Charlie Munger: Khác biệt và ngược đời
Tỷ phú Charlie Munger hiện đã bước vào tuổi 91 nhưng vẫn chưa hề có ý định về hưu mặc dù chỉ nhận 100.000 USD một năm cho công việc này. Bởi giống như ông bạn già Buffett, Munger là một người nghiện việc và chỉ về hưu thật sư sau khi mất được 5 năm.
Nội dung nổi bật:
- Charlie Munger đang là phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway và hiện cũng là một trong những tỷ phú thế giới.
- Khi còn trẻ, ông hành nghề luật sư khá thành công, nhưng dưới sự tác động của người bạn thân là Buffett, Munger bắt đầu đổi nghề thành đầu tư.
- Phương châm sống của ông là khác biệt và luôn nghịch đảo.
Sau ba năm học đại học và một thời gian trong triến tranh theo đuổi ngành khí tượng, Munger đến học tại trường luật Harvard trong khi vẫn chưa có bằng cử nhân. Những người bạn cùng lớp nhận xét ông là một người thông minh nhưng cũng rất ngoan cố.
Có lần bị một giáo sư gọi lên bảng khi chưa chuẩn bị bài, Munger đã mạnh dạn phản pháo: “Em chưa đọc trường hợp này, nhưng nếu thầy cho em các dữ liệu, em sẽ đưa ra bộ luật phù hợp". Sau khi lấy bằng cử nhân luật tại Harvard, ông thành lập hãng luật Tolles&Hill tại Los Angeles.
Về mặt hình thể, Munger không có vẻ ngoài ưa nhìn và bóng bẩy cho lắm. Khuôn mặt của ông nhỏ, nước da xanh xao với cặp kính dày cộp. Mặc dù có vẻ hơi hợm hĩnh và hay chỉ trích người khác nhưng ông lại ý thức rất sâu sắc về đạo đức. Phẩm chất từ tính cách này của Munger ảnh hưởng lớn bởi tinh thần đạo đức từ các cách ngôn của Benjamin Franklin.
Sự ảnh hưởng này mạnh mẽ đến mức Munger cho rằng các câu nói của Franklin còn đáng giá và quan trọng hơn những điều được dạy trong các trường kinh doanh. Ngoài ra, ông có nét thông minh rất giống sự tự tin và niềm lạc quan trước cuộc sống của Churchill (một vĩ nhân và là vị anh hùng dân tộc của nước Anh).
Một lần nọ, ông được hỏi xã giao là có biết chơi đàn dương cầm không thì ông đáp lại thẳng thắn: “Tôi không biết mà cũng không bao giờ muốn thử.” Sự độc lập trong trí tuệ và tinh thần của ông là điều mà người những người bạn luôn ngưỡng mộ.
“Tôi có một niềm khao khát lớn lao là trở nên giàu có. Không phải vì muốn sở hữu những chiếc Ferrari xa xỉ, mà là mong muốn cháy bỏng có được sự độc lập. Thật là không đứng đắn khi để người khác trả các hóa đơn cho mình.” Munger nói.
Vì thế, dù gia đình có điều kiện, nhưng Munger từ chối sự trợ cấp này. Do đó, ông tự đẩy mình vào sự nghèo khó thời sinh viên chỉ để rèn giũa bản năng sống độc lập.
Bên cạnh đó, ông còn là một nhà tâm lý học và nghiên cứu cả môn khoa học hành vi. Theo ông, để chiến thắng trên thị trường chứng khoán thì một hệ thần kinh vững vàng sẽ giúp ích hơn một cái đầu thông minh.
Cách để ông tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống là luôn đặt ra câu hỏi: điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Và cách tiếp cận này đặc biệt hữu dụng với các nhà đầu tư. Ông rất thích trích dẫn câu nói của nhà toán học Carl Jacobi: “Nghịch đảo, luôn luôn nghịch đảo”.
Khi được mời lên phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp trung học phổ thông. Thay vì đọc một bài thuyết giảng về những phẩm chất có thể dẫn dắt con người ta đến hạnh phúc, Munger lại nói về những thứ sẽ đảm bảo để sống cả đời trong đau khổ.
Một lần, trong chuyến thám hiểm ở rừng nhiệt đới ở Australia, trong khi chiếc xe jeep của đoàn chồm lên chồm xuống giữa rừng thì Munger vẫn đang chăm chú đọc một cuốn sách khó hiểu về môn cổ sinh vật. Để rồi đêm hôm đó, ông thuyết giảng những gì ông mới khám phá ra. “Những câu chuyện từ trên trời rơi xuống, đại loại như làm thế nào mà khủng long tiến hóa được thành chim.” Một người bạn nói.
Vậy đấy, ông vẫn luôn khác biệt và ngược đời như thế.
Cuộc gặp gỡ với Warren Buffett
Sau khi rời Harvard, Munger hành nghề tại Los Angeles và đến năm 1959, ông quay trở lại quê hương Omaha để đóng cửa văn phòng luật sư của bố mình. Vì thế, một người góp vốn vào quỹ của Buffett, do quý mến Munger nên đã mời ông và Buffett dùng bữa trưa tại một câu lạc bộ tại Omaha dành riêng cho những người giàu có. Cả hai bắt đầu làm quen và trở nên ăn ý với nhau.
Munger hỏi: “Buffett này, công việc của anh là gì? ”. “À, tôi có một quỹ đầu tư.” Buffett trả lời. Munger nói tiếp: “Có lẽ tôi cũng có thể làm thế tại Los Angeles đấy nhỉ.” Buffett nhìn chăm chú vào ông và nói: “Tất nhiên rồi. Tôi nghĩ là anh có thể.”
Tối hôm sau, cả hai lại tụ họp tại nhà một người bạn chung và nói chuyện say sưa. Munger chỉ dùng cùng một loại đồ uống trong suốt cả buổi tối. Ông chăm chú vào cuộc nói chuyện đến nỗi mỗi khi nhấc ly lên và nghiêng đầu để uống một ngụm, ông đều giơ tay lên ra dấu tạm dừng để những người khác chờ mình.
Không giống như rất nhiều người bạn khác, mà chắc chắn điều này chính là lực hấp dẫn kéo cả hai thân thiết hơn, đó là Munger không “kính sợ” trước tài năng của người bạn Buffett. Chính Buffett là người đã thúc giục và giúp đỡ Munger đổi nghề luật sư sang đầu tư. “Hành nghề luật sư là một sự phí phạm tài năng”, Buffett liên tục nói với Munger.
Dưới sự tác động đó, Munger đã thành lập quỹ đầu tư Wheeler Munger năm 1962 – công ty đầu tư có trụ sở tại một văn phòng ở vị trí tiện lợi nhưng luôn trong tình trạng đổ nát với các đường ống vung vãi trên gác lửng của sở giao dịch chứng khoán Thái Bình Dương.
Kể từ khi thành lập cho đến lúc sáp nhập vào công ty Berkshire Hathaway năm 1975, quỹ đầu tư của ông tăng trưởng với tỷ suất gộp hằng năm là 19,8%. Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số Dow jones chỉ có được 5%.
Phương pháp đầu tư của ông trái ngược với thuyết đầu tư giá trị. Ông thà rằng mua một doanh nghiệp tốt với mức giá vừa phải còn hơn là trả một mức giá rẻ để sở hữu một công ty đang gặp nhiều vấn đề.