Bài học "xương máu" của các “sao” đốt tiền vào kinh doanh

19/09/2011 20:20 PM |

Nhiều năm trở lại đây, nhiều nhân vật danh tiếng đã thử sức mở rộng tên tuổi của mình bằng việc lao vào kinh doanh. Song kiếm tiền ngoài nghệ thuật không phải là dễ, nhất là với những kẻ “tay mơ”.

Dưới đây là một số bài học xương máu.

Britney Spears với nhà hàng Nyla: Tên nhà hàng này được Spears ghép từ 2 thành phố yêu thích của cô là New York và Louisiana. Nyla được khai trương từ tháng 6/2002 trong khuôn viên khách sạn Dylan ở Manhattan. Ban đầu, nhà hàng kinh doanh các món ăn như sushi và mướp rán với giá 16-26 USD/đĩa.

Tuy nhiên, theo People.com, nhà hàng này đã bị chê bai thậm tệ và có nhiều vi phạm liên quan tới luật bảo vệ sức khỏe. Chưa đầy 6 tháng sau khi khai trương, Spears đã phải ngừng kinh doanh.


Britney Spears với nhà hàng Nyla

Nicky Hilton với chuỗi khách sạn Nicky-O: Là một người thừa kế của gia đình Hilton, đáng lẽ Nicky Hilton phải có “gen” kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, cô đã thất bại ngay khi định thử sức kinh doanh với chuỗi khách sạn của riêng mình.

Dự án đầu tiên của cô là một khách sạn sang trọng gồm 94 phòng ở Miami và dự án thứ 2 là ở Chicago. Cô đã mời nhà thiết kế Italia Roberto Cavalli tới để thiết kế nội thất trong khách sạn. Theo kế hoạch, khách sạn này được khai trương vào thời điểm diễn ra giải Super Bowl (giải vô địch của Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ) năm 2007 ở Miami với giá quảng cáo là 1.000 USD/đêm gồm cả vé xem giải Super Bowl. Nhưng sau nhiều lần trì hoãn, khách sạn này chưa bao giờ được khai trương.

Năm 2007, dự án này đã được xin bảo hộ phá sản và Hilton đã bị kiện với lý do không tuân thủ hợp đồng kinh doanh. Cuối cùng, khu bất động sản đó đã bị đem đấu giá.

Nicky Hilton với chuỗi khách sạn Nicky-O

Natalie Portman với thương hiệu giầy, dép Vegan-Friendly: Natalie Portman là người ủng hộ các quy định bảo vệ động vật và cô chỉ khoác lên người mình những sản phẩm không “dính dáng” gì tới động vật. Đầu năm 2008, cô hợp tác với nhà thiết kế Te Casan khai trương cửa hàng giầy, dép không liên quan gì tới động vật.

Tuy nhiên, có thể khách hàng nghĩ rằng mức giá 200 USD/đôi hơi cao nên chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương cửa hàng vào tháng 12/2008, công ty mẹ Te Casan đã phải đóng cửa cửa hàng do ế khách.

Natalie Portman với thương hiệu giầy, dép Vegan-Friendly

Kanye West và thương hiệu quần áo Pastelle: Kanye West rất quan tâm tới thời trang và trong nhiều năm, anh đã ấp ủ mong muốn có một thương hiệu thời trang riêng. Năm 2009, anh đã thực hiện ý nguyện của mình với sản phẩm thời trang mang tên Pastelle.

Nhưng con đường kinh doanh của anh lập tức đi vào ngõ cụt bởi chỉ 2 ngày sau khi tung các bức ảnh về thương hiệu thời trang của mình lên Internet, hoạt động kinh doanh của anh đã bị “đóng băng”. Còn nhớ, một thời gian ngắn trước đó, West đã phải hứng chịu búa rìu của công luận khi anh ngắt lời phát biểu của Công chúa country Taylor Swift một cách rất bất lịch sự khi cô lên nhận giải Video Âm nhạc MTV; và tuyên bố nghệ sĩ khác xứng đáng nhận giải hơn Swift. Nhiều người cho rằng chính hành động “khiếm nhã” này đã khiến thương hiệu thời trang của anh “chết yểu”.


Kanye West và thương hiệu quần áo Pastelle

Chị em nhà Kardashian với thẻ tín dụng "Kardashian Kard": Năm 2008, Kim Kardashian cùng chị em mình là Kourtney và Khloé, đã tung ra loại thẻ tín dụng trả trước mang tên The Kardashian Kard. Thời điểm đó, chị em Kardashian rất phấn khích khi tạo được một sản phẩm tài chính riêng.

Nhưng niềm vui của họ không được lâu khi khách hàng phàn nàn các phí của loại thẻ này quá cao. Chị em Kardashian đã bảo vệ sản phẩm của mình với tuyên bố họ chẳng biết gì về các chi phí cao của tấm thẻ. Nhiều người cho rằng họ thật “hài hước” khi quyết định lao vào một ngành kinh doanh mà họ chẳng hề biết gì.

Chị em nhà Kardashian với thẻ tín dụng "Kardashian Kard"

Jennifer Lopez với nhà hàng Madres: Với nỗ lực tôn vinh di sản Puerto Rico của mình, năm 2002 nữ ca sĩ Jennifer Lopez đã mở nhà hàng Madres, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “mẹ”, ở Pasadena, California. Thực đơn của nhà hàng này chủ yếu là các món ăn Latin với giá 30-50 USD/món. Mặc dù được khai trương rầm rộ, nhưng sau 6 năm hoạt động nhà hàng đã phải đóng cửa.

Jennifer Lopez với nhà hàng Madres

Trước khi các ngôi sao đua nhau lao vào kinh doanh thời trang thì Lopez đã thành công với thương hiệu quần áo JLO mà cô tung ra năm 2003. Sau đó, Lopez tiếp tục tung ra 2 nhãn mác thời trang mới là JustSweet (2003) và Sweetface (2005). Nhưng do tác động của suy thoái kinh tế, thương hiệu JLO không còn thu được lãi và đã phải đóng cửa ở Mỹ vào năm 2007, trong khi đó JustSweet cũng ngừng ra sản phẩm chỉ sau vài mùa bán lẻ và Sweetface cũng không có sản phẩm mới từ năm 2009.

Thất bại thế nhưng mùa Thu này Lopez vẫn tiếp tục tung ra thương hiệu mới tại chuỗi cửa hàng Kohl’s.

Arnold Schwarzenegger với chuỗi nhà hàng Planet Hollywood: Sau thành công với chuỗi nhà hàng Hard Rock Café, Giám đốc điều hành Robert Earl đã mở chuỗi nhà hàng Planet Hollywood. Ngồi thưởng thức các bữa ăn tại đây, thực khách có thể chiêm ngưỡng nhiều kỷ vật và hình ảnh của nhiều bộ phim nhựa và serie phim truyền hình. Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis, Sylvester Stallone cùng nhiều ngôi sao khác là cổ đông của Planet Hollywood và họ đã góp phần quảng bá chuỗi nhà hàng này.

Arnold Schwarzenegger với chuỗi nhà hàng Planet Hollywood

Mặc dù vậy nhưng Planet Hollywood không thể thu được lãi và năm 1999 đã phải xin bảo hộ phá sản. Thời đỉnh điểm, Planet Hollywood có 80 điểm kinh doanh trên toàn thế giới, nhưng giờ chỉ còn 16, trong đó có các nhà hàng ở New York và Orlando.

Theo Việt Lâm
Thể thao & Văn hóa

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM