Khi lãnh đạo là phụ nữ trong một thế giới mà nam giới chi phối

01/04/2015 11:25 AM | Nhân vật

Theo Chủ tịch HĐTV kiêm CEO Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, tham gia hội nhập và toàn cầu hóa là thực hiện 3 cuộc cách mạng: Cách mạng về Công nghệ, Tài chính và Tư duy lãnh đạo...

Nội dung nổi bật:

- Người lãnh đạo nhận thức và đánh giá các thông tin mà họ có được, để đưa ra những cách thức ứng xử thông minh và chiến lược phù hợp đi liền với tư duy đổi mới.

- Khi nữ giới đảm đương cương vị lãnh đạo, sẽ phải đối diện với nhiều thách thức như luôn chịu sự chú ý của công chúng, phải đáp ứng những kì vọng rất cao.


Thay đổi cốt lõi là ở tư duy người lãnh đạo

Chia sẻ tại buổi thảo luận trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam và hội nhập quốc tế”, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng: “Trong mọi cuộc cách mạng chứ không chỉ trong xu thế hội nhập, thay đổi tư duy luôn được coi là cốt lõi bởi tư duy chính là định hướng cho thay đổi nhận thức”.

“Và từ thay đổi nhận thức dẫn đến cách thức đưa ra chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, cũng như chương trình hành động trong từng giai đoạn cụ thể, cho cả doanh nghiệp và cá nhân người lãnh đạo”.

Cả 3 cuộc cách mạng mà bà Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội nêu ra trong quá trình hội nhập, gồm: Cách mạng về Công nghệ, Tài chính Tư duy lãnh đạo - đều rất khó, nhưng cái khó nhất người ta thường nói là thay đổi tư duy, nhất là tư duy của một người lãnh đạo.

Theo kinh nghiệm cá nhân và cũng là ý kiến cá nhân, bà Thanh cho rằng, tư duy lãnh đạo được thay đổi và cập nhật một cách thường xuyên bởi các thông tin kinh tế, thị trường, xã hội, cùng với quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm của người lãnh đạo.

“Người lãnh đạo nhận thức và đánh giá các thông tin mà họ có được để đưa ra những cách thức ứng xử thông minh và chiến lược phù hợp đi liền với tư duy đổi mới – đó chính là thay đổi tư duy lãnh đạo. Nói cách khác, tư duy lãnh đạo thay đổi thường xuyên trong quá trình phát triển của doanh nghiệp chứ không phải theo từng thời điểm” – người đàn bà thép của Deloitte Việt Nam nhận định.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, theo bà Thanh, các nữ doanh nhân đang có những điểm chưa mạnh bởi họ là chủ của những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tư duy lãnh đạo và năng lực lãnh đạo là vấn đề cốt lõi mà các nữ doanh nhân nói riêng và doanh nghiệp nói chung cần phải tập trung nâng cao và mở rộng.

Hội nhập kinh tế trong giai đoạn hiện nay không phải là một lựa chọn, mà là một xu thế tất yếu của thị trường. Theo đó các doanh nhân không phân biệt là nữ doanh nhân đều cần phải chuẩn bị cho mình và doanh nghiệp của mình một nội lực mạnh để có thể hội nhập thành công và bền vững” – bà Thanh khẳng định.

Không dễ dàng cho phụ nữ lãnh đạo trong một thế giới mà nam giới chi phối

Bà Victoria Kwawa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới.

“Làm lãnh đạo ở bất cứ hoàn cảnh nào thì đều là một đặc ân, dù là ở cấp địa phương, quốc gia hay toàn cầu. Tôi thấy bản thân mình có một vinh hạnh khi được làm lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam” – bà Victoria Kwawa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, cho biết.

Khi giữ cương vị lãnh đạo, bà Victoria cho biết, bên cạnh lợi thế như có thể đóng vai trò tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề chung của phụ nữ, vị trí này còn mang lại cho bà lợi thế khi đóng vai trò hình mẫu cho những phụ nữ trẻ khác và chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể làm lãnh đạo giỏi không kém gì nam giới.

“Một lợi thế khác, mang tính cá nhân một chút, khi nắm vị trí lãnh đạo như tôi, tôi có thể định hình những hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới” – bà Victoria tiết lộ.

Về thách thức (bà không gọi là điểm bất lợi mà là những thách thức, vì thách thức thì luôn có thể vượt qua được), thứ nhất, là lãnh đạo, ở bất cứ cấp nào, bạn cũng luôn luôn chịu sự chú ý của công chúng, và như vậy không phải lúc nào cũng thoải mái, bởi đôi khi bạn cũng muốn có sự riêng tư.

Thứ hai, bạn phải đáp ứng những kì vọng rất cao. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với nhịp độ nhanh chóng, và đặc biệt là khi làm lãnh đạo ở một tổ chức luôn đặt ra yêu cầu cao, bạn luôn phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục vươn lên và luôn nắm bắt những xu thế mới nhất, những kiến thức cập nhật nhất để có thể làm việc hiệu quả.

“Tôi nghĩ đây vừa là thách thức vừa là cơ hội” – Giám đốc World Bank tại Việt Nam nhận định.

“Đặc biệt trong một thế giới mà nam giới vẫn đóng vai trò chi phối, cũng không dễ dàng cho phụ nữ”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Phụ nữ Việt Nam đang đối mặt với 3 rào cản

Rào cản đầu tiên thuộc về nhận thức của một bộ phận xã hội về vai trò vị trí của phụ nữ chưa thật đầy đủ và nhận thức của chính phụ nữ về bản thân mình.

Rào cản thứ 2 là một số chính sách vẫn chưa tạo được cơ hội cho phụ nữ.

Rào cản thứ 3 là năng lực của nguồn nhân lực nữ nhìn chung vẫn còn hạn chế, đặc biệt là gánh nặng về công việc gia đình cũng là một rào cản.

>> Chủ tịch VCCI: Động lực của kinh tế sẽ là Phụ nữ

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM