Chuyện khởi nghiệp của một doanh nhân nhí từ câu nói bông đùa

18/09/2014 13:38 PM |

Với 100 USD tiết kiệm được từ việc giao báo và 200 USD vay từ bố mẹ, Hart bắt đầu tìm kiếm nguồn mua nến, sáp và tinh dầu thơm. Sau đó cậu chọn lấy ba mùi hương nam tính nhất để thử nghiệm.

Từ một câu bông đùa…

Câu chuyện bắt đầu từ hai năm trước, khi chị gái của Hart là Camryn dự định làm một ít nến thơm để bán trong hội chợ trường học. Với tư cách là một cậu em tốt, Hart đã “khuyên” chị gái mình không nên bán cho cánh con trai trong trường những mùi thơm mà bản thân cậu không thích. Lúc bấy giờ, cậu bé 13 tuổi vẫn chỉ suy nghĩ đơn thuần là một lời nói đùa. Tuy nhiên, được bố mẹ và nhiều người quen ủng hộ, Hart quyết định thử sức với việc tạo ra những chiếc nến có mùi thơm mà “cánh con trai yêu thích”.

Với 100 USD tiết kiệm được từ việc giao báo và 200 USD vay từ bố mẹ, Hart bắt đầu tìm kiếm nguồn mua nến, sáp và tinh dầu thơm. Sau đó cậu chọn lấy ba mùi hương nam tính nhất để thử nghiệm. Từ đó tới nay, Hart đã làm thử và thất bại không biết bao nhiêu lần với hàng ngàn công thức, nhưng thành quả của quá trình này là cũng có một số mùi hương rất ấn tượng ra đời. Chiếc nến thơm đầu tiên mà Hart Main bán được với giá 5 USD có mùi “Cỏ mới cắt”. Và đây cũng là mùi mà cậu bé yêu thích nhất.

Bên cạnh việc tạo ra những mùi hương mới, Hart Main cũng cất công tìm kiếm phương thức đóng gói những chiếc nến thơm sao cho nhất quán với phong cách nam tính mà cậu hướng tới. Thế là thay vì đựng sản phẩm trong những cốc thủy tinh như nhiều hãng nến thơm nổi tiếng hay làm, cậu bé sử dụng chính những vỏ lon súp bỏ đi để làm bao bì.

…tới một thương hiệu nho nhỏ

Hàng ngày, hoạt động sản xuất nến thơm được diễn ra tại “Trụ sở” của nhãn hiện Man-Cans, đặt trong một khu kinh doanh hạng trung ở ngoại ô Marysville, Ohio, nằm chung với hai cửa hàng bán thiết bị ô tô xe máy khác mà không cần tới vách ngăn.

Hart Main – người sáng lập ra thương hiệu này, khi đó mới 15 tuổi ngồi ở góc phòng, đang kiểm tra những đơn hàng mới về sau khi vừa đọc một bản tin thể thao. Cha của cậu, ông Craig Main, một kỹ sư IT với công việc bán thời gian là quản lý “xưởng sản xuất” cho cậu bé, đang kỳ cọ lớp vỏ ngoài của một lon soup cũ. Gần đó, một nhân viên của xưởng tên là Sandy Dejarnete, cũng làm việc bán thời gian, đang vừa dán nhãn lên những cây nến thơm mới ra lò vừa nghe chương trình “Bảng xếp hạng âm nhạc” trên đài phát thanh.

Bên trong xưởng sản xuất nến thơm của Hart-Main
Bên trong xưởng sản xuất nến thơm của Hart-Main

Nhiều người cho rằng việc mở một doanh nghiệp chỉ có thể được thực hiện bởi những người biết viết các bản kế hoạch kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tham gia vào các cộng đồng doanh nghiệp và đọc hàng trăm cuốn tiểu sử về những doanh nhân nổi tiểng. Nhưng hóa ra không phải lúc nào cũng cần phức tạp như vậy.

Sau hai năm khởi nghiệp, sản phẩm của Hart Main được bán với số lượng lớn cho công ty chuyên về giải pháp làm vườn nổi tiếng Scott để gửi tặng các khách hàng của họ.

Khách quan mà nói, những mùi hương mà Hart Main sử dụng khá là quen thuộc, ví dụ như mùi thịt hun khói, mùi cà phê, mùi thuốc súng, mùi cỏ mới cắt, mùi bạc hà….Tuy nhiên, chính kiểu đóng gói bằng lon thiếc làm sản phẩm có vẻ bụi phủi rất được cánh nam nhi ưa thích.

Nến thơm Man-Cans có nhiều màu sắc và mùi thơm hướng tới hình ảnh nam tính
Nến thơm Man-Cans có nhiều màu sắc và mùi thơm hướng tới hình ảnh nam tính

Tinh thần cộng đồng

Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích rằng mặc dù cốt lõi cho sự thành công của một doanh nghiệp vẫn là chất lượng sản phẩm, nhưng khi bổ sung thêm yếu tố tinh thần cộng đồng thì sự thành công đó càng được bảo đảm. Thương hiệu giày Toms và đồ len trẻ em Crochet Kids là những ví dụ tiêu biểu cho quan điểm này. Và Man-Cans cũng áp dụng triết lý ấy cho công việc kinh doanh của mình.

Khi đơn đặt hàng đổ về ồ ạt tới mức gia đình Hart Main không thu thập đủ vỏ lon cũ để đáp ứng nhu cầu, gia đình cậu bé quyết định mua súp với số lượng lớn rồi quyên góp phần súp miễn phí cho các nhà hàng ở bang Ohio và West Virginia. Khẩu hiệu “Một cây nến, một bữa ăn đóng góp cho cộng đồng” của Man-Cans đã đánh trúng tâm lý của người dân Ohio, vốn đang phải vật lộn kiếm sống sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010.

Khẩu hiệu “One candle, one meal” (Một cây nến, một bữa ăn) in trên mỗi sản phẩm
Khẩu hiệu “One candle, one meal” (Một cây nến, một bữa ăn) in trên mỗi sản phẩm

Trên thực tế, “Doanh nghiệp” của Hart Main chỉ là một trong những công ty siêu siêu nhỏ, những hạt cát trong sa mạc vô vàn doanh nghiệp lớn bé ở Mỹ. Và mặc dù năm trước Man-Cans tiêu thụ được tới 250,000 sản phẩm nhưng cậu bé Hart-Main không thu về được nhiều lợi nhuận như mọi người thường tưởng tượng, do cậu tiêu tốn khá nhiều tiền cho hoạt động quyên góp. Nhưng điều khiến người ta hay nhắc tới thương hiệu này nằm ở câu chuyện kỳ diệu về một cậu bé đã biến lời nói đùa của mình thành hiện thực, dấn thân vào thế giới kinh doanh đầy cạm bẫy với chính những ý tưởng trẻ thơ của mình và đứng vững trong thế giới đó.

>> Chân dung Warren Buffett của Trung Quốc

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM