Đào Đức Dũng: CEO 8X, thu nhập 4.000 USD/tháng từ... thời sinh viên
11/10/2013 11:31 AM
|
Nội dung nổi bật:
Đào Đức Dũng (26 tuổi), CEO Trung tâm Tư vấn Đào tạo Phát triển Espeed, từng viết sách, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các trung tâm, học viện đào tạo kĩ năng mềm và đạt thu nhập "khủng" 4.000 USD khi còn là sinh viên. Một số quan điểm của Đào Đức Dũng:
Vì sao người trẻ thất bại: Phần lớn chúng ta thất bại vì chúng ta chưa được đào tạo, rèn luyện đã liều mình... nhảy vào kinh doanh.
Bài học thành công: Hãy từng bước tích lũy nền tảng thật vững, làm từ nhỏ trước để rèn luyện. Nếu bạn chưa có nền tảng vững, chỉ có ý tưởng hoặc một chút nguồn lực ít ỏi thì hãy hợp tác với những người giỏi ở mảng đó.
Đào Đức Dũng được biết đến là một chàng trai đa tài, đạt thu nhập "khủng" 4.000 USD khi vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường. Cho đến thời điểm hiện tại, ở độ tuổi 26, Dũng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các trung tâm, học viện đào tạo kĩ năng mềm.
Họ và tên: Đào Đức Dũng (sinh năm 1987) Tác giả cuốn sách Bí mật của những đại gia sinh viên Những công việc từng trải qua: C.E.O Trung tâm tư vấn đào tạo và phát triển Espeed C.E.O Học viện Doanh nhân châu Á ABA PGĐ đào tạo trung tâm tư vấn và đào tạo FELIX Trưởng phòng đào tạo công ty đào tạo và phát triển Kỹ năng Việt Chủ tịch hệ thống CLB Kỹ năng kinh doanh BSCs tại 9 trường Đại học tại HN |
Xin chào Đào Đức Dũng, công việc hiện tại của bạn đang diễn ra như thế nào?
Hiện tại mình đang giảng dạy cho các doanh nghiệp về “Nghệ thuật sale và bí quyết tái tạo động lực nhân viên”, đồng thời điều hành hoạt động của Trung tâm Tư vấn Đào tạo Phát triển Espeed (ứng dụng kiến thức não bộ để giao tiếp tiếng Anh trôi chảy chỉ trong 3 tháng).
Ngoài ra mình cũng giảng dạy 1 số khóa kĩ năng cho sinh viên tại các trường đại học. Những lúc rảnh rỗi thì mình dành thời gian để viết tập tiếp theo cho cuốn sách của mình.
Công việc hiện tại của mình diễn ra khá suôn sẻ. Mỗi ngày mình dành ra 4 giờ để làm việc, thời gian còn lại là dành cho gia đình, du lịch và khám phá cuộc sống.
Đã từng xuất hiện trên các trang báo với hình ảnh một người trẻ có thu nhập “khủng”, đến 4.000$/tháng. Vậy con số thu nhập ở hiện tại thì thế nào? Bạn có hài lòng với con số này không?
Thực ra thì 4.000$ chỉ là con số lớn khi còn là sinh viên thôi. Bạn có thể có cuộc sống dư dả với thu nhập đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng khi đã thực sự kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp, con số đó thậm chí còn chưa đủ để trả lương nhân viên của trung tâm. Hiện tại các nguồn thu nhập của mình lớn và phong phú hơn rất nhiều từ: cuốn sách “Bí mật của những đại gia sinh viên”, bất động sản, ngoại hối forex và 2 doanh nghiệp, 1 số dự án đầu tư...
Cơ duyên nào đã khiến bạn từ một sinh viên bình thường trở thành một diễn giả chuyên nghiệp?
Trong cuốn sách đầu tay và trên website cá nhân mình cũng chia sẻ về quá trình khởi nghiệp. Xuất thân từ gia đình nghèo, ngay từ khi là sinh viên năm 1, mình đã đặt mục tiêu phải là sinh viên thành đạt và giàu có.
Năm đầu tiên, mình tập bán hàng, kinh doanh, tham gia CLB, học khóa kỹ năng, kinh doanh..., để rồi năm 2 thì lập thành công CLB Kỹ năng kinh doanh SEC ở trường ĐH Bách Khoa HN.
Đầu năm 3, mình và một người bạn tạo ra hệ thống CLB phát triển ở 10 trường ĐH.
