Chàng trai Việt ở 'phố nhà nghèo' vào Đại học Yale

23/12/2013 18:03 PM |

George Huynh (17 tuổi), một cậu bé người Việt lớn lên từ khu thu nhập thấp Dorchester (vùng ven Boston, Mỹ), vừa được nhận vào Trường đại học Yale danh tiếng thế giới.

Nội dung nổi bật:

- George và Johnny Huynh có cha mẹ đều là người Việt Nam nhưng ly dị đã lâu, cha tự vẫn, mẹ bị tâm thần, cả hai sinh sống trong một căn hộ nhỏ xíu ở Dorchester, là nơi chìm trong tệ nạn, 85% trẻ em không có đầy đủ cha mẹ, hầu hết đều không đi học và sa vào nghiện ngập, trộm cắp.

Hai anh em Huynh đều là những học sinh giỏi nhất trong lớp của mình, đơn giản vì đó là cách duy nhất để nhận được các hỗ trợ tài chính duy trì việc học. Ngoài giờ học, Johnny và George còn là gia sư cho các trẻ em người Việt khác để kiếm thêm tiền.



* Trường đại học Yale nằm trong nhóm trường đại học Ivy League cùng với Harvard, Princeton...

Đó là thông tin đã được đưa lên khá nhiều trang báo nước Mỹ và cả các trang mạng xã hội những ngày qua, vì đằng sau đó là cả một quá trình nỗ lực, vượt khó đầy phi thường của George và anh trai.

Năm ngoái, anh trai của George, Johnny Huynh (19 tuổi), cũng đã được nhận vào Trường đại học Massachusetts Amherst (top 40 trường đại học công lập tại Mỹ - theo U.S. News & World Report’s Best Colleges 2014).

Sinh ra và lớn lên ở Dorchester, bang Massachusetts, Johnny và George có cha mẹ đều là người Việt Nam nhưng ly dị đã lâu.

Năm 2008, các em nhận được tin báo cha đã nhảy xuống sông tự vẫn, còn mẹ mắc chứng bệnh tâm thần. Bà không nói được tiếng Anh, không thể giao tiếp với ngay cả các con mình và dĩ nhiên không thể tìm được việc làm. Thu nhập hằng tháng của gia đình chỉ ở mức khoảng 1.200 USD, dựa vào các khoản trợ cấp xã hội.

Còn khu vực sống của các em, Dorchester, chìm trong tệ nạn, 85% trẻ em không có đầy đủ cha mẹ, hầu hết đều không đi học và sa vào nghiện ngập, trộm cắp.

“Với kinh nghiệm 30 năm làm việc với những đứa trẻ ở đây, tôi biết rằng George và Johnny đều đang sống trên mép vực và có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào” - Emmett Folgert, đại diện Hiệp hội Dorchester Youth Collaborative, người đã hỗ trợ các em nhiều nhất, cho biết.

Tuy nhiên, khác với mọi đứa trẻ ở đây, hai anh em đã tự ý thức rất sớm rằng “giáo dục là nền tảng để có cuộc sống tốt hơn” - Johnny cho biết.

Để duy trì việc học, cả hai tự mình xoay xở lấy tất cả mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ đến học hành trong căn hộ nhỏ xíu của mình, nơi từng là một nhà kho. Mỗi ngày, cả hai thức dậy từ lúc 6g và đón xe buýt đến Trường trung học Boston Latin tại Boston.

Đây là trường trung học lâu đời nhất nước Mỹ với chương trình học chất lượng cao và đòi hỏi học sinh phải vô cùng nỗ lực. Vậy mà cả hai đều là những học sinh giỏi nhất trong lớp của mình, đơn giản vì đó là cách duy nhất giúp các em có thể nhận được các hỗ trợ tài chính để duy trì việc học.

Ngoài giờ học, Johnny và George còn là gia sư cho các trẻ em người Việt khác trong vùng để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngày nào cũng trở về lúc tối khuya, rồi thức làm bài đến 2g-3g sáng nên việc phải tự mình thức dậy vào lúc 6g sáng mỗi ngày thật sự là một thử thách lớn đối với cả hai anh em. Tuy nhiên, khát vọng học tập để thay đổi cuộc đời chưa bao giờ tắt đi đối với cả George và Johnny.

“Ước mơ của em là có thể vào một trường đại học tốt, không phải phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hằng tháng nữa và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn” - George cho biết.

Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những phóng viên đầu tiên viết bài về hai anh em cách đây hai năm - đã viết trên Twitter của mình: “Tôi đã khóc khi nhận được tin nhắn của George báo em đã được nhận vào Yale. Bạn thấy đó, vấn đề không nằm ở chỗ bạn từ đâu đến, mà là bạn sẽ tiến xa được đến đâu”.


Theo ĐOÀN BẢO CHÂU 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM