9 doanh nhân nổi tiếng một thời 'mài đũng quần' ĐH Kinh tế quốc dân (P.1)

08/07/2015 08:59 AM | Nhân vật

Có rất nhiều doanh nhân thành đạt từng theo học tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đại học Kinh tế Quốc dân thành lập năm 1956. Trước khi dùng tên hiện nay, các tên gọi được sử dụng gồm: Trường Kinh tế tài chính (lúc thành lập), Đại học Kinh tế tài chính, Đại Kinh tế kế hoạch.

Có rất nhiều doanh nhân thành đạt trong nhiều ngành nghề từ bất động sản, ngân hàng cho đến điện máy từng theo học tại đây.

Vũ Văn Tiền: Cử nhân ngành kế hoạch

Chức vụ: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình, CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội- Geleximco (kiêm TGĐ), CTCP Giấy An Hòa, CTCP Xi măng Thăng Long, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn công nghệ CMC.

Ông Tiền vốn tốt nghiệp ngành sĩ quan quân sự, học viện kỹ thuật quân sự. Sau khi xuất ngũ năm 1982, chủ tịch Geleximco thi vào ngành kế hoạch, đại học Kinh tế quốc dân.

Geleximco là tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam với tiền thân ban đầu là hình thức công ty TNHH thành lập năm 1993 hoạt động trong các ngành công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin.

Hiện vốn điều lệ của Geleximco là 6.000 tỷ đồng đồng thời là cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP An Bình, CTCP chứng khoán An Bình, viện quản lý toàn cầu Việt Nam, CTCP Tập đoàn công nghệ CMC,…

Dương Công Minh: Cử nhân ngành Vật giá Đại học Kinh tế kế hoạch (hiện là Đại học Kinh tế quốc dân)

Chức vụ: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, CTCP Chứng khoán Liên Việt, CTCP Him Lam, CTCP Liên Việt Holdings.

Khá trùng hợp khi ông chủ tập đoàn Him Lam cũng vốn xuất thân từ quân nhân, từ năm 1984-1993 ông Minh công tác tại công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng. Nếu xếp theo vốn điều lệ, Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ lớn nhất với 6.500 tỷ đồng, (VinGroup có vốn điều lệ 9.300 tỷ đồng). Cơ duyên dẫn ông Minh đến với con đường bất động sản là sự kiện phải bán nhà để trả nợ cho thương vụ xuất nhập khẩu trái cây bị lỗ của công ty TNHH thương mại Him Lam thủa ông mới lập nghiệp.

Theo thông tin công bố trên website của Him Lam, tập đoàn này có khoảng 30 dự án bất động sản lớn nhỏ đã và đang đầu tư, với tổng số vốn hơn 20.000 tỉ đồng. Ngoài bất động sản, Him Lam còn tham gia kinh doanh sân golf.

Thái Hương: Cử nhân khoa Kế toán tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân

Chức vụ: Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm sữa TH, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bắc Á, CTCP Xây dựng và dịch vụ thương mại Vạn Niên.

Bà Hương vốn là cán bộ ban vật giá tại Tp. Hải Phòng từ năm 1982-1985 sau đó về làm cho công ty vật liệu xây dựng tại Nghệ An. Những năm 1990, trước việc mở cửa thị trường, bà Hương quyết định ra lập công ty riêng chuyên về vật liệu xây dựng.

Năm 1994 bà Hương cùng một số cộng sự thành lập ngân hàng TMCP Bắc Á với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Theo thông tin công bố của ngân hàng này, hiện bà Hương nắm giữ 6,998% cổ phần ngân hàng Bắc Á. Sau 21 năm thành lập, hiện ngân hàng này trả qua nhiều lần tăng vốn điều lệ và hiện con số là 3.000 tỷ đồng.

Đến năm 2008, bà Hương quyết định bước chân vào ngành sữa với việc thành lập TH Milk. TH Milk được định hướng phát triển chủ động vùng nguyên liệu bằng việc nhập bò từ NewZealand, áp dụng công nghệ của Israel. Hiện TH Milk là một trong số những cái tên lớn trong ngành sữa với trang trại có 45.000 con bò sữa.

Nguyễn Văn Sự (57 tuổi)

Chức vụ: Thành viên HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Sự vốn từng được biết đến là người có quyền lực thứ 2 sau bầu Đức khi giữ chức vụ tổng giám đốc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ 2006-2015. Hồi đầu năm 2015, ông Sự rút khỏi vị trí này vì lý do sức khỏe. Trước khi gia nhập HAGL năm 1994, ông Sự từng công tác tại sở công nghiệp tỉnh Gia Lai.

Ông Sự và bầu Đức được ví là cặp bài trùng quyền lực với tính cách bổ khuyết cho nhau. Trong khi bầu Đức rất nóng tình thì ông Sự lại nổi tiếng là người mềm mỏng và khéo léo.

(Còn nữa)

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM