Chân dung doanh nhân Hoàng Khải, vị giám khảo quyền lực của MasterChef

07/01/2016 08:42 AM |

Với nụ cười luôn nở trên môi, ông Khải có phong cách của một nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí hơn là một doanh nhân đĩnh đạc, thành công.

Nếu là người đam mê ẩm thực và thường theo dõi cuộc thi MasterChef chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nhận ra gương mặt vị giám khảo kiêm doanh nhân Hoàng Khải. Với nụ cười luôn nở trên môi, ông Khải có phong cách của một nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí hơn là một doanh nhân thuần túy.

Chàng trai bỏ học Nhạc viện theo nghiệp kinh doanh

Hiếm người biết vị giám khảo khó tính Hoàng Khải của MasterChef vốn là chàng trai Hà Nội gốc. Gia đình ông Khải từng sống tại phố Hàng Gai, nay cũng là nơi đặt chi nhánh của tập đoàn Khải Silk.

Vốn là con trai cả trong gia đình 3 anh em trai, ông Khải sớm phụ giúp bố mẹ, chuyển việc kinh doanh của gia đình từ cửa hàng thêu thành cửa hàng chuyên bán hàng lưu niệm làm từ tơ lụa cho khách du lịch khi đến Hà Nội.

Trong một dịp được ra nước ngoài, thấy được sự phát triển của các nước như Thái Lan, Singapore, ông Khải muốn xây dựng cửa hàng tơ lụa của gia đình trở nên bài bản, sang trọng.

Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Là người đi tiên phong, Khải Silk nhanh chóng gặt hái thành công kéo theo sự phát triển khu phố Hàng Gai, Hàng Bông thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội.

Định vị theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng.

Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao nhắm tới khách du lịch có tiền. Khải Silk trở thành một trong những thương hiệu có tên tuổi tại Hà Nội.


Cửa hàng KHAISILK tại INTERCONTINENTAL SUN PENINSULA DANANG

Cửa hàng KHAISILK tại INTERCONTINENTAL SUN PENINSULA DANANG

Từ tơ lụa đến kinh doanh bất động sản, nhà hàng cao cấp

Thương hiệu Khải Silk thành công trên thị trường tơ lụa cao cấp giúp ông Khải tích lũy vốn và bắt đầu mua bất động sản tại Hà Nội và những nơi khác.

Vị doanh nhân này khá có duyên trong việc kinh doanh bất động sản khi đầu tư vào một trong những resort nghỉ dưỡng cao cấp tại Hội An vào những năm cuối thập niên 90 là Hội An Riverside Resort. Vài năm sau, ông Khải bán lại và thu lời khi khách sạn này kinh doanh thành công.

Năm 2000, ông chủ Khải Silk quyết định Nam tiến khi chuyển hoạt động kinh doanh vào Tp.Hồ Chí Minh. Tiếp tục đầu tư vào bất động sản, ông Khải sớm nhìn thấy tiềm năng của khu Phú Mỹ Hưng. Bằng vốn tích lũy khi còn ở Hà Nội, ông Khải bắt đầu mua đi bán lại hàng chục căn hộ tại khu đô thị này và kiếm bộn tiền khi thị trường bất động sản đạt đỉnh cao giai đoạn 2006-2007.

Từ đầu tư bất động sản, ông Khải bắt đầu mở rộng sang đầu tư nhà hàng cao cấp khi đi ra các nước và nhận thấy Việt Nam lúc bấy giờ chưa có nhà hàng nào thực sự đẳng cấp. Nhà hàng cao cấp đầu tiên do Hoàng Khải xây dựng là Au Menoir de Khai trên đường Điện Biên Phủ mặc dù rất đẹp nhưng phải đến 2-3 năm sau mới có khách.

Trên cơ sở mối quan hệ kinh doanh vốn có với khu đô thị Phú Mỹ Hưng trước đây, ông Khải thuyết phục ban lãnh đạo cho thuê mặt đất với giá thấp để xây dựng nhà hàng cao cấp tại đây.

Cũng với định vị cao cấp, phía Phú Mỹ Hưng hợp tác cùng Hoàng Khải và nhà hàng phong cách Trung Quốc Ming Dynasty được hình thành. Tiếp theo đó là biệt thự theo kiến trúc hồi giáo mà doanh nhân này thường gọi là “Lâu đài” Tajmasagon cũng được mọc lên sừng sững tại khu đô thị này.


“Lâu đài” Tajmasagon tại Phú Mỹ Hưng.

“Lâu đài” Tajmasagon tại Phú Mỹ Hưng.

Ngoài 2 nhà hàng kể trên, tập đoàn này còn sở hữu những nhà hàng cao cấp khác như Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam, Cham Charm, Trois Pommes chuyên ẩm thực Pháp, Tao lI chuyên về hải sản, London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café.

Bên cạnh kinh doanh nhà hàng, tơ lụa truyền thống với thương hiệu Khaisilk, tập đoàn Khải Silk còn khai thác TajmaSago làm resort và sở hữu một trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon.

Ứng biến khi thời thế kinh doanh bất lợi

Nổi tiếng là giám khảo khó tính trong chương trình MasterChef, ông Hoàng Khải còn được biết đến là người chặt chẽ và kỹ càng khi đích thân ông thiết kế từ sản phẩm tơ lụa của Khải Silk cho đến kiến trúc những nhà hàng sang trọng của mình.

Có thông tin cho biết để trang trí cho nhà hàng Ming Dynasty tại Phú Mỹ Hưng, ông Khải dành tới 3 tháng tại Trung Quốc để sưu tầm đồ nghệ thuật, vật phẩm văn hóa và nhập về Việt Nam chỉ để trang trí nội thất.

Việc quen biết rộng trong giới giải trí cũng giúp ông Khải quảng bá thương hiệu cao cấp của chuỗi nhà hàng, khách sạn và thương hiệu thời trang của mình. Lâu đài TajmaSago trở thành nơi gặp mặt quen thuộc của những ngôi sao trong giới này.

Ngay từ khi theo nghiệp kinh doanh, ông Hoàng Khải đã định hướng đi theo phân khúc cao cấp, hạng sang tuy nhiên sóng gió thị trường trong những năm gần đây cũng khiến Khải Silk thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi.

Vài năm gần đây, không khó để tìm mua những voucher của những nhà hàng cao cấp của Khải Silk như Cham Charm, Tajmasago hay Khai’Brothers tại các trang web như Nhóm mua hay Hotdeal.

Theo chia sẻ của ông Khải, đây là kiểu kinh doanh “bán vé 3 khoang” nhằm tạo phân khúc để ai cũng có cơ hội ngay cả những người đang tiết kiệm tiền mà muốn vào một nhà hàng sang cũng có thể vào được.


Voucher Khai’Brothers tại Nhóm mua.

Voucher Khai’Brothers tại Nhóm mua.

Trả lời câu hỏi đặt ra liệu điều này có khiến thương hiệu Khải Silk bị “hạ giá”, ông Khải cho rằng điều đó cũng tốt, khi kinh tế tốt hơn, họ sẽ quay trở lại và đây cũng là giải pháp giúp tập đoàn vượt qua khó khăn.

Ngoài ra vị doanh nhân này cũng cho rằng thị trường cao cấp không phải là bán rẻ đi thì sẽ mất chỗ đứng. Mà thực tế những thứ nhỏ nhất là kinh doanh có lời nhất, còn với những cái lớn là để làm thương hiệu.

Khi được hỏi liệu có phải là người cầu toàn, vị giám khảo MasterChef cho rằng ông chỉ là người thiết kế cho cuộc sống. “Tôi muốn mang cái đẹp, cái hay để làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Cầu toàn chỉ là một mức độ chật hẹp. Nếu như tôi cầu toàn, chắc hẳn cuộc sống của nhân viên, gia đình tôi cũng sẽ cảm thấy bị bó buộc!”, ông Khải từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM