Chuyện về nữ doanh nhân cao tuổi nhất Việt Nam

09/03/2015 08:29 AM |

Câu nói bất hủ của bà Hoàng Thị Minh Hồ: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất.”

Mùa thu năm 1945, sau khi giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, Chính phủ lâm thời mới của Việt Nam đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn về tài chính khi khoản nợ ngắn hạn của Kho bạc Trung ương lên đến 564 triệu đồng, trong khi ngân khố chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi.

Phát động Tuần lễ vàng để thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ thông qua Quỹ Độc lập là giải pháp được chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lúc này.

Hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô - chủ tiệm vải Trịnh Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang nổi tiếng Hà thành thời đó - đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Cái tên của doanh nhân Trịnh Văn Bô đã đi vào lịch sử Việt Nam từ đó, nhưng đến năm 2013, lần đầu tiên, người vợ của ông – doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ mới được xướng danh, trở thành doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất Việt Nam khi tròn 100 tuổi.

Ở độ tuổi ấy, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn gây bất ngờ và khiến những người từng tiếp xúc với bà phải khâm phục vì sự minh mẫn cùng tinh thần “thép” của một doanh nhân.

Là con gái của cụ Hoàng Đạo Phương – một nhà nho và là một thương gia giàu có của Hà thành, được sinh ra trong nhung lụa, bà Hồ không chỉ hội tụ đầy đủ các yếu tố công – dung – ngôn – hạnh mà còn có thể cùng chồng phát triển sự nghiệp buôn bán kinh doanh để trở thành một gia đình thương gia giàu có bậc nhất của Hà Nội.

Bà Hồ từng chia sẻ, dù 11 tuổi mới được đi học chữ và 15 tuổi đã phải dừng lại, nhưng khi lấy chồng, ở độ 20 tuổi, như thể là dòng máu “con nhà nòi”, bà vô cùng say sưa với công việc kinh doanh để cửa tiệm chiếm lĩnh được thị trường. Bằng chữ tín và năng khiếu kinh doanh truyền từ cha, chỉ từ 30.000 đồng Đông Dương khởi nghiệp ban đầu, vợ chồng bà đã làm tăng khối tài sản gia đình lên hàng trăm lần.

Với suy nghĩ “chính quyền có giữ được, mình mới mong tiếp tục buôn bán”, gia đình bà đã bán phá giá nhiều xấp vải trong cửa tiệm để có tiền đài thọ cho mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước. Toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang được bố trí làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Tại đây, bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời.

Dốc gần 90% tài sản quyên góp cho Chính phủ, bà Hồ vẫn luôn khẳng định: “Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng”. Tinh thần doanh nhân của bà thể hiện qua câu nói bất hủ: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất, vì mất rồi thì bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được.”

Trong những câu chuyện ngắn được kể trong gia đình, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn rưng rưng xúc động và tự hào mỗi khi nhắc đến lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác đang ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang và viết Tuyên Ngôn Độc Lập: “Cháu tuổi trẻ, nhưng có tấm lòng người phụ nữ Việt Nam. Cháu giàu của, lại giàu tình thương người nghèo khó, giúp người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, vẹn cả hai vai: đảm đang việc nhà, tham gia việc nước.”

Bảy người con của hai cụ không viết tiếp nghiệp kinh doanh của gia đình mà đều trở thành các kỹ sư, giáo viên làm việc tại các cơ quan Nhà nước nhưng nữ doanh nhân trăm tuổi này vẫn nuôi dưỡng một tinh thần doanh nhân gửi gắm đến thế hệ sau: “Tôi là doanh nhân của đầu thế kỷ 20, đã dùng hết tài sức làm giàu cho gia đình, giúp dân, giúp nước. Các bạn là doanh nhân thế kỷ 21, phải tiếp bước ông cha, đem tài năng, trí tuệ làm giàu cho gia đình và xây dựng đất nước”.

>> Nữ tỷ phú gốc Việt dựng đế chế cà phê trên đất Lào

Theo Anh Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM