Ba thế hệ tập đoàn Sơn Kova
Hỏi PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova: "Trung bình mỗi ngày bà mất 16 tiếng đồng hồ trong phòng thí nghiệm, thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học thế giới, làm sao bà lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động suốt 20 năm qua?", bà tự hào: "Tôi chỉ mang lại cho Kova những sản phẩm tốt nhất mang thương hiệu Việt, còn điều hành Công ty và sản xuất đã có con, nhất là cháu trai Nguyễn Duy, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh cũng tham gia điều hành Kova".
Đúng như bà chia sẻ, tốt nghiệp xong, Nguyễn Duy đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành Kova Singapore, năm 2014 anh về Việt Nam và thành lập Kova Trading với nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
Việc chuyển giao quyền hạn cho thế hệ con, cháu tại các công ty gia đình ở Việt Nam hiện khá phổ biến, song đa số vẫn chưa có thực quyền, Kova chắc cũng không ngoại lệ?
Bà Ngô Thị Ái Linh, Giám đốc Kỹ thuật Kova Group (con gái PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe): Phải nói rằng mục đích ban đầu khi thành lập Kova đến tận bây giờ là đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nên khi được tham gia điều hành Công ty, tôi cảm thấy đơn giản, nhẹ nhàng lắm.
Những năm cuối thập niên 80, dù phải nuôi 3 con nhỏ trong điều kiện khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn quyết tâm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Mẹ kể, thời khó chẳng ai nghĩ sẽ có một ngôi nhà đẹp, thế nhưng mẹ vẫn ước mơ. Khi kinh tế mở cửa, nhu cầu xây dựng tăng cao nhưng hầu hết các loại sơn chất lượng tốt lúc đó đều phải nhập từ nước ngoài, giá thành rất cao, đặc biệt không phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Vì vậy, ý tưởng về một loại sơn đặc biệt vừa đáp ứng yêu cầu phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, vừa có tính thẩm mỹ, giá thành phải chăng đã thúc giục mẹ tôi nghiên cứu. Năm 1993, sản phẩm sơn đầu tiên của mẹ ra đời và ngay sau đó bà nhận được Giải thưởng Khoa học Kovalevskaya.
Có thêm động lực và khao khát được tiếp tục nghiên cứu, nhưng cuộc sống lúc đó nhiều khó khăn, để có tiền sinh sống và tiếp tục làm khoa học, mẹ tôi quyết định mở công ty kinh doanh sơn.
Sau khi lập gia đình, tôi về làm việc với mẹ. May mắn là cả tôi và ông xã đều là giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM nên việc tham gia vào Kova không quá khó về chuyên môn. Tôi làm Giám đốc Kỹ thuật, chồng tôi làm Giám đốc Điều hành phía Nam.
Vốn là nhà khoa học nên cách làm việc và quan điểm của mẹ tôi cũng rất rõ ràng: Đã giao quyền thì tin tưởng tuyệt đối, việc ai nấy làm và cho chúng tôi được quyền sáng tạo, tự quyết trong công việc.
Kỹ năng lãnh đạo và nhạy bén trong kinh doanh là hai yếu tố rất cần thiết đối với người làm doanh nghiệp, song các con của bà đều xuất thân là dân khoa học và nhà giáo, vậy khi giao cho họ điều hành doanh nghiệp, bà có thấy lo lắng?
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Tôi đã trải qua bao vất vả, gian truân và cũng vô cùng tâm huyết để sáng lập nên Kova, do vậy Kova cũng được xem là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất trong cuộc đời tôi. Nó không chỉ là tài sản mà còn mang giá trị tinh thần.
Do vậy, cho các con kế thừa Công ty cũng là điều tôi tâm huyết, và nhờ đã chứng kiến những đêm trắng tôi thao thức, cảm nhận được khó khăn trong những giọt mồ hôi, nước mắt, những chuyến đi tìm thị trường nơi đất khách lạnh lẽo, đơn độc và đầy thử thách mà tôi đã trải qua nên chúng sẽ trân trọng và có trách nhiệm với sự nghiệp tôi tạo dựng.
Nhớ ngày đó, khi sang Mỹ nhận giải Kovalevskaya, mang tiếng được đi nước ngoài nhưng tôi không dám thuê nhà trọ, phải ngủ tạm dưới gầm cầu thang sân bay, tiết kiệm từng đồng, không dám ăn một bữa ngon.
Kova là công ty gia đình và triết lý kinh doanh của chúng tôi vẫn là lấy nền tảng khoa học làm đầu. Vì vậy, có thể khả năng về kỹ thuật sẽ mạnh hơn việc điều hành kinh doanh, nhưng với vốn kiến thức khoa học cơ bản cộng thêm không ngừng học hỏi, tôi hoàn toàn tin tưởng các con sẽ gánh vác và điều hành Công ty theo đúng triết lý tôi đặt ra.
Đến thời điểm này, điều đó đã đúng và có thể khẳng định, nếu không trao quyền và không có sự giúp sức của các con, tôi sẽ không đủ sức quán xuyến mọi việc và như vậy sẽ không có Kova như hôm nay.
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova
Hầu như các doanh nhân đều cho rằng không nên ép con theo nghề nghiệp của mình, nhưng bà lại khuyên con nên học thạc sĩ kinh doanh vì "sau này Kova rất cần", có thể ngầm hiểu bà đã định hướng sẵn sự nghiệp cho con ở Kova?
Bà Ngô Thị Ái Linh: Tôi không áp đặt nghề nghiệp cho con nhưng nghĩ Kova là công trình nghiên cứu và là tâm huyết để đời của mẹ tôi thì thế hệ con, cháu phải có trách nhiệm gìn giữ. Tuy nhiên, đó là nguyện vọng, tôi vẫn tôn trọng quyết định chọn lựa nghề nghiệp của con, bởi từ tấm gương của mẹ, tôi nhận ra, làm việc gì cũng phải đam mê và tâm huyết thì mới thành công.
Còn Nguyễn Duy, anh tự chọn làm việc với bà và bố mẹ vì yêu thích hay vì trách nhiệm với gia đình?
Anh Nguyễn Duy: Cả hai. Hồi còn đi học, những lần chứng kiến bà phải vất vả trong phòng thí nghiệm, một mình ra nước ngoài tiếp thị sản phẩm, rồi đến bố mẹ cũng vất vả, thao thức vì nó, tôi đã tự nhủ sau này phải có trách nhiệm cáng đáng công việc cùng với bà và bố mẹ.
Năm cuối cấp 3, đang phân vân không biết lên đại học sẽ chọn học về kỹ thuật hay kinh doanh để sau này đóng góp hữu dụng cho Công ty thì được mẹ định hướng theo con đường kinh doanh, thế là tôi quyết định chọn học Kinh tế - Tài chính tại Singapore Institute of Management và sau đó là thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Aston Business School.
Nhờ có động lực rõ ràng nên mỗi bài học với tôi đều rất bổ ích, tôi luôn kết nối bài giảng vào thực tế của Kova, lấy thực tế của Kova làm điển hình cho các buổi thảo luận, ngay cả luận án tốt nghiệp tôi cũng làm về Kova. Nhờ theo sát tình hình hoạt động của Công ty nên khi được giao việc, tôi không mất nhiều thời gian để tìm hiểu công việc.
Thời gian đầu, tôi tham gia vào các phòng ban, sau đó được giao phát triển kinh doanh, làm các mảng mới mà Kova chưa làm tốt như marketing, thương hiệu... và hỗ trợ thị trường nước ngoài. Càng làm càng thích và say mê, càng tìm hiểu sâu càng ngẫm ra nhiều điều thú vị.
Như trước đây nói đến đại lý, nhà phân phối tôi chỉ nghĩ đơn thuần đến lợi nhuận, doanh số và lợi ích họ mang lại cho Công ty, nhưng càng đi sâu mới hiểu ra bên cạnh đó còn là tình cảm, sự gắn bó của họ với doanh nghiệp.
Nhiều người làm việc trong công ty gia đình thường có tâm trạng rất thoải mái vì... làm sai cũng không bị xử phạt, anh có tâm trạng như vậy không?
Anh Nguyễn Duy: Nhiều người sẽ nghĩ nếu gia đình làm kinh doanh, con cái thường là ỷ lại, bởi không làm gì cũng được cha mẹ đặt vào chức nọ chức kia, thậm chí làm sai cũng không bị phạt hay bị... sa thải.
Hay khi, gia đình khá giả, tiền bạc không thiếu thì khi làm việc sẽ không nhiệt tâm, còn với những bạn muốn làm hết sức, quyết tâm đổi mới công ty gia đình thì đều gặp rào cản của thế hệ trước.
Thông thường, thế hệ sau chỉ đi theo hướng ông cha đã đi, nhưng tôi muốn "phá cách" nên quyết định tự tạo cho mình một sân chơi để thử thách và không ỷ lại, đó là thành lập Kova Trading, đảm nhận mảng phân phối, phát triển thị trường phía Nam, và thị trường quốc tế và độc lập kế hoạch kinh doanh, chủ động đưa ra chiến lược. Tuy nhiên, vẫn phải dựa vào kinh nghiệm và đi theo đúng định hướng của bậc tiền bối.
Ngoài ra, động lực để tôi tự tin mở công ty riêng là thời gian ở Singapore, tôi thấy sơn của Kova được nhiều công trình lớn ở đây sử dụng, như hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học, sân bay và một số tòa nhà của chính phủ, trung tâm thương mại, tuy nhiên, do thị trường không lớn, một số dự án lại đang trong giai đoạn đánh giá sản phẩm nên mức tiêu thụ sẽ chậm lại.
Trong khi thị trường Việt Nam rất tiềm năng, sản phẩm của mình lại tốt nhưng 20 năm qua Kova chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và mở rộng phân phối nội địa. Hiện nay, những người trong ngành xây dựng khi nói đến Kova ai cũng biết sản phẩm có chất lượng và đã dùng rồi thì sẽ dùng nữa.
Tuy nhiên, khuyết điểm của Kova là mới mang được sản phẩm ra nước ngoài, đến với các công trình lớn, còn người tiêu dùng trong nước vẫn chưa biết nhiều, hoặc biết thì cũng chưa hiểu thấu đáo về sản phẩm, và tôi đặt ra cho mình trách nhiệm phải khắc phục khuyết điểm này.
Bà Ngô Thị Ái Linh, Giám đốc Kỹ thuật Kova Group (con gái PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe)
Bà có tin Duy sẽ đạt được tham vọng của mình không, thưa PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe?
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Tin chứ! Vì một người chỉ biết đến phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, không biết gì về buôn bán như tôi và thời của tôi cũng làm gì biết marketing, vậy mà tôi vẫn lần mò, xoay xở để tiếp thị sản phẩm ra nước ngoài thì thế hệ như Duy được học hành bài bản, có nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi từ thương trường chắc chắn sẽ làm được nhiều cái hay, cái mới.
Nhớ hồi đầu đưa sản phẩm Kova sang Singapore, thị trường khó tính nhất châu Á, tôi đã gặp không ít khó khăn. Họ có vẻ xem thường sản phẩm Kova vì không tin vào chất lượng các nghiên cứu khoa học của sơn Việt Nam.
Vì vậy, tôi hiểu ra cách duy nhất để sản phẩm của mình được thế giới công nhận là phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước sở tại. Thế nên, dù phải tốn hàng tỷ đồng để làm các kiểm nghiệm, tôi vẫn chấp nhận để chứng minh chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy mà Kova đã có mặt ở nhiều công trình lớn ở Singapore.
Nhắc chuyện này, tôi chỉ muốn khuyên các nhà khoa học trẻ: "Trong quá trình nghiên cứu, nên chọn cái gì xã hội cần, và khi đã làm thì phải say mê, tâm huyết. Khi có sản phẩm tốt thì phải nỗ lực làm cho nó đến được với cuộc sống và chứng minh sức bền của nó”.
Xin hỏi anh Duy, nghe nói anh đang đưa sản phẩm sơn Kova vào thị trường châu Âu, anh có nghĩ mình mạo hiểm khi ở châu Âu đã có nhiều tập đoàn sơn rất nổi tiếng?
Anh Nguyễn Duy: Đức, Mỹ là những quốc gia có nhiều công nghệ sơn rất tốt, đây còn là cái nôi của ngành sơn và chất phủ của thế giới, nhưng đây không phải là thị trường mới nên tôi chưa kỳ vọng phân phối sản phẩm ở đây, mục đích chỉ để chứng minh công nghệ sơn của Việt Nam không thua kém họ.
Khi Kova được thị trường các nước này chấp nhận cũng có nghĩa việc thâm nhập các thị trường khác dễ dàng hơn, tương tự như khi Kova đã vào được thị trường Singapore thì Indonesia cũng rất chào đón Kova.
"Chiến thuật" này anh học được ở sách vở hay trên thực tế?
Anh Nguyễn Duy: Đây là bài học tôi rút ra từ cách làm của bà ngoại. Khi anh nói anh có thế mạnh về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm tốt thì anh phải đem sản phẩm đến những thị trường khó tính, những thị trường vốn có công nghệ sơn nổi tiếng để chứng minh sản phẩm xứng tầm.
Hiện tại, Công ty tôi đang trong giai đoạn triển khai và đang hợp tác với khách hàng ở Đức, Mỹ để thử nghiệm sản phẩm.
Trải nghiệm thị trường nước ngoài, anh rút ra được điều gì cho triết lý sống và kinh doanh của mình?
Anh Nguyễn Duy: Tôi đã vượt qua rào cản là nỗi sợ và tự tin "đem chuông đi đánh xứ người". Tôi nghĩ, nếu sợ thì không dám đi, mà không đi thì không bao giờ tới, nhất là thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị hành trang để hội nhập, và muốn ra biển lớn thì phải tự tin, phải dám làm và dám đi.
Còn đi như thế nào là do mình, đầu tiên là vận dụng nguồn lực mình đang có, sau đó thiết lập các mối quan hệ đáng tin cậy để nắm rõ thị trường.
Tự tin nhưng cũng nhiều áp lực?
Anh Nguyễn Duy: Đúng vậy! Khi tôi thành lập Kova Trading và tiếp nhận toàn bộ hệ thống phân phối, áp lực đầu tiên là doanh thu không được giảm. Bên cạnh đó, tôi còn có nhiệm vụ xây dựng hệ thống nhân sự.
May mắn đây là thời điểm bất động sản đang "nóng" nên sau 6 tháng Kova Trading đã thổi nhiều luồng gió mới vào hệ thống kinh doanh. Sau 6 tháng, chúng tôi đã đạt được mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của Tập đoàn.
Anh Nguyễn Duy, Giám đốc Điều hành Kova Trading
Nhưng nghe nói các chính sách mới của anh cũng khiến các đối tác phải "lăn tăn"...
Anh Nguyễn Duy: Ở bất cứ ngành nào cũng vậy, khi bạn thổi luồng gió mới vào thì chắc chắn là sẽ gặp ngay phản ứng của hệ thống cũ, đó cũng là bình thường.
Tôi rất thông cảm và nhiệm vụ của tôi là phải kiên trì giải thích, thuyết phục, vừa phát triển vừa trân trọng giá trị để lại vì các đối tác này chính là các cô bác, những người đã chứng kiến tôi trưởng thành từ nhỏ, và đặc biệt là người đặt nền móng và đồng hành để Kova như ngày hôm nay.
Họ không chỉ là đối tác mà còn là những thành viên quan trọng trong "gia đình" Kova nên tôi lúc nào cũng phải cân nhắc, trung hòa, cái khó là làm vẫn làm nhưng phải cho họ nhận ra Kova tốt thì họ cũng tốt theo..
Khi nghe các đối tác chia sẻ, tâm trạng của bà thế nào, thưa bà?
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Quan điểm của tôi: Đã giao việc là phải tin tưởng và cho thử thách. Tuy nhiên, tôi vẫn quan sát công việc Duy làm để khi cần vẫn có thể góp ý kiến, dung hòa.
Có 2 năm làm việc ở nước ngoài, sao anh không "đầu quân" về một tập đoàn sơn danh tiếng nào đó để học hỏi thêm kinh nghiệm?
Gia đình tôi sản xuất sơn, nếu tôi vào làm việc trong ngành sơn thì không hay, còn làm ở ngành khác thì không nơi nào được học nhiều bằng chính công ty của mình. Ngoài ra, gia đình luôn xem tôi là tương lai của Kova nên trong công việc tôi được dạy rất nhiều thứ và bị rèn cũng rất dữ (cười).
Cứ vài ngày bà lại gọi tôi vào phòng thí nghiệm, phân tích về những sản phẩm mới nghiên cứu và sau đó kiểm tra sự thông hiểu của tôi về từng sản phẩm. Bà nói: "Làm tiếp thị bán hàng mà không am hiểu sản phẩm thì không thể là người bán hàng giỏi".
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Đúng vậy, ở Kova không chỉ có Duy mà tất cả mọi người tôi đều khuyên phải học và không bao giờ dừng nghiên cứu. Nhà tôi có 4 phòng thí nghiệm và tôi luôn ở lại đó tới khuya. Chưa kể ở các nước có mặt Kova đều có sẵn một phòng thí nghiệm cho tôi.
Nhờ nghiên cứu thành công các sản phẩm đặc biệt, không ai có mà tôi mới có tiền để làm những việc khác như: tái đầu tư nghiên cứu, làm từ thiện, duy trì và mở rộng Giải thưởng Kova.
Nhiều người hỏi vì sao có tiền mà tôi không hưởng thụ cá nhân, chỉ lo đầu tư cho nghiên cứu, tôi nói: "Với tôi, tiền bạc bây giờ không còn quan trọng nữa, bởi niềm vui của tôi là nghiên cứu, là sản phẩm, tôi không có nhu cầu tiêu xài cho việc gì khác ngoài nghiên cứu".
Bà tự hào nhất về điều gì ở bản thân?
PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Tôi đã làm việc chăm chỉ, cần mẫn và say mê khoa học đến tận cùng. Thành quả của sự lao động miệt mài đó là tôi đã tạo cho Kova sự khác biệt, cho ra đời các sản phẩm không ai có như bộ sản phẩm sơn nano làm từ nguyên liệu vỏ trấu, gồm: sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy, sơn chống đạn... và nhiều loại sơn khác như sơn giả gỗ, giả đá...
Thật ra, sơn nano đã có nhiều người làm, nhưng từ nguyên liệu vỏ trấu thì trên thế giới mới chỉ có Việt Nam làm được và đây là thế mạnh nguyên liệu của Việt Nam, vì dùng vỏ trấu làm sơn vừa nhẹ, vừa rẻ, lại giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là toàn bộ sơn Kova là hệ nước, không dùng dung môi nên không hôi, không độc hại và rất an toàn cho sức khỏe người dùng.
Song, thành công của riêng tôi chưa đủ, tôi muốn Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học tiếp nối ra đời nên tôi lập ra Quỹ Giải thưởng Kova với hy vọng mỗi cá nhân hay tập thể được hỗ trợ sẽ phát triển sự nghiệp làm việc và học hành, rồi bản thân họ cũng sẽ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn khác như tôi đã từng làm.
Cảm ơn PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, bà Ái Linh và anh Nguyễn Duy đã có những chia sẻ thú vị.