Chuyện lựa chọn CEO ngoại tộc ở Marriott: Cha không chọn, con vẫn vui (P3)

05/06/2013 12:18 PM |

Không phải là một cuộc ganh đua

Khi Arne đang học hỏi việc kinh doanh, con trai John của tôi vẫn tiếp tục thăng tiến trong công ty. Thực tế thì John đã làm việc tại Marriott suốt 3 thập kỷ, nó làm việc tại các nhà hàng, khu vực ẩm thực và giải khát ở các khách sạn, và là tổng giám đốc của Crystal City Marriott ở Virginia. John nắm những công việc trọng yếu về quản lý tài chính và thương hiệu của công ty. Nó giám sát mọi hoạt động bán hàng của công ty như một phó chủ tịch điều hành. John chính thức trở thành chủ tịch của hệ thống khách sạn North American Lodging ở khu vực Bắc Mỹ, chịu toàn bộ trách nhiệm đối với công việc kinh doanh lớn nhất của công ty. Năm 2002, John đã gia nhập hội đồng quản trị Marriott.

John hoàn thành rất tốt tất cả các vai trò. Nó đã làm việc rất chăm chỉ và hiểu rõ từ A đến Z công việc kinh doanh này. Tôi đã hết lòng cố vấn và trao cho con trai mình tất cả các công cụ mà nó có thể cần đến để kế nghiệp cơ ngơi này. 

Tuy nhiên khi chuyển công việc từ các khách sạn đến làm việc ở trụ sở chính, John dường như không mấy vui vẻ. John rất thích được làm việc trong lĩnh vực khách sạn nhưng hiện tại nó thấy áp lực khi phải làm việc ở văn phòng mỗi ngày, tham gia các họp hành liên miên và tập trung làm các công việc hành chính.

Tất cả các công ty khi phát triển đều phải trải qua một mức độ quan liêu nào đó, và với một nhà điều hành cấp cao, áp lực quản lý này là một phần quan trọng của công việc. Khi quan sát John thích nghi với vai trò mới ra sao, tôi có thể nhận thấy rằng con trai mình không mấy vui vẻ.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về Arne với vai trò một CEO đầy tiềm năng. Nhưng điều đó không hề gây ra cuộc ganh đua nào giữa Arne và John cả. Tôi không tin tưởng các các cuộc ganh đua kế vị - đó là mối hiểm họa vì người thua cuộc sẽ rời khỏi công ty. Tôi không muốn như vậy. 

Arne và John cũng sẽ không hành động như là đối thủ của nhau. Tôi chắc chắn rằng nếu John kế nghiệp tôi, Arne sẵn sàng trao cho John cơ hội đó và tiếp tục ở lại với vai trò quản lý cao cấp. Và mặc dù quyền kế vị là quyết định cuối cùng của hội đồng quản trị thì tôi vẫn tin nếu tôi tác động, các giám đốc sẽ sẵn sàng trao cho John một cơ hội nữa.

Tuy nhiên khi nhìn kỹ hơn vào hoàn cảnh hiện tại, tôi càng nhận ra John là một doanh nhân bẩm sinh. Nó không đủ sức vận hành công ty với quy mô như Marriott ngày nay, với 3.800 cơ sở và 18 thương hiệu trên toàn cầu. John không hề muốn bị gắn chặt vào cái bàn làm việc. Dần dần cả hai chúng tôi đã đi đến kết luận rằng, thật tuyệt khi tôi đã không trao Marriott vào tay con trai mình, John là một lựa chọn chưa chính xác.

Bởi vậy, năm 2005 John trở thành Phó chủ tịch HĐQT và rời khỏi vị trí điều hành ở công ty. Sau đó nó sáng lập một công ty thử nghiệm y tế, đang rất thành công. John cũng là CEO của công ty gia đình JWM Family Enterprises, hiện sở hữu và điều hành 16 khách sạn. Tôi vẫn làm việc với con trai mình hàng ngày, mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn rất tốt.

Đến năm 2011 tôi bắt đầu bước sang tuổi 80. Tôi không nghĩ rằng ai đó đã 80 tuổi nên vận hành bất cứ công việc gì. Nhiều công ty có quy định bắt buộc nghỉ hưu khi 65 tuổi, và nhiều CEO ngày nay bắt đầu nghỉ ngơi khi ở độ tuổi ngũ tuần. 

Lúc đó, Arne đã bắt đầu xử lý một số những công việc hàng ngày của một CEO và tôi quyết định đã đến lúc thực hiện việc chuyển giao chính thức. Arne là một lựa chọn sáng suốt và đúng lúc.

Tôi tin tưởng và vui mừng khi trao vị trí CEO của tập đoàn cho Arne và vẫn tiếp tục tin tưởng vào lợi thế của các thành viên trong gia tộc Marriott. Nếu một công ty gia đình lựa chọn vị CEO ngoại tộc đầu tiên, điều đó không có nghĩa là không có thành viên nào trong gia đình sẽ đảm nhiệm vị trí CEO trong tương lai. 

Tôi nhìn vào công ty Ford Motor, các thành viên gia đình đã vận hành công ty từ ngày đầu thành lập cho đến năm 1979, sau đó là sự xuất hiện của hàng loạt CEO ngoại tộc. Cho đến cuối những năm 1990, Bill Ford đã trở thành chủ tịch và CEO trong giai đoạn 2001 - 2006, sau đó ông lại đưa Alan Mulally lên làm CEO.

Khi nhìn vào tương lai, tôi nghĩ một ngày nào đó con trai út David của tôi sẽ trở thành CEO. Nó biết về công ty của gia đình mình và mọi người thích làm việc cùng nó. Arne cũng rất tôn trọng David và David cũng tôn trọng Arne. Nhưng Arne mới chỉ 54 tuổi, còn quá sớm để nghĩ về người sẽ kế nghiệm cậu ta.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày Arne chính thức đảm nhận công việc, tôi khá hài lòng với những việc đã làm được. Tôi quan tâm rất nhiều tới Marriott, đến nỗi không thể đưa ra lựa chọn mạo hiểm, đó đã trở thành công việc trong cuộc sống của tôi. Và con trai John của tôi rất thích thú với những gì nó đang làm trong vai trò điều hành một công ty 12 tỷ USD.

Vợ chồng tôi mới ăn tối cùng vợ chồng John gần đây, và tôi kể lại mình đã dành cả ngày cho một cuộc họp quản lý kéo dài 10 tiếng đồng hồ. John chỉ lắc đầu và cười. Đó không phải cuộc sống dành cho nó.

Thùy Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM