Cậu bé gốc Việt bán thạch đen trở thành tỷ phú nổi tiếng khắp nước Lào

23/04/2013 09:51 AM |

Từ một cậu bé bán thạch đen (loại thực phẩm giải khát chế biến từ rong câu), giờ đây anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt và nổi tiếng khắp vùng Savannakhet (Lào). Anh được nhiều người nể trọng không chỉ vì tài làm kinh tế mà còn nhờ tấm lòng đối với cộng đồng.

Anh tên Lê Văn Sơn, nhưng cả vùng Savannakhet ít ai biết đến cái tên đó, người ta gọi anh là ông Ký (tên thường gọi của anh). Người dân ở đây kể, anh Ký giàu lắm.

Hiện anh là Tổng giám đốc của tập đoàn BMM GROUP, chuyên xây dựng những công trình lớn và sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm hạng sang trong cả nước.

“Ở Viêng Chăn, ông Ký có nhiều trung tâm thương mại lớn. Cả vùng, cả nước này ai cũng biết tên ông. Nhưng hình dáng ông ra sao thì ít ai biết. Ông ít khi ở nhà mà đi khắp nơi, tỉnh này sang tỉnh khác, nước này sang nước nọ”, chị Lê Thị Xuân, một Việt kiều ở đây, nói.

Với những thông tin ấy, chúng tôi nghĩ hẹn gặp anh chắc không dễ. Thế nhưng, ngay sau khi liên lạc anh đã vui vẻ nhận lời và hẹn chúng tôi tại phòng làm việc. Anh kể, gia đình anh cũng như bao nhiêu người Việt mưu sinh ở Lào những năm sau khi đất nước Lào giải phóng, đời sống cơ cực, kiếm được cái ăn qua ngày là phúc đức rồi. Giàu sang là cái gì đó còn quá xa vời.

Sinh ra ở thành phố Pakse (tỉnh Champasak), nhưng từ nhỏ anh đã cùng gia đình mưu sinh khắp nẻo, từ Pakse đến Savannakhet, đến Viêng Chăn, bữa no, bữa đói. Có một mùa hè, trời nóng lắm, nên mẹ anh nấu rất nhiều thạch để bán. Anh đi học về, ăn chút cơm rồi vội vàng mang thạch đi bán rong.

Do mới chuyển nhà đến nơi mới nên chưa thuộc đường, anh mải đi, mải bán, đến khi hết thạch thì không còn biết đường để quay về. Anh nhớ lại nhà ở gần chiếc cầu gỗ. Khi học bài thỉnh thoảng nghe tiếng chuông chùa.

Theo mô tả đó, anh có thể hỏi được đường về. Đi bộ suốt một ngày, chân tay mỏi mệt, anh không còn lê bước nổi nên đã liều bắt xe tuk tuk để về. Thế là chiều đó, toàn bộ tiền bán thạch anh phải trả tiền xe.

“Trong ký ức tôi ngày đó, sung sướng nhất là có một bữa ăn ngon. Nhà đông chị em, ai cũng phải nghỉ học sớm để kiếm sống. Từ nhỏ đến lớn, tôi ít khi làm thuê, chỉ buôn bán. Tôi nghĩ thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Tôi buôn bán đủ thứ, đồ ăn, đồ uống đến vải vóc, vật liệu... Về sau, khi đã có vốn liếng thì tôi mới chuyển sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn và xây dựng các trung tâm mua sắm hơn chục năm nay”, anh Ký nói.

Nhiều năm qua, năm nào anh cũng nhận bằng khen của Chính phủ Lào và Việt Nam. Nhiều năm liên tục, anh được Bộ Ngoại giao Việt Nam trao tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong các hoạt động từ thiện xã hội. Với những đóng góp to lớn cho kinh tế của địa phương, anh được Nhà nước Lào trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng 2 và một Huân chương Lao động hạng 3. Năm nào anh cũng dành hàng tỉ đồng để làm từ thiện.

“Cuộc đời này công bằng lắm, có cho mới có nhận. Tôi là người theo Phật giáo nên tôi tin vào nhân quả. Tôi từng đọc cuốn sách Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử của Joe Vitale.

Theo Joe Vitale, bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là đem tiền cho người khác và tất nhiên khi cho đi thì đừng bao giờ mong nhận lại thì ta sẽ được nhận gấp bội. Người ta vẫn nói: Điều oái ăm là nếu bạn không muốn liều mất cái gì thì bạn còn mất nhiều hơn. Con ong được ca tụng vì nó làm việc không phải cho chính mình mà cho tất cả”, anh Sơn chia sẻ.

Theo Tuyết Khoa

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM