình này tập trung vào hoạt động ngân hàng bán lẻ để tiếp cận đại bộ phận dân chúng, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Cũng giống như Việt Nam, mô hình bưu điện trên thế giới thường có 3 lĩnh vực hoạt động: bưu chính, chuyển phát và tài chính. Tuy nhiên, trong khi 2 hoạt động đầu tiên đang ngày càng giảm sút thì nhu cầu hoạt động tài chính ngày càng tăng”, ông Forceville nói.

Chỉ 1 năm sau khi thành lập LienVietBank, năm 2009, ông Dương Công Minh tiếp tục cho ra đời Công ty Liên Việt Holdings. Liên Việt Holdings có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, do chính do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

“Thông qua hoạt động đầu tư vốn vào các công ty trong cùng hệ thống Him Lam - Liên Việt, Liên Việt Holdings đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các công ty trong tập đoàn có chung lợi ích kinh tế, đồng thời có điều kiện để tích tụ vốn, tối đa hóa lợi nhuận và phân tán rủi ro.

Các đơn vị thành viên và liên kết của Liên Việt Holdings đóng góp những giá trị gia tăng hữu ích cho phát triển của Liên Việt Holdings trong lĩnh vực đầu tư”, Liên Việt Holdings nói về chiến lược của mình trên website.

Holdings là mô hình thích hợp cho các ông chủ có định hướng kinh doanh đa ngành. Các holdings không trực tiếp sản xuất kinh doanh mà hoạt động theo hình thức huy động vốn rồi giải ngân, hỗ trợ chiến lược và nhân sự cho công ty con.

Không chỉ có Liên Việt, mô hình holdings đang trở thành xu hướng ở các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như Masan Group, Sovico Holdings, PVI Holdings, Eurowindow Holdings...

Hiện tại, Liên Việt Holdings tham gia đầu tư trực tiếp vào nhiều lĩnh vực tài chính, bất động sản, khoáng sản, xây dựng hạ tầng đê đập, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, công nghiệp… Theo thông tin công bố đến nhà đầu tư, chỉ chưa đầy sau hơn 1 năm thành lập (tính đến hết tháng 5.2010), Liên Việt Holding đã huy động được hơn 1,2 tỉ USD.

Ngoài bất động sản và tài chính, một lĩnh vực kinh doanh khác dù chưa đem lại lợi nhuận lớn cho Him Lam nhưng theo ông Minh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không kém nếu xét về dài hạn, đó là xuất khẩu lao động.

Ông Minh cho rằng Việt Nam có 2 nguồn tài nguyên lớn là đất đai và con người. “Đất đai thì Him Lam có công ty bất động sản rồi, con người thì hiện nay lao động trẻ của Việt Nam còn rất lớn. Và trong 10 - 15 năm nữa, lao động Việt Nam sẽ xuất khẩu đến hầu hết các nước. Tỉ lệ lợi nhuận lĩnh vực này không hề thấp. Và chúng tôi tạo việc làm cho rất nhiều lao động”, ông nói.

Phần 3: Chân dung 'chủ soái' Him Lam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM