Bạch Thái Bưởi - Chúa sông Bắc kỳ

23/03/2014 09:50 AM |

Từ rất lâu rồi, người Việt, điển hình như Bạch Thái Bưởi đã giong buồm ra biển lớn với dáng vóc tự tin, đàng hoàng và những bài học về đối nhân xử thế, phép kinh thương…

Nội dung nổi bật:

- Sang Pháp: Năm 1895, khi mới 21 tuổi, nhờ thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp, chàng trai Việt Bạch Thái Bưởi được sang Paris để giới thiệu sản phẩm gian hàng xứ Bắc Kỳ. Về nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc vì "đã chọn được con đường riêng và muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.

- Làm ăn với Pháp: Ông là đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm.

- Kinh doanh nhiều lĩnh vực: Mở hãng cầm đồ ở Nam Định, mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, mở đại lý rượu ở Thái Bình, thầu thuế chợ tại chợ Nam Định; tỉnh Thanh Hóa; Vinh - Bến Thủy. Ông thắng lớn trước đối thủ là các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy.

-  Mở công ty ở Hải Phòng: Từ tháng 4.1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc và thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty. 

- Chúa sông Bắc Kỳ: Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan; 13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi… 


“Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”

Có tài liệu cho rằng Bạch Thái Bưởi vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy, có một người họ Bạch nhà giàu nhưng không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch.

Lại cũng có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái - Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.

Những trang ghi chép về ông bắt đầu rõ dần từ năm 1895, khi hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp. Bấy giờ, Thống sứ Bắc kỳ muốn chọn một người Việt thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc kỳ. Bạch Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của Công sứ Bonnet. Sang Pháp, chàng trai Việt mới 21 tuổi choáng ngợp trước sự văn minh, tiến bộ của Paris hoa lệ nhưng không ai biết anh nghĩ gì trong đầu.

Chúa sông Bắc kỳ
Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), doanh nhân người Việt nổi tiếng, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi)

Về nước, Bạch Thái Bưởi đến gõ cửa phòng chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc. Quyết định của Bạch Thái Bưởi khiến cho chủ hãng kinh ngạc. Ông không thể ngờ, có một người An Nam dám nghỉ việc khi hằng tháng được nhận đồng lương khiến nhiều người đang thèm muốn.

Ông Bưởi khẳng khái: “Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi!”. Nhưng ngay lúc đó chàng trai trẻ chưa biết chính xác con đường của mình là gì. Mãi sau này, ông mới kể lại: “Không biết. Nhưng tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.

Chữ tín và lòng tin

Khi mà việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn đất Hà thành thì Bạch Thái Bưởi lại tính một nước cờ rộng hơn: trở thành đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm.

Nhu cầu chính và quan trọng nhất lúc đó mà ông có thể đáp ứng được chính là các thanh tà vẹt. “Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời”, Bạch Thái Bưởi tâm niệm. Để có số vốn lớn, ông hùn tiền với một người Pháp cùng ý hướng. Họ chuyên khai thác gỗ làm tà vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương.

Sau khi tích lũy số vốn lớn, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một hướng đi mới. Không phải chờ đợi lâu, khi hay tin chính phủ bảo hộ mở cuộc đấu giá lĩnh trưng nhà cầm đồ Nam Định, Bạch Thái Bưởi tham gia. Kết quả ông đã thắng thầu. Đó là năm 1906.

Trong hãng cầm đồ của mình, ông chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc, ông muốn chứng minh rằng, ta không thua kém ai trên thương trường. Họ đã nắm các cương vị quản lý, giám định, thủ quỹ… Nhiều người nhà trong gia đình ông - kể cả vợ - không đồng tình, sợ rằng với số vốn lớn, với công việc như thế nếu giao tất tần tật cho người ngoài khi họ phản thì chỉ có vỡ nợ!

Ông chỉ cười nói: “Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta”.

Sau khi hãng cầm đồ ở Nam Định đã làm ăn phát đạt, ông về Thanh Hóa mở hiệu cơm Tây, mở đại lý rượu ở Thái Bình. Không những thế ông còn đứng ra kinh doanh ở nhiều lĩnh vực mà chưa mấy ai thấy được mối lợi to lớn. Ông đứng ra… thầu thuế chợ! Ông thâu tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định; tỉnh Thanh Hóa; Vinh - Bến Thủy. Công việc này chỉ chấm dứt vào năm 1912.

Bạch Thái Bưởi nắm được thời cơ và đã đi “một bước” trước người khác. Nhờ đó, ông trở nên giàu có. Sau khi ngưng thầu thuế chợ, ông là người Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc thừa tiền để sắm… xe hơi vào năm 1913!

Nhà tư bản

Bạch Thái Bưởi nhận thấy rằng, tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An) luôn đông khách, đó là một mối lợi lớn nếu biết khai thác. Đến lúc ấy chỉ có người Hoa, người Pháp thống lĩnh, chẳng lẽ mình lép vế đứng nhìn sao? Khát vọng này đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành người Việt Nam đầu tiên kinh doanh ngành vận tải đường sông.

Năm 1909 hãng Marty - D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay ba chiếc tàu của họ và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long (Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này.

Sau khi đánh bại đối thủ cạnh tranh trên tuyến đường Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An), Bạch Thái Bưởi bắt đầu cho tàu chạy thêm tuyến đường Hải Phòng. Chỉ sau hai năm mở thêm tuyến đường Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi khuếch trương thêm nhiều chi nhánh.

 

Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta

Ngoài trụ sở chính tại Nam Định thì ngày 1.6.1914, ông mở thêm chi nhánh Bến Thủy (Nghệ An). Ngày 1.8.1914, ông lại mở chi nhánh ở Hà Nội. Từ đây, trong lịch các tàu thủy chạy tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Tuyên Quang, Hà Nội -Chợ Bờ... có tàu của Bạch Thái Bưởi.

Năm 1915, một lần nữa tên tuổi Bạch Thái Bưởi càng vang dội trên thương trường. Đó là năm Công ty Marty - D’Abbadie phá sản. Ngoài việc mua đứt ba chiếc tàu thuê lâu nay, ông còn mua luôn mấy chiếc khác nữa - kể cả chiếc thuyền bề thế nhất của công ty này. 

Từ tháng 4.1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc. Bạch Thái Bưởi cũng chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty. Tại các trụ sở của ông, trên vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phấp phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.

Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan; 13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi… Ngoài tàu mang tên các anh hùng dân tộc, ông còn có các tàu Phi Thượng, Phi Long, Phi Hổ, Bái Tử Long, Khâm Sai, Kinh Lược, Tổng Đốc, Yên Bái, Phố Lu, Chợ Bờ… Các tàu này chạy trên 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng cho đến Tuyên Quang…; kể cả vùng thượng du Bắc kỳ.

Nơi đến xa nhất là Bến Thủy do hai tàu Phi Hổ và Bái Tử Long đảm nhiệm. Tuyến khó đi nhất lên vùng thượng du Bắc kỳ, do tàu Chợ Bờ đảm nhiệm. Trong số các tàu, tàu chở nhiều hành khách nhất là tàu Phi Phụng chạy tuyến Hà Nội - Nam Định chở đến 1.200 người.

Ra biển lớn

Người đương thời xưng tụng ông là “Chúa sông Bắc kỳ”, nhưng khát vọng của chủ nhân Công ty Bạch Thái thì muốn giong buồm vượt vùng biển rộng lớn hơn nhiều. Dấu mốc cho khát vọng vượt biển để chinh phục thế giới chính là việc Bạch Thái Bưởi tổ chức thiết kế và tự thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam, tàu Bình Chuẩn.

Một trong những chứng nhân khách quan nhất của hoạt động này là nhà báo người Hoa Quan Dục Nhân. Ông viết một bài dài về chuyện này, đăng trên các báo ở Quảng Đông như Nhân quyền báo, Tổng thương hội báo, Đại công báo… Nhà báo Thượng Chi đã dịch lại và cho in trên Nam Phong tạp chí số 32 (1920): “Người bạn đưa ta đến nhà máy Công ty Bạch Thái; trong công ty ấy vẫn có nhiều người Trung Hoa ta làm công.  Xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ đã có cái cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.

Bạch Thái Bưởi còn dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định - Hải Phòng. Rất tiếc ông không thực hiện được những dự định này.

Bạch Thái Bưởi mất ngày 22.7.1932 tại Hải Phòng, sau một cơn đau tim, ở tuổi 58.

Theo Lê Minh Quốc

duchai

Cùng chuyên mục
XEM