CEO KOVA Trading: Tôi sẽ đưa sơn do gia đình mình làm ra chinh phục thế giới

10/07/2015 08:54 AM | Nhân vật

Nguyễn Duy – CEO KOVA Trading là doanh nhân 8X thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Tập đoàn sơn KOVA.

Nguyễn Duy – CEO Công ty KOVA Trading là doanh nhân 8X thuộc thế hệ thứ 3 của gia đình sáng lập ra Tập đoàn sơn KOVA.

Thương hiệu KOVA bắt nguồn từ việc bà của Nguyễn Duy đồng thời là người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA là PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM từng đoạt giải Kovalevskaya tại Mỹ (năm 1992) và nằm trong top 1.000 phụ nữ được đề cử giải Nobel hòa bình (năm 2005).

Sau 22 năm hình thành và phát triển, KOVA hiện có 13 công ty thành viên tại Việt Nam, Malaysia và Singapore.

Nguyễn Duy cho biết sứ mệnh của anh là làm sao hai chữ “KOVA” trở nên quen thuộc hơn nữa với người tiêu dùng Việt Nam và đưa sản phẩm do gia đình mình làm ra đi chinh phục thế giới.

Sơn KOVA là thương hiệu 100% “Made in Việt Nam” ra đời từ khá lâu và được nhiều chủ đầu tư, chuyên gia xây dựng, nhà thầu tin dùng nhưng dường như người tiêu dùng Việt Nam lại có khá ít thông tin về công ty?

Nguyễn Duy: Tập đoàn Sơn KOVA ra đời từ một phòng thí nghiệm nhỏ ở ĐH Bách Khoa TP.HCM. Sau hơn 22 năm phát triển, hiện chúng tôi đã có tổng cộng 13 công ty thành viên trên 5 nước với nhiều dòng sơn rất đa dạng như: sơn trang trí, sơn giao thông, sơn công nghiệp, sơn kim loại,…

Nói ra cũng có chút “chạnh lòng” khi mà KOVA đã ra đời hơn 20 năm, nhưng xét về tính đại chúng, thương hiệu KOVA vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên trong thực tế, các sản phẩm sơn và chống thấm của chúng tôi đã đi khắp vùng miền Việt Nam và cũng rất thành công ở Singapore từ nhiều năm về trước, dù khá là “lặng lẽ” và không hề “khua chiêng múa trống”.

Điều này một phần cũng là do ngay từ lúc sáng lập, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA đã xác định nghiên cứu khoa học là thế mạnh của KOVA và cạnh tranh với những thương hiệu ngoại khác bằng chính những sản phẩm công nghệ cao. Xã hội cần gì, chúng tôi đáp ứng nấy, thậm chí còn giải quyết tốt hơn những gì được mong đợi, ví dụ như hàng loạt các dòng sơn NANOPrô từ vỏ trấu gần đây như: sơn chống cháy, sơn kháng khuẩn, sơn tự làm sạch, sơn chống thấm,… đều xuất phát từ những bài toán thực tế, từ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng. 

Chính vì tập trung vào R&D, không đầu tư vào quảng bá thương hiệu nên có nhiều người còn lầm tưởng KOVA là của nước ngoài.

Định hướng phát triển của sơn KOVA tại Việt Nam và thị trường nước ngoài trong tương lai? KOVA có e ngại khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam?

Khi chúng tôi kể về câu chuyện thành công của KOVA tại Singapore, rất nhiều người bất ngờ và ngạc nhiên vì sao một thương hiệu thuần Việt không hề đình đám lại có thể vào được một thị trường “khó nhằn” như Singapore.

Tính từ những ngày đầu tiên phải chật vật thuyết phục, đợi chờ kiểm nghiệm, đến nay đã gần chục năm, khá là tự hào vì sơn KOVA đã “phủ áo” cho không chỉ một vài mà rất nhiều dự án lớn mang tính biểu tượng tại Singapore như: Trung tâm thương mại Vivo City, tầng hầm của hệ thống tàu điện ngầm MRT, các trường học, bệnh viện, chung cư, nhà máy,...  

Nói như thế để thấy rằng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế hội nhập, sẵn sàng gia nhập những “cuộc chơi” lớn từ rất lâu, chứ không phải chờ đến giai đoạn nhiều hiệp định thương mại như hiện nay đã và sắp được ký kết.

Lý do mà KOVA kiên quyết chinh phục thị trường ngoại cũng một phần vì “tự ái dân tộc”, muốn thay đổi suy nghĩ của nhiều người là Việt Nam chưa làm được nhiều sản phẩm công nghệ cao, chỉ quanh quẩn các hàng thủ công mỹ nghệ. Sau thành công ở Singapore và Malaysia, hiện chúng tôi đã bắt đầu xúc tiến đưa sơn KOVA vào thị trường châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Kết quả làm việc bước đầu với các bên rất khả quan.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống giảng dạy và nghiên cứu khoa học, khi chọn học ngành kinh doanh anh có nhận được sự ủng hộ của gia đình? 

Mặc dù sinh trưởng trong gia đình đều bắt nguồn là nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà giáo, cả bà, ba mẹ và các bác đều từng là giảng viên của các trường đại học, tuy nhiên lúc tôi bắt đầu nhận thức được công việc gia đình đang làm cũng là lúc gia đình tôi đã chuyển sang kinh doanh thuần tuý. Chỉ khác, họ kinh doanh với triết lí của nhà khoa học.

Ngay từ lúc nhỏ tôi có đặt câu hỏi cho cha tôi là tôi nên tiếp nối truyền thống của gia đình đi theo con đường kỹ thuật hay học kinh doanh, hoặc học cả hai? Cha tôi bảo con nên theo nghiệp kinh doanh, không biết là vì cha tôi thấy được tôi phù hợp hay biết đó là cái gia đình cần. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay tôi vẫn cho là tôi đã đúng khi theo nghiệp kinh doanh. Tôi đã, đang sống và thở cùng nó.

Đảm nhận những vai trò điều hành ở tập đoàn KOVA khi còn rất trẻ, anh có thể chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm của mình? 

Tuy cũng là mô hình công ty gia đình, nhưng KOVA khác biệt ở chỗ những thành viên trong gia đình không chỉ đảm nhiệm vai trò quản lý mà còn chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu sản phẩm. Nói như vậy để thấy rằng đây là tâm huyết của gia đình tôi, truyền qua nhiều thế hệ.

Sau 3 năm học Kinh tế - Tài Chính tại Singapore, tôi tiếp tục sang Anh học Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh và trở về nước ngay khi tốt nghiệp năm 2011. Lúc đầu vào công ty, tôi cũng làm việc ở vị trí nhân viên bình thường tại các phòng ban để học hỏi kinh nghiệm và hiểu hơn về hệ thống quản trị của KOVA.

Sau quá trình nghiên cứu kĩ và tham vấn kĩ lưỡng, tôi đề xuất hội đồng quản trị cho thành lập KOVA Trading, công ty thành viên tập trung về mặt phân phối, thương mại cho sản phẩm KOVA tại thị trường miền Nam và thị trường quốc tế. KOVA Trading được kì vọng là điểm đột phá để Tập đoàn sơn KOVA chinh phục thị trường khó tính trên toàn thế giới.

Ai cũng nghĩ là trẻ quá thì sẽ rất khó để quản lý nhưng thật sự là việc điều hành của tôi cũng khá là suôn sẻ. Tôi quan niệm là “trẻ” vừa là cái khó nhưng cũng vừa là thế mạnh. Khi mà bạn trẻ quá, bạn sẽ ít kinh nghiệm và ít sự va vấp trên thương trường, nhưng được cái là bạn hiện đang có nhiều năng lượng mới và ý tưởng mới, điều mà tôi nghĩ là khá là cần thiết tại KOVA. Ở KOVA Trading, tôi đã và đang thu hút nhân tài ở nhiều mảng khác nhau, xây dựng mô hình quản trị mới và tổ chức họ thành một cỗ máy để khi không có mặt tôi thì hệ thống vẫn có thể vận hành tốt.

Ngoài mục tiêu cố gắng đạt kết quả kinh doanh tốt cho công ty, anh có mục tiêu nào khác không?

Tôi ngoài việc hoàn thành chỉ tiêu mà hội đồng quản trị giao phó, còn có thêm mục tiêu là làm sao hai chữ “KOVA” trở nên quen thuộc hơn nữa với người tiêu dùng trong nước. Chúng tôi đã làm được một điều là đưa KOVA đi Đông đi Tây, nhưng để KOVA thành một thương hiệu nhắc đến là người dân Việt Nam ai cũng biết thì còn một chặng đường nữa.

Thế hệ của bà, của bố mẹ và các bác tôi với bao nhiêu khó khăn mà còn có thể tạo ra được những điều phi thường cho KOVA thì không có lý do gì mà thế hệ của tôi lại chùn bước, tôi xem đó là trách nhiệm của mình. Tất nhiên để làm được thì cũng cần thời gian và không ít thử thách.

Từng là du học sinh, anh có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ đi du học đang phân vân giữa việc ở lại nước ngoài làm việc và về nước cống hiến sức mình?

Dù là ở bất cứ nơi đâu, nếu cống hiến được và phát huy được hết năng lực của mình thì bạn đã là người thành công và có ích. Tất nhiên là nếu có cơ hội đem những gì mình đã học được, đóng góp phần nào đó cho chính nơi mình sinh ra thì điều đó sẽ càng ý nghĩa. Hiện tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một “hệ sinh thái” khởi nghiệp cho các bạn trẻ là thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 trong các gia đình doanh nhân để cùng nhau tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội và đất nước.

Cảm ơn anh!

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM