'Bóng hồng' Việt trong giới ngoại giao Mỹ đến từ vùng núi Hà Giang

30/06/2015 09:50 AM |

Cái tên Thảo Griffiths không còn xa lạ với giới ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cũng như là người truyền cảm hứng tinh thần “không sợ” cho nhiều thế hệ với hành trình từ Hà Giang sang nước Mỹ xa xôi.

Giám đốc quỹ VVAF tại Việt Nam- Thảo Griffiths chia sẻ trong hội thảo USGuide 2015.

“Nỗi sợ là nhân tố tự giới hạn bản thân lớn nhất. Đừng sợ hãi!”, Thảo Griffiths chân thành chia sẻ cùng đông đảo bạn trẻ ham học hỏi trong buổi hội thảo US Guide You Can Do It 2015 vừa diễn ra ngày 28/06 tại Keangnam Hanoi Lanmark. Tên của cô không còn xa lạ với giới ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cũng như là người truyền cảm hứng tinh thần “không sợ” cho nhiều thế hệ với hành trình từ Hà Giang sang nước Mỹ xa xôi.

Từ núi đá Hà Giang đến Washington tráng lệ

Sinh năm 1978 trong một gia đình giáo viên nghèo tại Hà Giang có bố là giáo viên dạy toán, mẹ là giáo viên dạy văn, Nguyễn Thu Thảo và anh trai được bố mẹ rất quan tâm tới việc học hành. Theo lời kể, tuổi thơ cô gắn liền với kỷ niệm đạp xe bán bánh chưng phụ giúp mẹ cũng như những lần sơ tán bởi lớn lên trên mảnh đất biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Những ký ức này khiến cô hiểu thấm thía về sự khốc liệt của chiến tranh và là cái duyên dẫn dắt cô vào con đường sự nghiệp sau này.

Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Thảo được bố mẹ định hướng cho về Hà Nội, thi tuyển và đỗ hệ tiếng Anh trường Chuyên Ngữ (thuộc ĐHNN- ĐHQG hiện nay). So với bạn bè cùng trang lứa sống tại Hà Nội, ban đầu Thảo cũng gặp những thiệt thòi, khó khăn riêng nhưng bù lại tính cách rắn rỏi của một cô gái vùng núi giúp cô vượt lên phía trước.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngữ, cô vào Học viện ngoại giao cùng với ước mơ của bố mẹ là con gái được vào làm nhà nước, theo nghiệp ngoại giao. Thế nhưng sau 7 năm sống tại Hà Nội, cô trở về Hà Giang trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ khi làm trợ lý cố vấn kỹ thuật cho tổ chức UNDP liên quan đến giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp tại quê hương. Sau 6 tháng làm việc tại Hà Giang, Thảo xin học bổng AusAid nhưng thất bại ngay từ vòng đầu. Một năm sau, cô tiếp tục xin học bổng thạc sỹ tại Mỹ nhưng lại thất bại. Đến năm 2001, cô nhận học bổng thạc sĩ công nghệ hệ thống của RMIT.

Sau khi về nước, Thảo rời UNDP để làm việc cho quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) với vị trí liason officeial (phái viên liên lạc) và đây cũng là bước ngoặt thay đổi sự nghiệp của cô.

Sở dĩ mọi người thường biết đến tên Thảo Griffiths bởi chồng cô là tiến sỹ người Úc Patrich Griffiths- người gắn bó với cô từ thủa còn là sinh viên năm 2 trường Ngoại giao.

Người quen của giới ngoại giao Mỹ

VVAF vốn là tổ chức phi chính phủ đầu tiên quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh do Bobby Muller sáng lập vào năm 1980. Quỹ VVAF thành lập nhằm giúp đỡ các nạn nhân vô tội ở những quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá thông qua các chương trình nhân đạo phục hồi chức năng, khảo sát bom, mìn, y tế cộng đồng.

Cuối năm 2003, bên cạnh việc theo đuổi các dự án của VVAF, Thảo Griffiths lại xin học bổng Fulbright ngành thạc sỹ quan hệ quốc tế. Thay vì chọn trường như những người khác, cô chọn điểm đến là Washington, nơi đặt trụ sở của VVAF. Vừa học, cô vừa tranh thủ thực tập ngay tại VVAF cũng như đi làm thêm, tham gia các công tác tình nguyện tại Mỹ. Và chính chủ tịch tổ chức VVAF cho cô mượn một phòng ở nhà ông để tạo điều kiện đào tạo.

Chị Thảo gặp gỡ nạn nhân bom mìn ở Hà Giang năm 2003. Ảnh: TuanVietnam.net

Chị Thảo gặp gỡ nạn nhân bom mìn ở Hà Giang năm 2003. Ảnh: TuanVietnam.net

Quay trở về Việt Nam trước khi trở thành giám đốc đại diện VVAF tại Việt Nam từ tháng 12/2007, Thảo Griffiths từng làm quản lý đại diện cho hãng IT Voxiva tại Việt Nam sau đó là tư vấn cho Microsoft Việt Nam. “Việc của trưởng đại diện thực chất là… đi xin tiền”, cô từng ví von trong cuộc nói chuyện “tranh thủ” với phóng viên một tờ báo giữa hai cuộc hẹn gặp đối tác.

Năm 2008, quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản 3 triệu USD dành cho việt xử lý dioxin sẽ chính thức giải ngân. Đây là tin vui với các nạn nhân dioxin ở Việt Nam và người đóng góp không nhỏ cho điều này là Thảo Griffiths cùng với sự hỗ trợ của VVAF. Để thực hiện được điều này là nhờ vào mối quan hệ giữa cô và người bạn từ học bổng Fulbright Tim Rierse, người của đảng Dân chủ. Năm 2006, phe Dân chủ thắng thế và ông trở thành Tổng thu ký tiểu ban Phân bổ ngân sách, Ủy ban đối ngoại thượng viện.

Theo thông tin từ chính trang LinkedIn của cô, hiện VVAF có khoảng 20 nhân viên chính thức và hàng năm kêu gọi khoảng 1-2 triệu USD tài trợ cho các hoạt động tại Việt Nam.

 

Chị Nguyễn Thu Thảo (Thảo Griffiths) cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Davos (Thụy Sĩ) tháng 1/2007. Ảnh: TuanVietnam.net

Không chỉ được biết đến trong giới ngoại giao Mỹ, giám đốc đại diện VVAF cũng giới ngoại giao Việt Nam quen mặt. Năm 2007, cô được lựa chọn để theo đoàn hộ tống tham dự WEF tại Davos Thụy Sĩ.

Sự kiện được khiến người ta nhớ đến cái tên Thảo Griffiths chính là việc thu xếp nhanh chóng chỉ trong vòng 1 ngày chuyên cơ chuyên dụng có thiết bị chăm sóc y tế đưa giáo sư Seymour Papert bay thẳng về Mỹ. Ông là nhà toán học hàng đầu thế giới, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo gặp tai nạn giao thông tại Việt Nam, ông vốn có mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng tại Mỹ từ thượng nghị sỹ John Kerry cho đến George Soros.

Trở về

“Tại sao chị lại chọn trở về làm việc tại Việt Nam?", một bạn trẻ hỏi nữ giám đốc đại diện VVAF. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra khi biết về Thảo Griffiths. Sau khi tốt nghiệp Fulbright, Thảo Griffiths cho biết cô cũng dành 2-3 năm du lịch đây đó nhưng rồi cũng cảm thấy mệt mỏi và quê hương là nơi cô muốn quay về. Một phần vì lý do gia đình, cô muốn dành thời gian chăm sóc bố mẹ (anh trai cô cũng đi học và lấy vợ ở châu Âu), một lý do nữa chính là muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam tiếp theo.

”Tôi không hối tiếc về quyết định của mình”, cô khẳng định. Theo Thảo Griffiths, dù bạn ở đâu cũng là đóng góp, cống hiến cho Việt Nam. Và với Thảo Griffiths, cô muốn trở về để đáp lại những gì quê hương, nơi có bố mẹ, họ hàng, bạn bè đã nuôi dưỡng, ủng hộ, bên cạnh cô. “Khi bạn đủ trưởng thành, mạnh mẽ, bạn sẽ muốn đặt những người trẻ trên đôi vai của bạn để họ có được cơ hội, làm được những điều như bạn đã từng làm”, nữ giám đốc trẻ cho biết.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM