Chuyện cậu bé gốc Việt được gặp Tổng thống Obama

12/03/2016 19:39 PM | Nhân vật

Hôm 1.3, em Tạ Zi Đan, 16 tuổi, đại diện gốc Việt đầu tiên trong phái đoàn Hướng đạo sinh Hoa Kỳ, đã được gặp Tổng thống Obama và các quan chức chính phủ Mỹ.

Hoạt động này nhằm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hiệp Hội Hướng đạo sinh Hoa Kỳ, bao gồm việc trình bản báo cáo thường niên cho Tổng thống và Quốc hội.

Được chọn vào phái đoàn đại diện Hướng đạo Hoa Kỳ đến thủ đô Washington là một vinh dự hiếm có. Chỉ có 6 em Hướng đạo sinh được lựa chọn trong hơn 2.3 triệu Hướng đạo sinh trên toàn nước Mỹ.

Còn lại 4 em khác đại diện các tổ chức khác nhau trực thuộc Hướng đạo Hoa Kỳ.

Tạ Zi Đan, trong 6 ngày, đã cùng phái đoàn, thăm viếng và gặp gỡ những nhân vật đại diện cho quốc hội như nghị sĩ Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện; nghị sĩ Nancy Pelosi, đại diện đảng thiểu số Hạ viện; Thượng nghị sĩ McConnell, đại diện đảng đa số Thượng viện, và các bộ trưởng của các ngành trong chính phủ Mỹ.

Cha của Đan, ông Tạ Ngọc Lưỡng, cho BBC biết ông đặt tên con trai đầu lòng Zi Đan với Zi là chữ viết tắt cho Phật Di Lặc; còn Đan với nghĩa dân dã là đan với nhau.

Ông muốn con sau này sống có tinh thần lạc quan, có khả năng kết nối con người với nhau.

Em Đan hiện đang theo học trường trung học Oxford Academy ở Cypress, California. Ngoài sinh hoạt Hướng đạo, em cũng hoạt động trong Thiếu sinh Hải quân Hoa Kỳ (US Naval Sea Cadet Corps) với chức vụ Trung sỹ.

Em Đan đã đạt đến cấp bậc cao nhất của Hướng đạo sinh là Đại bàng (Eagle Scout). Để đạt được đẳng cấp đó, Hướng đạo sinh phải làm xong một công tác ích lợi cộng đồng do em tự lập ra và quản lý.

Ông Lưỡng kể: Khi đang học năm thứ hai trung học, Đan nhận thấy việc cần thiết của việc quản trị tài chính cá nhân sớm cho thanh thiếu niên.

Vì thế, Đan thành lập một câu lạc bộ Đồng bạc thông minh (Penny Wise Club) trong trường cùng với các bạn quan tâm tìm hiểu về đầu tư và tài chính cá nhân.

Đan đã tự mình lên kế hoạch và tổ chức một hội thảo liên trường. Em muốn mời được Bộ trưởng Tài chính California, ông John Chiang đến cho em phỏng vấn, để nói lên tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân.

Mọi chuyện bắt đầy bên lề của một buổi sự kiện.

Sau các bài phát biểu, em Đan tự tin bước tới nói chuyện với ông John, lúc đó là Tổng Thanh tra tài chính, về buổi hội thảo mà em muốn tổ chức vì lợi ích cho thanh thiếu niên và ngỏ ý mời ông John tới phát biểu phỏng vấn.

Ông Chiang nói đây là một ‎‎sáng kiến tốt và giới thiệu em qua nhân viên tháp tùng để thu xếp.

Việc tìm kiếm và nối lại liên lạc phải làm lại từ đầu với rất nhiều cuộc gọi và email, sau khi ông John đắc cử Bộ trưởng Tài chính.

Tuy nhiên cuối cùng ông John đã bay sang từ Sacramento đến quận Cam nơi có ngôi trường của Đan. Đan đã có một cuộc phỏng vấn lý thú với ông John trước 700 khán giả.

Ông Lưỡng đến Mỹ năm 1981 khi chỉ mới là học sinh lớp Sáu. Sau đó, ông theo học ngành kỹ sư để nhanh ra trường, và tốt nghiệp với giải thưởng chỉ có 1% sinh viên ở đó có được.

Ông cho rằng đầu tư đáng giá nhất là thời gian dành cho con, vì thế, vợ ông là cô giáo đã chuyển sang chăm lo gia đình, có Đan và em gái.

"Trẻ phải cọ sát với thực tế, chạm mặt với thử thách và không nản với thất bại, để có được thành công thực sự", ông Lưỡng cho hay.

Ông nói ông hướng cho con mình gia nhập Hướng đạo sinh vì kim chỉ nam của Hướng đạo sinh biểu hiện tầm quan trọng của việc "học tập bằng phương pháp thực hành".

Các nhóm nhỏ xây dựng sự đoàn kết, hữu nghị; nhấn mạnh về phẩm chất đáng tin cậy và danh dự cá nhân; giúp phát triển tinh thần trách nhiệm, sự tự tin.

Đây là những đức tính giúp ích trong việc hợp tác và làm lãnh đạo. Nhờ thế, hội viên có thể giảm bớt tính chất nổi loạn của tuổi thiếu niên trong quá trình hình thành bản ngã.

Theo K.M

Cùng chuyên mục
XEM