Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Chỉ nên để nhân viên làm việc từ 8 -10 tiếng/ngày

08/11/2012 15:17 PM |

"Một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt Nam phá sản nhiều như hiện tại là do sự phát triển lan man, bừa bãi mà thiếu đi chiến lược căn bản về nhân lực..."

Chia sẻ về chiến lược quản trị nhân sự, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã có nhiều lời khuyên quý báu với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thưa ông, vì sao trong khi nhiều doanh nghiệp trong khối ASEAN vẫn có sự tăng trưởng, thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp phá sản trong bối cảnh hiện tại?

Một trong những nguyên nhân lớn là do chất lượng cộng đồng DN, lãnh đạo DN của chúng ta còn nhiều vấn đề. Thêm vào đó là vấn đề trong vai trò quản lý vĩ mô của nhà quản lý cùng thể chế, chính sách và cách làm việc thiếu tính đột phá,

Ba vấn đề này, nếu xét riêng về góc độ DN thì một phần không nhỏ là do chúng ta cũng tham lam, lan man, làm bừa bãi,… đủ thứ. Vì vậy, DN cần ngồi nhìn nhận lại, chúng ta làm thế nào, chúng ta đã đóng góp được gì?

Nhiều DNVN cứ dựa vào cơ chế chính sách này, cơ chế chính sách khác, thấy chỗ nào lãi thì làm nhanh rồi rút về, mà thiếu đi những chiến lược, bài bản. Dễ thấy ở Việt Nam các DN kinh doanh vài ba năm lại chuyển hướng sang đầu tư lĩnh vực khác, chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản.

DN hiện đang phá sản nhiều, nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn khi liên tục thuyên chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác. Do đó, họ phải có chiến lược về nhân sự phù hợp. DN nếu không có chiến lược tìm ra nhân sự tốt, giữ nhân sự tốt thì sẽ khó phát triển ổn định.

Công ty ông có chiến lược thế nào để thu hút nguồn nhân lực?

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp cần rõ ràng trong chiến lược nhân sự. Những người tài giỏi đều có nhu cầu phát triển, thậm chí để trở thành chủ

Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát 80% nhân viên ở công ty và nhận thấy môi trường lao động mới là nguyên nhân quan trọng khiến nhân viên quyết định đi hay ở. Môi trường lao động bị ảnh hưởng bởi người lãnh đạo, đường hướng lãnh đạo, chương trình đào tạo

Để giữ chân lao động, DN cũng nên hướng mình đi trên mô hình 3 trong 1 như vậy. Đầu tiên là tạo môi trường làm việc nhiều sức ép cạnh tranh. Thứ hai là cam kết về môi trường đào tạo để nhân viên có cơ hội phát triển. Vấn đề cuối cùng là về gia đình. Nhân viên nên có thời gian làm việc lâu nhất cũng chỉ trong khoảng từ 8 -10 tiếng/ngày để họ còn có thời gian giành cho gia đình.

Theo tôi, tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi mức độ cao, miễn là họ phải là người giỏi. Họ phải chứng minh được với nhà tuyển dụng là mình giỏi.

Các DN cần làm gì để phát huy tối đa khả năng của nhân viên?

Bên cạnh việc tạo một môi trường thuận lợi, DN cần có biện pháp để hài hóa các mối quan hệ giữa nhân viên và lãnh đạo.

Ở Việt Nam, các DN nhỏ chủ yếu do các thành viên gia đình nắm quyền. Với DN cỡ vừa thì bao gồm cả gia đình và người ngoài. Còn với những DN lớn, các công ty công chúng thì theo tôi 100% phải là người ngoài và hoạt động đúng minh bạch. Nhân viên phải đối xử công bằng và dài hạn, phải có hợp đồng chặt chẽ với những điều khoản làm việc lâu dài như 5 năm, 10 năm,.. sẽ được đối đãi như thế nào.

Bản thân các DN sau mỗi 3 năm nên tiến hành tái cấu trúc, bởi đấy là quãng thời gian mà con người còn phải thay đổi nữa chứ đừng nói đến DN. Một người lãnh đạo không tỉnh táo trong điều hành cũng cần phải nhanh chóng thay người khác. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn.

Tình hình hiện tại cũng giống như thời tiết đột ngột thay đổi, có người đổ bệnh, có người không. Họ không bệnh là nhờ thường xuyên rèn luyện sức chịu đựng. Tương tự, doanh nghiệp không đổ lỗi, xem xét lại mình và quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực hơn.

Quốc Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM