CEO AirAsia: Đừng để ai nói rằng bạn không thể, mọi thứ đều có thể xảy ra
Đừng lắng nghe ai cả. Bạn đang đi đúng hướng và đúng lúc.
Tại diễn đàn kinh doanh thường niên của tạp chí Forbes Việt Nam (Forbes Business Forum 2015), tổ chức ngày 17/8 vừa qua tại TPHCM, ông Tony Fernandes, nhà sáng lập kiêm CEO của Hãng hàng không AirAsia đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry), Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương Tác, TGĐ IDG Ventures Vietnam.
Chúng tôi xin giới thiệu buổi trò chuyện này với phần dịch của Huỳnh Ngân, được đăng trên trang Facebook ông Trần Quốc Khánh – MC/nhà sản xuất các chương trình truyền hình về kinh doanh, khởi nghiệp.
* Nguyễn Bảo Hoàng: Ông hiện sở hữu rất nhiều doanh nghiệp thành công. Đâu là động lực lớn nhất giúp ông đạt được những gì mình đang có?
Tony Fernandes: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng động lực của tôi đến từ những người xung quanh. Bạn biết đấy, tôi luôn thích thử thách cũng như làm mọi thứ khác đi. Và những người xung quanh tôi thực sự là nguồn động lực cũng như thách thức lớn nhất.
Trong những ngày đầu tiếp quản AirAsia, chỉ có khoảng 6% người dân Malaysia sử dụng dịch vụ hàng không. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có một hãng hàng không giá rẻ để đáp ứng cho tất cả mọi người. Thế là tôi đã lên nảy ra câu khẩu hiệu “Now everyone can fly”. Đó là một ý tưởng không tồi.
Tôi từng làm việc trong công ty âm nhạc Time Warner 12 năm. Một lần khi đang ngồi ở tòa nhà 75 Rockefeller Plaza thưởng thức nhạc thì Steve Case - ông chủ hãng AOL đến ngồi cạnh tôi. Ông nói với tôi về một viễn cảnh khác lạ mà những vị sếp của tôi chưa bao giờ đề cập tới. Steve cho tôi một tầm nhìn mới về tương lai. Ngay sau cuộc gặp đó, tôi đã bán đi quyền mua cổ phiếu của mình và nói với sếp của mình rằng tôi sẽ nghỉ việc.
Rồi tôi đến sân bay Luton miền Bắc nước Anh. Rất nhiều người Châu Á ở đây chỉ tốn 6 bảng để bay đến Barcelona, hoặc 4 bảng để đến thủ đô nước Pháp. Tôi đã nhủ thầm: Mình sẽ kinh doanh hàng không giá rẻ. Tôi gọi cho vợ cũ của mình để nói với cô ấy về ý định trên. Cô ấy thốt lên tôi thật điên rồ. Sau đó cô ấy đã ly dị tôi.
* Quản lý một hãng hàng không lớn không hề dễ dàng và gặp rất nhiều rủi ro. Vì sao ông tin rằng mình sẽ thành công? Tình hình Malaysia khi đó tác động đến việc thành lập AirAsia ra sao?
Khi quyết định kinh doanh, tôi đã thuyết phục ba cộng sự cùng bắt tay với mình. Chúng tôi đều làm về âm nhạc và không hề có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này. Nhưng cùng nhau, chúng tôi đã phác thảo nên một kế hoạch kinh doanh khá lý tưởng.
Một ngày khi đang chơi golf, cựu Thủ tướng Malaysia ông Mahathir gợi ý với tôi rằng tôi có thể bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc mua lại một hãng hàng không. Tôi đã đến xem xét tình hình kinh doanh của hãng bay đó và mọi việc không hề khả quan chút nào. Sau đó, những người chủ của AirAsia lúc bấy giờ đến gặp tôi để bàn về việc bán hãng bay của họ. Ông ta hỏi rằng liệu tôi có thể mua lại với giá báo nhiêu? Khi tôi đưa ra mức giá 25 cents, ông ta đồng ý ngay lập tức. Thật khó tin!
Sau khi đạt được thỏa thuận ngày 9/9/2001, ba ngày sau tôi chính thức dấn thân vào môi trường kinh doanh hàng không với nguồn vốn duy nhất là căn nhà đã thế chấp. Công ty bất động sản đã cho tôi thế chấp trong thời hạn ba tháng. Trong thời gian đó, tôi cùng những cộng sự bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực hàng không. Chúng tôi chính thức mua lại công ty vào ngày 8/12/2001.
Thời điểm ban đầu, toàn hãng chỉ có 2 chiếc máy bay cùng 254 nhân viên. Hiện nay chúng tôi đã có hơn 200 chiếc máy bay. Năm đầu tiên hoạt động, chúng tôi phục vụ 200000 hành khách và giờ đây mỗi năm chúng tôi vận chuyển hơn 56 triệu hành khách .
Đối thủ lớn nhất của AirAsia không ai khác chính là hãng hàng không quốc gia Malaysia.
* Tình hình cạnh tranh của hai hãng bay như thế nào thưa ông?
Đó thực sự là một cơn ác mộng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xoay xở được.
* Chuyến bay QZ8501 được xem là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử của AirAsia. Thế nhưng ông đã nhận được sự ca ngợi về cách kiểm soát toàn bộ sự việc. Ông đã chuẩn bị cho việc đó như thế nào?
Trong suốt 14 năm hoạt động, đối mặt với rất nhiều khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai đến bất ổn chính trị, chúng tôi đã tìm được giải pháp đối phó với khủng hoảng. Khi dịch Sars bùng phát, không một ai muốn đi máy bay. Các hãng hàng không lần lượt cắt giảm chi phí quảng cáo. Ngược lại, chúng tôi lại tăng cường quảng cáo lên gấp ba lần, đồng thời giảm giá vé máy bay xuống rất thấp.
Tôi nhận ra rằng giai đoạn khủng hoảng chính là thời điểm tốt nhất để quảng bá một thương hiệu.
Tương tự, một ngày sau vụ đánh bom khủng bố ở Bali, không một ai dám đi máy bay nữa. Tất cả các hãng bay đều cắt chuyến đến Bali. Chủ trương của tôi lúc bấy giờ lại là không hủy một chuyến bay nào cả. Đây là thời điểm mà người dân Bali cần đến chúng tôi nhất. Chúng tôi tung ra 5000 vé máy bay miễn phí và thật bất ngờ là mọi người hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi luôn tự hào là hãng hàng không không hủy chuyến bay.
Chuyến bay QZ8501 là thảm hoạ tồi tệ nhất cuộc đời tôi từ trước tới nay. Tôi còn nhớ rõ đó là ngày chủ nhật và tôi đang cùng các con ra ngoài chơi. Lòng tôi bỗng cảm thấy bồn chồn khi nhận được cuộc gọi từ Tổng hành dinh. Mọi người từng hỏi tôi sợ nhất là gì, tôi đã nói với họ không gì có thể khiến tôi khiếp sợ, ngoại trừ một tai nạn máy bay. Vì vậy khi nhận được cú điện thoại thông báo rằng một chiếc máy bay của hãng đã bị mất tích ở Indonesia, tôi đã thực sự không thốt nên lời.
Việc này chưa từng xảy ra trước đây. Bản thân tôi cũng chưa từng đến những buổi họp báo về các tai nạn bao giờ Các cuộc tranh luận về việc liệu tôi có nên đến buổi họp báo hay không nổ ra. Nhiều ý kiến cho rằng chiếc máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Indonesia vì thế CEO của hàng này mới phải là người chịu trách nhiệm. Nhưng rồi tôi đã nói với mới người rằng tôi sẽ đến. Tôi sẽ đến vì các nhân viên hãng bay và vì gia đình các nạn nhân.
Khi tôi bước vào phòng, hàng trăm chiếc máy quay phim hướng về tôi. Nhiều hãng tin nổi tiếng như BBC hay CNN cũng có mặt để đưa tin trực tiếp. Đối diện với máy quay không phải là điều quá khó khăn, mà khó khăn nhất là việc tôi quyết định sẽ gặp mặt gia quyến của các nạn nhân để chia sẻ nỗi đau với họ. Tôi công khai số điện thoại của mình và cứ 2-3 ngày tôi lại liên lạc để trấn an tinh thần họ. Đó là điều tôi phải làm.
Khi nạn nhân đầu tiên - một nữ tiếp viên – được tìm thấy, chúng tôi đã cùng nhau mang đồ đạc của cô ấy về cho gia đình. Điều đó thật không dễ dàng, nhưng chúng tôi phải làm và chúng tôi đã làm được.
Thảm họa này đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nợ các gia đình nạn nhân, phi hành đoàn, và các phi công một món nợ lớn.
Từ tai nạn trên, bài học lớn nhất mà tôi học được trong việc xử lý bất kỳ sự việc nào chính là tính minh bạch. Người lãnh đạo cần phải đối mặt và chịu trách nhiệm. Họ không thể trốn tránh.
* Có thể thấy cách Airasia kiểm soát sự việc hoàn toàn trái ngược với cách làm của Malaysia Airline đối với sự kiện chiếc máy bay MH370 bị mất tích. Thậm chí một năm sau họ vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Ông có nghĩ mình đã đi đúng hướng không?
Tôi không biết. Tôi làm những gì mà tôi tin tưởng. AirAsia và Malaysia Airline là hai hãng hàng không khác nhau.
Khi mới khởi nghiệp, tôi quyết định tự mình sẽ trải nghiệm tất cả các công viêc. Mỗi tháng tôi lại làm việc của một tiếp viên hàng không, hai tháng một lần tôi lại trở thành nhân viên mang hành lý, và cứ ba tháng tôi lại làm nhiệm vụ check -in. Nhờ những trải nghiệm thực tế như vậy, tôi đã có nhiều điều chỉnh hợp lý để nâng cao hiệu suất làm việc cho toàn bộ công ty.
Ví dụ, khi máy bay Airbus được đưa vào sử dụng, các nhân viên đã đề xuất về việc sử dụng băng chuyền vận chuyển hành lý do khoan chứa đồ khá cao.Tôi đã thẳng thừng từ chối với lý do chi phí đắt đỏ. Nhưng rồi trong một lần làm nhân viên khuân vác, việc chất những vali hành lý quá nặng lên cao khiến tôi suýt gãy lưng. Thế là ngay lập tức tôi đầu tư lắp đặt băng chuyền.
Airasia thực sự là một đại gia đình với hơn 17.000 nhân viên. Nhiều người trong số có gia cảnh nghèo khó, thậm chí có người phải bỏ học khi mới 13 - 15 tuổi. Và khi biết họ có mơ ước trở thành phi công, và tôi đã tài trợ cho họ. Điển hình là một cậu bé khuân vác hành lý bỏ học khi mới 13 tuổi. Đó thực sự là một cậu bé rất thông minh. Nhờ quỹ hỗ trợ mà tôi sáng lập, cậu đã trở thành người đạt số điểm cao nhất của Học viện bay Malaysia từ trước đến nay. Giờ đây, cậu bé ấy đã trở thành cơ trưởng lái chiếc A320. Hay như trước đây AirAsia không có phi công nữ. Giờ đây con số này đã lên đến 42.
Có thể nói đây là điều mà tập thể AirAsia rất tự hào: chúng tôi phát triển nhân tài và phá vỡ những nguyên tắc làm việc truyền thống.
Người châu Á khá độc đoán và thường không có thiện chí với sự phá cách hay thẳng thắn trong công việc. Quan niệm này buộc phải thay đổi nếu ta muốn phát triển. Người lãnh đạo cũng cần phải sẵn sàng tiếp nhận sự phê bình - điều mà hầu hết những người Châu Á còn e dè. Tôi tin tưởng rằng nếu thế hệ mai sau có thể phát huy lối tư duy sáng tạo và tự tin phản biện, chúng ta hoàn toàn có thể sánh ngang với nước Mỹ và Tây phương.
* Tôi rất đồng tình với quan điểm trên. Dù ở cấp doanh nghiệp, tổ chức hay thậm chí là chính phủ, người người lãnh đạo phải luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của mọi người xung quanh. Nói một chút về chương trình Người tập sự (The Apprentice Asia), ông có thấy khó khăn khi đưa ra quyết loại bỏ thí sinh không?
Đó là nguyên tắc của chương trình và tôi phải tuân theo. Mặc dù thực tế điều đó khiến tôi có chút không thoải mái vì nó không giống với tính cách của mình. Tôi không phải là Donald Trump và ông ấy cũng chẳng giống tôi. Nói theo kiểu ngoại giao là như vậy (Cười). Tuy nhiên những phần khác đều khá suôn sẻ vì tôi vẫn được là chính mình.
* Các chương trình thực tế hiện nay dường như đều có sự sắp đặt phải không, thưa ông?
Với tôi thì ngược lại. Khi nhà sản xuất đưa kịch bản cho tôi, tôi đã phớt lờ nó. Họ từng yêu cầu tôi giữ lại một thí sinh người Indonesia vì anh ta được người xem yêu thích. Nhưng tôi vẫn quyết định loại thí sinh này. Tôi “diễn” theo kịch bản của riêng mình. Điều đó cũng thú vị đấy chứ. Tham gia chương trình này cũng giúp tôi nhìn thấy được một thế hệ trẻ châu Á đầy nhiệt huyết. Nguồn năng lượng của họ khiến tôi thật sự rất hứng khởi. Chính vì vậy mà quyết định sa thải bất cứ ai cũng trở nên rất khó khăn.
Người chiến thắng mùa đầu tiên - Jonathan - nay đã trở thành một doanh nhân. Cậu ấy sẽ ra mắt website mới của mình trong thời gian sắp tới. Cậu ấy thực sự tài năng và tôi tin tưởng câu ấy sẽ thành công. Hiện tại chúng tôi đang trong giai đoạn thảo luận về việc sản xuất Người tập sự mùa thứ hai.
* Ông còn được biết đến là người sáng lập Giải Bóng rổ Đông Nam Á (Asean Basketball League), trong đó có sự tham gia của đội Saigon Heat của Việt Nam. Vì sao ông lại quyết định tổ chức giải đấu này? Đây có phải là một phần trong nỗ lực hội nhập và tạo lập bản sắc Asean hay không?
Tôi có niềm tin rất lớn vào sự phát triển của khu vực Asean. Nếu chúng ta không cùng hợp sức thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội quý báu. Ví dụ, món phở mà bạn giới thiệu cho tôi sáng nay, nếu được bán trên máy bay của AirAsia, có thể trở thành món ăn đặc sản của Asean. Dù nhiều người còn e ngại, nhưng tôi rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của thị trường này.
AirAsia là hãng hàng không của Asean. Chúng tôi góp phần thúc đẩy nền du lịch của Asean. Trên chuyến bay có 470 người đến thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đi, hầu như toàn bộ hành khách đều đến từ các nước Asean. Một nửa trong số họ đến thành phố này lần đầu và AirAsia là nơi gắn kết họ. Vì thế tôi tin rằng chúng tôi có rất nhiều tiềm năng về kinh doanh tại đây.
Bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp mới, chúng ta đã có thể góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực. Các doanh nghiệp tư nhân cần góp sức để làm điều này. Sự phát triển của các dịch vụ tư nhân như Grabtaxi hay các điểm online shopping là những minh chứng rõ nét.
Nói về các giải đấu thể thao. Ban đầu tôi ấp ủ kế hoạch tổ chức giải bóng đá Asean. Tuy nhiên tôi đã thất bại vì không thể đạt được thỏa thuận với FIFA. Khi đó, một số thành viên Hiệp hội Bóng rổ đã gợi ý cho tôi về việc thành lập giải đấu bóng rổ Asean. Thú thật là tôi chỉ biết về luật chơi cơ bản của bộ môn này. Tuy nhiên tôi đã đồng ý. Ít nhất chúng ta sẽ có một giải đấu chung mang tầm khu vực. Đây là một nỗ lực nhỏ của tôi trong việc phát động phong trào thể thao trong nhà ở Đông Nam Á.
* Tôi biết ông là một người hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng West Ham. Vậy vì sao ông lại quyết định mua một đội bóng khác là Queens Park Rangers (QPR) thay vì West Ham?
Tôi yêu bóng đá và yêu thể thao. Tôi đã cố gắng nhiều lần để mua West Ham nhưng đều thất bại. Khi đó cơ duyên của tôi với QPR lại đến. Mặc dù đây chỉ là một đội bóng nhỏ, nhưng tôi tin mình có thể làm được gì đó để phát triển nó. Thế là tôi cùng cộng sự của mình là Ruben Gnanalingam đã mua lại đội bóng. Toàn bộ quá trình là một câu chuyện dài và khá gian nan.
Ngày 11/8/2011, Tony Fernandes đã mua CLB Queens Park Ranger và cố gắng đưa CLB này lên giải ngoại hạng Anh sau 15 năm chơi ở thứ hạng dưới và ông đã thành công.
* Tôi vẫn còn nhớ về bàn thắng của Bobby Zamora trong trận playoff với Derby County, giúp QPR giành quyền lên chơi tại Premier League mùa bóng 2014-2015. Cảm xúc của ông trong khoảnh khắc đó như thế nào?
Cuộc sống luôn có những giây phút tuyệt vời đúng không? Suốt 90 phút QPR hoàn toàn bị lấn lướt, thậm chí một cầu thủ còn bị trút quyền thi đấu. Ruben đã hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng tôi thì vẫn lạc quan rằng chúng tôi có thể giành chiến thắng với 10 người. Và rồi 90000 cổ động viên trên khán đài như vỡ tung khi bàn thắng đến vào đúng phút 90. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi đã xuống ăn mừng cùng với các cổ động viên. Nỗi buồn vì bị xuống hạng trong 2 năm qua với họ dường như đã tan biến.
* Ông đã tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Vậy dự án tiếp theo của ông là gì?
Có 2 lĩnh vực mà tôi rất tâm huyết: đó là xây dựng các bệnh viện địa phương và phát triển giáo dục. Ở lĩnh vực thứ nhất, các bệnh viện hiện tại hoạt động không hiệu quả. Hệ thống bệnh viện nhà nước không thể đáp ứng đủ cho tất cả mọi người trong khi dịch vụ tư nhân lại quá đắt đỏ. Tôi đã và đang làm việc để có thể khai thác khoảng hở giữa hai hệ thống trên, nhằm giảm nhẹ chi phí cho bệnh nhân.
Về lĩnh vực giáo dục, tôi đã cho đầu tư xây dựng nhiều trường học. Với tôi, giáo dục rất quan trọng đối với sự phát triển của con người. Tuy nhiên giáo dục không phải là về hình thức, học vị hay điểm số. Giáo dục gắn liền đến sự phát triển về thể chất, tâm hồn, về sự sáng tạo, giúp phát huy tối đa năng lực của một cá nhân.
Tôi đang hoàn thiện mô hình trường học trực tuyến. Đây là mô hình giúp cho những ai không đủ điều kiện tài chính để học các trường tư nhân vẫn có thể được hưởng lợi ích từ hệ thống giáo dục này.
* Dù biết ông mới đến Việt Nam và chưa có nhiều trải nghiệm về đất nước chúng tôi, nhưng ông có thể cho biết về những dự định của AirAsia tại đây cũng như cảm nghĩ cá nhân của ông về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai?
Đất nước Việt Nam của các bạn rất đẹp với đường bờ biển trải dài cùng nhiều hòn đảo lớn. Tôi tin đây là một thị trường du lịch đầy tiềm năng. Tôi đã có thể nhìn thấy được viễn cảnh rất nhiều du khách Malaysia hay Indonesia sẽ đến đây bằng dịch vụ của AirAsia. Hiện tại chúng tôi có một kế hoạch lớn tại thị trường Việt Nam và tôi hoàn toàn tự tin về nó. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tôi còn cho rằng đất nước các bạn sẽ vượt qua Malaysia trong một ngày không xa.
* Ông có lời khuyên nào cho tôi cũng như những người mới khởi nghiệp?
Lời khuyên của tôi cho bạn là: Đừng lắng nghe ai cả. Bạn đang đi đúng hướng và đúng lúc. Câu chuyện của AirAsia là một minh chứng. Không ai tin rằng ba chàng trai sản xuất âm nhạc lại có thể điều hành một hãng hàng không lâu đến thế. Vì vậy hãy cứ tiếp tục con đường của bạn.
Tôi vẫn luôn nói với mọi người rằng chúng ta chỉ sống một lần mà thôi. Cuộc sống rất đáng quý. Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Đừng để đến khi bạn 65 tuổi và nói rằng “ước gì mình đã làm điều đó”. Đã quá trễ! Hãy theo đuổi đam mê. Dù cho có thất bại thì ít nhất bạn đã từng cố gắng. Hãy sống với ước mơ của mình. Vì biết đâu một ngày mơ ước sẽ trở thành sự thật.
Khi tôi 12 tuổi, bố bảo tôi rằng tôi sẽ đến nước Anh để học. Ngày tôi lên máy bay, rất nhiều người đến tiễn tôi. Cảm giác đầu tiên khi tôi đặt chân xuống sân bay Heathrow không gì khác ngoài sự sợ hãi. Bố đưa tôi 50 bảng và bảo tôi tự tìm cách đến trường. Khi đó trường học với tôi như một nhà tù vậy. Tôi nhớ mình đã gọi cho mẹ và nói rằng tôi muốn về nhà vào dịp Giáng Sinh. Nhưng mẹ bảo tôi chỉ có thể về vào mùa hè vì gia đình tôi không thể trả nổi tiền vé máy bay nổi. Tôi tự nhủ một ngày nào đó mình sẽ bán những chuyến bay rẻ nhất thế giới. Điều đó luôn trong tâm trí tôi.
28 năm sau, một người bạn học gửi thùng đồ dùng cá nhân của tôi năm xưa lại cho tôi. Phía trước thùng đồ có ba tấm nhãn dán - là những hoài bão của tôi khi 12 tuổi.
Một tấm là hình hãng hàng không Qantas. Từ rất nhỏ tôi đã ấp ủ giấc mơ mở một hãng hàng không. Bố tôi đã cười to khi tôi tiết lộ điều này cho ông biết năm tôi 7 tuổi.
Ở chính giữa là hình dán một đội đua xe Công thức 1. Tôi thích đua xe và mơ một ngày làm chủ một đội xe F1.
Cuối cùng, bên góc phải là hình đội bóng West Ham United - tôi đã luôn muốn sở hữu một câu lạc bộ bóng đá. Đó là những ước mơ của tôi khi tôi 12 tuổi.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi thực sự rất xúc động. Tôi đã làm được tất cả!
Lời nhắn nhủ của tôi đến các bạn doanh nhân và những ai mong muốn khởi nghiệp là: Ước mơ sẽ thành trở hiện thực. Hãy cố gắng hết mình, tận hưởng cuộc sống, đừng để bất cứ ai nói rằng bạn không thể, vì mọi thứ đều có thể xảy ra.