Lê Việt Quốc - Nhà sáng chế “Trí tuệ nhân tạo” AI tại Google

30/06/2015 15:39 PM |

“Chán nản khi chờ đợi máy tính thông minh lên, tìm cách dạy cho chúng một bài học" - Lê Việt Quốc.

Sinh ra ở vùng quê Việt Nam, Lê Việt Quốc sống một tuổi thơ không có điện dù chỉ để thắp lên một ngọn đèn. May mắn thay, nhà Quốc gần một thư viện, nơi mà cậu bé ngày ngày đọc về những phát kiến vĩ đại và mơ ước được đặt tên mình vào trong những trang giấy ấy.

Ở tuổi 14, Quốc quyết định rằng con người sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ những cỗ máy thông minh, có khả năng sáng tạo – một ý tưởng dường như chỉ có trong những bộ phim. Ý tưởng ấy đã dẫn Quốc đi theo một con đường mới, tạo nên những đột phá tuyệt vời trong lĩnh vực “Trí tuệ nhân tạo”, những phát kiến giúp máy móc hiểu thế giới hơn, gần gũi với con người hơn.

Trong thời gian học tại Đại học quốc gia Úc (Australian National University) và lấy bằng tiến sĩ tại đại học danh giá Stanford, Lê Quốc luôn đau đáu với ý tưởng của mình. Những máy tính được cho có khả năng học tập trên thực tế cần rất nhiều sự hỗ trợ từ con người. Người ta cần đánh dấu hết sức thủ công các dữ liệu – ví dụ trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt: các nhà nghiên cứu phải đóng nhãn các bức ảnh có mặt người và không có mặt người, trước. Rồi họ phải nói cho phần mềm cần phải chú ý vào đâu, ví dụ như hình dáng, màu sắc của mũi cũng như các bộ phận khác.

Những khối công việc nặng nề ấy khiến Quốc cảm thấy thực sự khó chịu. Mặc dù rất hay thông cảm với người khác nhưng với máy tính, Quốc thực sự kiên quyết với kỳ vọng của mình, phải để máy tự học. “Tôi thực sự không có nhiều kiên nhẫn,” Quốc cười và nói trong bài phỏng vấn.

Khi học tại Stanford, Quốc đã sáng tạo ra một chiến thuật có thể giúp phần mềm tự học. Trước kia các thử nghiệm về dạy học cho máy tính cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan nhưng rất chậm chạp vì các nhà nghiên cứu áp dụng một phương pháp có tên là “deep learning” – (tạm dịch - học sâu), sử dụng một hệ thống mạng phức tạp có tác dụng tương tự như hệ thần kinh neurons của con người, Tiến sĩ Quốc đã tìm ra cách tăng tốc hệ thống lên một cách đáng kể - bằng cách xây dựng một mạng lưới neuron ảo lớn hơn gấp 100 lần những lại có khả năng xử lỹ dữ liệu nhanh hơn hàng nghìn lần. Đây là một phương pháp tiếp cận rất thực tiễn và thu hút sự chú ý của Google, nơi đã mời anh về để thử nghiệm dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu nổi tiếng về AI Andrew Ng.

Khi kết quả nghiên cứu được đưa ra công chúng năm 2012, chúng đã tạo nên một cuộc đua giữa Google, Facebook, Microsoft và nhiều công ty khác về đầu vừa vào nghiên cứu deep-learning. Mặc dù không có một chỉ dẫn nào từ con người, hệ thống của Lê Việt Quốc đã học cách nhận thức được con người, mèo, chó và hơn 3.000 sự vật khác nhau bằng cách xem 10 triệu hình ảnh từ Youtube. Hệ thống này đã cho thấy máy móc có thể tự học mà không cần sự trợ giúp của con người mà vẫn đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc.

Kỹ thuật này giờ được ứng dụng rộng rãi trong tìm kiếm hình ảnh của Google và các phần mềm nhận dạng giọng nói. Cỗ máy siêu thông minh mà Lê Việt Quốc mơ ước còn ở rất xa vời. Tuy nhiên, nhìn thấy ý tưởng của anh đem lại những hỗ trợ thiết thực cho con người quả thật là điều hết sức đáng ghi nhận.

Tuần trước, Google đã công bố một bài nghiên cứu khoa học, đánh dấu bước đột phá mới nhất của họ trong việc phát triển “Trí thông minh nhân tạo” (AI). Bài nghiên cứu cho thấy khả năng phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo từ những thông tin sẵn có. Một trong 2 tác giả bài nghiên cứu này là Lê Việt Quốc.

Nhóm nghiên cứu về AI của Google đã thiết kế ra một chương trình tương tác cao cấp, một chatbot có khả năng nói chuyện và trả lời các cuộc đối thoại dựa trên các thông tin thu nhận được và cả thông qua rèn luyện từ các mẫu đối thoại học được. Điều bất ngờ là chatbot này không chỉ trả lời các câu hỏi bằng những đoạn hội thoại định sẵn, các mẫu câu hay từ có trước mà nó có thể tự “tạo ra” câu trả lời mới cho các câu hỏi mới.

(Bài viết giới thiệu về Lê Việt Quốc với vai trò là 1 trong 35 người trong danh sách 35 Innovators under 35: 35 nhà sáng chế dưới 35 tuổi năm 2014 của MIT – Massachuset Institute of Technology – Mỹ)

Cùng chuyên mục
XEM