Giữa năm 3, mình làm cộng tác viên không lương cho một công ty về kĩ năng. Sau 3 tháng, mình lên làm giảng viên đào tạo, khoảng 2 tháng tiếp theo thì lên làm trưởng phòng đào tạo công ty.
Đầu năm 4, mình làm phó Giám đốc đào tạo cho Trung tâm tư vấn Felix, giữa năm thì mình có cơ hội được sang Singapore để học trực tiếp từ Triệu phú nổi tiếng T-Harv Eker. Khi về nước mình lập đơn vị Học viện Doanh nhân Châu Á ABA và chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ. Sự nghiệp diễn giả có lẽ bắt đầu từ đó.
Được biết, bạn từng bỏ ra cả nghìn đô để tham gia các khóa kĩ năng mềm ở nước ngoài. Chắc hẳn mục tiêu của bạn rất lớn lao, như bạn đã từng nói rằng “Đã làm thì phải làm lớn”?
Mình chưa bao giờ ngại chia sẻ mục tiêu của bản thân. Quan điểm của mình đã không làm thì thôi, nếu đã làm phải làm thật lớn. Mình đã mở thành công Học viện đào tạo các khóa kỹ năng sống cho học sinh, phụ huynh và một trung tâm rèn luyện toàn diện “Tiếng Anh – Kỹ năng – Khởi nghiệp” siêu tốc cho sinh viên. Trong 2 năm tới mình sẽ mở một trung tâm nữa để đào tạo doanh nghiệp.
Khi có ba công ty, mình sẽ là chủ tịch HĐQT tập đoàn đào tạo chuyên nghiệp. 29 tuổi đạt mục tiêu có 1 triệu USD và tự do tài chính. Khi đó, mình bắt đầu mở rộng kinh doanh ở ba mảng giải trí, du lịch và đầu tư để thành lập tập đoàn đa dịch vụ vào năm 35 tuổi. Đó là hướng đi rất rõ ràng, khả thi và cụ thể mà mình vạch ra ngay từ năm cuối đại học.
Có rất nhiều người trẻ tham gia vào các khóa kĩ năng mềm, và không ít trong số họ “đâu lại vào đấy”. Bạn nghĩ sao về các khóa học này?
Thực tế, phần lớn các khóa học kỹ năng mềm ở Việt Nam chỉ hô hào tinh thần và lý thuyết suông. Thế nên sau khi học các khóa kỹ năng, học viên tràn trề năng lượng nhưng rồi... “đâu lại vào đấy”. Kỹ năng sống là những kinh nghiệm, thói quen trong cuộc sống. Chúng chỉ thay đổi khi có những phương pháp đặc biệt tác động đủ mạnh và thay đổi những suy nghĩ, hành động lặp lại trong thời gian dài.
Thật khó tin khi học 2, 3 ngày hay 2, 3 tuần mà học viên thay đổi được. Các chương trình đào tạo chỉ thay đổi những thói quen vô cùng nhỏ, nhưng cũng phải kéo dài 2, 3 tháng luyện tập liên tục. Bởi mình hiểu rằng: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Hiện tại, số lượng người trẻ dấn thân vào khởi nghiệp rất nhiều, tuy nhiên thất bại xảy ra cũng không ít. Theo bạn nguyên nhân chủ yếu là do đâu?
Trong cuốn sách đầu tay của mình, tôi đã giải thích vấn đề này rất kĩ. Phần lớn chúng ta thất bại vì chúng ta chưa được đào tạo, rèn luyện đã liều mình... nhảy vào kinh doanh. Muốn trở thành bác sĩ, bạn phải mất 6 - 10 năm, kỹ sư, kiến trúc sư...cũng tương tư.
Vậy mà các bạn trẻ chưa từng kinh doanh, chưa có kinh nghiệm, chỉ dựa vào chút vốn ít ỏi, ý tưởng nhỏ và tố chất chưa được mài dũa đã tự lập công ty, điều hành doanh nghiệp, mở cửa hàng... nên việc thất bại là hoàn toàn dễ hiểu. Bất cứ điều gì cũng đều có quy trình, bí quyết riêng của nó. Nếu bạn không biết, cũng không chịu học thì thật khó để thành công.
Bạn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn kinh doanh không?
Hãy từng bước tích lũy nền tảng thật vững, bạn có thể tham gia các khóa học kinh doanh, làm CTV cho các công ty trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi hay đi theo những người thầy giỏi để học tập và tích lũy. Còn nếu bạn muốn tự kinh doanh, làm từ nhỏ trước để rèn luyện. Hãy xem việc kinh doanh này là bài học làm giàu đắt giá, dù được hay mất cũng sẽ vô cùng giá trị.
Ngoài ra, có một cách khá hiệu quả mà tôi hay khuyên sinh viên. Nếu bạn chưa có nền tảng vững, chỉ có ý tưởng hoặc một chút nguồn lực ít ỏi thì hãy hợp tác với những người giỏi ở mảng đó, tỉ lệ rủi ro sẽ giảm đi nhiều, đồng thời bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích khi làm việc với những người giỏi. Hãy từng bước chinh phục trò chơi kinh doanh này.
Nhiều người cho rằng, việc đi học ở trường đại học không cần thiết lắm bởi hiện nay có rất nhiều người thành công mà không có bằng đại học. Bạn thấy điều đó đúng chứ?
Quan điểm của mình là: “Học ở đâu không quan trọng, học như thế nào và hiệu quả ra sao mới thực sự quan trọng”. Với mình, bằng đại học là thứ rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bạn có thể không học ở trên trường nhưng nếu tập trung học ở “trường đời”, tích lũy được những kinh nghiệm đắt giá thì điều đó cũng vô cùng giá trị. Bill Gates bỏ học vì ông có một sự nghiệp riêng và cần dành nhiều thời gian hơn để học ở “trường đời”. Còn sinh viên mình chán học, bỏ học phần lớn là vì học... dốt, lười nhác... Thế nên, khi bỏ học ra ngoài kinh doanh, họ vẫn thất bại là vì lẽ đó.
Một điều nữa bạn trẻ cần biết, học ở “trường đời” vui, thực tế, bổ ích hơn nhưng... đau đớn bạn nếm phải cũng khốc liệt hơn rất nhiều. Đó là lý do cả triệu người bỏ học chỉ có vài người như Bill Gates, Steve Jobs. Hàng vạn sinh viên học kém hoặc bỏ học chỉ có một số ít có thu nhập hàng ngàn USD mỗi tháng, số còn lại phải khổ sở “ăn bữa sáng lo bữa tối”. Ở một xã hội coi trọng bằng cấp, nếu tay trắng không năng lực, cũng không có bằng đại học, bạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi, và bỏ lỡ nhiều cơ hội thay đổi cuộc đời mình.
Bạn có phải là một người “nghiện việc”?
Chắc chắn là không! Với mình, công việc là niềm đam mê yêu thích, là một thử thách để chinh phục bản thân và là công cụ hiệu quả để có một cuộc sống mơ ước. Mình không để áp lực công việc làm mất những điều tốt đẹp đó. Một ngày mình chỉ làm việc 3-4 giờ, còn lại thì dành thời gian để tận hưởng cuộc sống và giá trị mà công việc đem lại.
Bạn nghĩ sao về vấn đề xây dựng thương hiệu cá nhân?
Đó là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng xây dựng thương hiệu cá nhân khác hoàn toàn với việc PR, phóng đại về bản thân mình. Hiện nay, khá nhiều bạn trẻ hay “nói quá” thu nhập của mình để xã hội chú ý, tạo công cụ hiệu quả để kinh doanh và phát triển, đó là chiến lược vô cùng sai lầm trong kinh doanh. Nên nhớ, PR, quảng cáo là con dao 2 lưỡi, nó có thể hại bạn khi năng lực, tư chất và trình độ của bạn có hạn.
Nhiều người nói rằng làm CEO rất… cô đơn vì phải lo trăm công ngàn việc. Bạn có bao giờ cảm thấy chán khi công việc quá nhiều?
Thật ra, khi điều hành doanh nghiệp, khối lượng công việc của CEO không nhiều như mọi người tưởng tượng. Nếu biết phân quyền và điều hành hợp lý, CEO sẽ là người nhàn và làm ít nhất công ty. Bằng chứng là hiện nay mình chỉ làm việc vài giờ mỗi ngày cũng đủ để điều hành tất cả các dự án của bản thân.
Bạn làm gì để cân bằng cuộc sống hiện tại của mình?
Mình lập kế hoạch theo tháng, tuần, đồng thời luôn sáng tạo, cải tiến, tìm cách xử lý công việc một cách thông minh nhất để đạt được hiệu quả cao nhất với thời gian ít nhất. Làm hiệu quả chứ không làm nhiều, làm thông minh chứ không làm chăm chỉ.
Cảm ơn bạn! Chúc bạn ngày càng thành công hơn nữa trong cuộc sống và sự nghiệp.
Theo Yến Phượng
Theo Baodatviet.vn
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!