George Soros – Thiên tài bán khống
Thị trường tài chính thế giới đã ghi nhận nhiều vụ bán khống thể hiện tài năng của những nhà đầu tư tài ba có thể “một tay che cả bầu trời” và khiến thị trường chao đảo. Nhắc đến bán khống tiền tệ, không thể không nhắc tới George Soros.
Bán khống trong tài chính có nghĩa là một cách kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá mạnh mẽ của một loại tài sản tài chính. Phần lớn các nhà đầu tư sẽ theo đuổi một khoản đầu tư lâu dài khi họ hi vọng giá của tài sản đó sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bán khống có nghĩa là bán thứ mà nhà đầu tư không hề có trong tay.
Kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá có nghĩa là người bán khống sẽ “mượn tạm” tài sản và bán đi sau này, với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận vì có thể mua lại ở mức giá thấp để trả nợ và hưởng chênh lệch giá.
Thị trường tài chính thế giới đã ghi nhận nhiều vụ bán khống thể hiện tài năng của những nhà đầu tư tài ba có thể “một tay che cả bầu trời” và khiến thị trường chao đảo. Tài sản trong các vụ bán khống có thể là cổ phiếu, hàng hóa (như dầu mỏ hay các loại hàng hóa khác được giao dịch trên thị trường hàng hóa phái sinh) hay tiền tệ. Nhắc đến bán khống tiền tệ, không thể không nhắc tới George Soros .
Sinh ngày 12/8/1930, ông trùm quỹ đầu cơ người gốc Hungary George Soros là Chủ tịch của quỹ Soros Fund Management và cũng là một nhà từ thiện hào phóng. Không chỉ là người đã “phá vỡ” NHTW Anh bằng cách bán khống đồng bảng và thu về khoản lợi nhuận 1 tỷ USD năm 1992, ông còn bị buộc tội là “kền kền” trục lợi từ khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 (cũng bằng cách bán khống tiền tệ) và gần đây hơn là bán khống yên Nhật vào năm 2013.
Nhiều người sẽ cho rằng ông là kẻ dã tâm khi khiến nhiều nền kinh tế chao đảo, nhưng không ai có thể phủ nhận Soros có bộ óc của một thiên tài mới có thể làm như vậy.
"Ngày thứ 4 đen" của nước Anh
Vụ bán khống đình đám nhất của Soros là “Ngày thứ 4 đen” xảy ra đối với đồng bảng Anh năm 1992. Chính xác thì đó là ngày 16/9/1992, khi Chính phủ Anh buộc phải quyết định rút đồng bảng khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) do đồng tiền này mất giá quá mạnh. Và, kẻ khiến bảng Anh lao dốc không ai khác chính là Geogre Soros với những đợt tấn công tiền tệ dồn dập.
ERM là cơ chế được lập ra trong nỗ lực hướng đến một đồng tiền chung của châu Âu. Theo đó, các quốc gia thống nhất neo tỷ giá hối đoái của họ vào một mức nhất định, cụ thể là không đồng tiền quốc gia nào được phép tăng giá hay mất giá quá 2,25% với các đồng tiền quốc gia khác.
Vấn đề của Anh là nước này có thâm hụt tài khoản vãng lai nghiêm trọng. Điểm yếu bộc lộ khi Đức thống nhất vào cuối năm 1990, khiến đồng tiền của các quốc gia châu Âu (trong đó có bảng Anh) lên giá so với các đồng tiền bên ngoài như USD hay yên Nhật. Bảng Anh lên giá càng khiến xuất khẩu của Anh sụt giảm và nhập khẩu tăng, khiến cán cân vãng lai thêm mất cân bằng.
Trước tình hình này, giới đầu tư dự đoán chắc chắn Anh sẽ phải phá giá tiền tệ trong tương lai. Với xu hướng giảm giá rõ ràng của đồng bảng, họ bán khống với khối lượng lớn. Điều này càng khiến bảng Anh mất giá nhanh hơn và đến ngày 15/9 đã vượt qua mức 2,25%. NHTW Anh cũng đã phòng ngự bằng cách tung ra lượng lớn dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất, nhưng chỉ như “muối bỏ bể”. Soros tung ra đòn cuối cùng khi bán ra hơn 10 tỷ bảng vào ngày 16/9 năm đó, ước tính kiếm được khoảng 1 tỷ USD, trong khi Anh thiệt hại khoảng 3,4 tỷ bảng.
Ngày 26/10/1992, tờ Times chuyển lời của Soros: “Chúng tôi đã có kế hoạch bán ra nhiều hơn con số 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Norman Lamont (Bộ trưởng Tài chính Anh lúc đó) đã tuyên bố sẽ vay mượn gần 15 tỷ USD để bảo vệ đồng bảng. Chúng tôi đã cảm thấy nực cười vì đó chính xác là lượng mà chúng tôi muốn bán ra”.
Phá hủy tiền tệ châu Á?
Năm 1997, cái tên George Soros lại gây xôn xao. Trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á, Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad đã buộc tội Soros sử dụng tiền bạc để “trừng trị” Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì đã chào đón Myanmar trở thành thành viên. 9 năm sau (2006), ông có cuộc gặp với Soros và phải thừa nhận rằng Soros không phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong cuốn “The Crisis of Global Capitalism: Open Society Endangered” (tạm dịch: Khủng hoảng chủ nghĩa tư bản toàn cầu: xã hội mở gặp hiểm nguy) , Soros đã giải thích rõ ràng vai trò của mình như sau:
Khủng hoảng tài chính bắt nguồn ở Thái Lan năm 1997 thực sự không đáng sợ vì quy mô và độ nghiêm trọng của nó… Đầu năm 1997, quỹ Soros Fund Management nhận thấy rõ ràng rằng sự khác nhau giữa cán cân thanh toán và cán cân vốn (của các quốc gia Đông Nam Á) ngày càng trở nên không bền vững.
Chúng tôi bán khống đồng baht Thái và ringgit của Malaysia vào đầu năm 1997 với thời gian đáo hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Thủ tướng Mahathir của Malaysia đã buộc tội tôi gây ra khủng hoảng, đó thực sự là lời buộc tội vô căn cứ. Chúng tôi không bán đồng tiền này trong hoặc vài tháng trước khủng hoảng, mà ngược lại đã mua vào khi những đồng tiền này bắt đầu giảm giá. Chúng tôi mua vào ringgit để lấy lợi nhuận cho các khoản đầu cơ trước đó. Thời điểm là hơi sớm và chúng tôi đã để lại phần lớn lợi nhuận vì lo ngại Mahathir sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Đúng là ông ấy đã làm thế nhưng là một thời gian lâu sau đó.
GDP thực của ASEAN đã giảm 9,2 tỷ USD trong năm 1997 và 218,2 tỷ USD (tương đương 31,7%) trong năm 1998.
Bán khống đồng yên Nhật
Lần gần đây nhất thế giới phải xôn xao bàn tán về Soros là năm 2013. Soros được cho là đã kiếm lời 1,2 tỷ USD nhờ bán khống đồng yên Nhật. Điểm mà ông tận dụng lại là sự yếu kém của kinh tế Nhật với giảm phát và suy thoái cùng với sự chần chừ của NHTW nước này trong việc bơm tiền kích thích kinh tế. Sau đó Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền và tung ra Abenomics với chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ, và dĩ nhiên kéo theo đó là đồng yên giảm mạnh 25%.
Các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ của Soros, đã nắm trước tình hình và tất nhiên đã sử dụng chiến lược bán khống để kiếm bộn tiền.
Mua và bán
Năm 2013, Soros cũng ghi dấu ấn khi trở thành kẻ "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc chiến đắt đỏ giữa các quỹ đầu tư trên hai cổ phiếu Herbalife và JCPenny. Ông về phía Carl Icahn trong vụ thứ nhất và mất tiền cùng Bill Ackman trong vụ thứ hai.
Sau khi gọi Herbalife là một "mô hình kim tự tháp", Ackman đã đối mặt với Icahn trên truyền hình trực tiếp chỉ để chứng kiến Icahn mua vào một lượng lớn cổ phiếu Herbalife. Khi giá cổ phiếu này tăng lên, các quỹ đầu tư khác nhảy vào, trong đó có Soros - người đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu và là nhà đầu tư lớn thứ 5 ở đây. Herbalife đã tăng hơn 144% trong năm 2013.Đến quý IV, Soros giảm số lượng xuống còn 3,2 triệu cổ phiếu.
Đối với cổ phiếu của nhà bán lẻ JCPenny, Ackman đã thực hiện chiến dịch mạnh mẽ nhằm yêu cầu một lãnh đạo của Apple là Ron Johnson trở về lãnh đạo JCPenny, chỉ để chứng kiến ông mất gần 500 triệu USD. Soros đã mở vị thế từ tháng 4, khi Ron Johnson bị sa thải và thay thế bởi người tiền nhiệm Mike Ullman.
Soros Fund Management trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai ở JCPenny, nắm khoảng 19,98 cổ phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu của hãng này đã lao dốc một mạch từ tháng 4 đến cuối năm (tổng cộng giảm 38,2%).