Louis Vuitton, Hermes, Gucci 'đứng ngồi không yên' vì mục tiêu 'thịnh vượng chung' của ông Tập Cận Bình

01/11/2021 13:47 PM | Xã hội

Năm 2012, chiến dịch chống tham những của Trung Quốc đã khiến doanh số ngành hàng xa xỉ, du lịch và khách sạn tụt thê thảm. Liệu lịch sử có lặp lại?

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo hãng tin CNN, ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang run sợ trước mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nguyên nhân là những động thái tái phân bổ lại của cải, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo có thể đe dọa đến doanh số của những thương hiệu xa xỉ bởi khách hàng chính của họ thường là giới nhà giàu.

Các chuyên gia nhận định những động thái của chính phủ Trung Quốc hiện nay đã gợi nhớ lại tình hình cách đây 7 năm khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện đả kích tham nhũng, khiến doanh số hàng xa xỉ tụt thê thảm. Lần này, khi các nhãn hàng xa xỉ cần người tiêu dùng Trung Quốc nhất sau đại dịch thì động thái mới này của chính phủ đương nhiên khiến các doanh nghiệp lo lắng.

Louis Vuitton, Hermes, Gucci đứng ngồi không yên vì mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Thị trường lớn nhất thế giới

Hãng tin CNN cho biết những người tiêu dùng Trung Quốc thường đam mê với các nhãn hàng xa xỉ như LVMH, Hermes hay Gucci. Năm 2020, số liệu của hãng tư vấn Bain cho thấy khi cả thế giới gồng mình với đại dịch Covid-19 thì thị phần của hàng xa xỉ tại Trung Quốc lại tăng trưởng gấp đôi, qua đó cho thấy độ thu hút của chúng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Cũng theo hãng Bain, Trung Quốc sẽ vượt qua Châu Âu và Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Trớ trêu thay, những động thái mới đây của Trung Quốc sau các chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ, giáo dục, trò chơi điện tử và giải trí đã khiến nhiều hãng ngành hàng xa xỉ lo lắng. Dẫu vậy, các chuyên gia hiện vẫn đang tranh cãi liệu một "cộng đồng thịnh vượng chung" sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hàng xa xỉ, vốn có doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Một số chuyên gia cho rằng mục tiêu này sẽ tác động tích cực hơn cho thị trường tiêu dùng bởi thu nhập của nhiều hộ gia đình nghèo sẽ tăng lên, tầng lớp trung lưu sẽ được mở rộng, qua đó tăng cường sức mua của người dân.

Ở chiều ngược lại, việc tăng thuế và nguồn thu từ giới nhà giàu nhằm tái phân bổ của cải sẽ ảnh hưởng đến lượng khách hàng chính của hàng xa xỉ.

"Ban đầu khi mục tiêu này được công bố, mọi người đều lo lắng bởi chúng gợi nhớ lại thời kỳ chống tham nhũng trước đây khiến nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ giảm sút mạnh", chuyên gia phân tích Zuzanna của ngân hàng UBS nhận định.

Louis Vuitton, Hermes, Gucci đứng ngồi không yên vì mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Trào lưu mua sắm hàng xa xỉ sẽ chấm dứt tại Trung Quốc?

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của LVMH đã giảm 7,9% trong tháng 8-9/2021, cổ phiếu của chủ sở hữu thương hiệu Gucci là Kering cũng giảm tới 19,4% trong cùng kỳ.

Đồng quan điểm, báo cáo của Citi Group chỉ ra rằng những mục tiêu mới của Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp hàng xa xỉ lao đao thời gian gần đây khi các nhà đầu tư lo ngại lịch sử sẽ lặp lại.

Giới nhà giàu lo lắng

Trong năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục có các động thái chấn chỉnh nền kinh tế, xã hội. Thế nhưng phải đến tháng 8/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới nhấn mạnh mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo bình đẳng xã hội trong thời gian tới.

Theo thông tấn xã nhà nước Xinhua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết cho việc kiểm soát giới nhà giàu, đồng thời khuyến khích họ đóng góp lại cho xã hội. Chính phủ cũng sẽ xem xét đánh thuế hay dùng những biện pháp khác để tái phân bổ lại của cải.

Hãng tin Bloomberg cho hay kể từ đầu năm đến nay, số tiền các tỷ phú Trung Quốc làm từ thiện đã nhiều hơn tới 20% so với cả năm 2020 trước áp lực của chính phủ.

Số liệu của Bloomberg cho thấy 7 tỷ phú hàng đầu Trung Quốc đã đóng góp kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay cho từ thiện. Hàng loạt các doanh nghiệp cũng cam kết đầu tư cho xã hội như Tencent Holding dành 15 tỷ Nhân dân tệ cho các chương trình an sinh xã hội trong khi hãng ứng dụng Pinduoduo chi tới 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương lợi nhuận của toàn bộ quý II/2021 chỉ để phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại không hào hứng với động thái này khi cổ phiếu của các hãng công nghệ lẫn hàng xa xỉ đều mất giá. Ngay cả các báo cáo thị trường như của UBS cũng đánh giá động thái mới trên tại Trung Quốc đã tạo nên sự bất ổn trên thị trường chứng khoán và gây lo lắng cho nhà đầu tư.

Một chủ đề nhạy cảm

Mặc dù chủ các thương hiệu xa xỉ vẫn tự tin về thị trường nhưng nhiều chuyên gia lại khá lo lắng khi mục tiêu "thịnh vượng chung" gợi nhớ lại lịch sử. Cách đây 7 năm, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã khiến chi tiêu của giới nhà giàu và quan chức giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến doanh thu hàng xa xỉ.

Louis Vuitton, Hermes, Gucci đứng ngồi không yên vì mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Giới nhà giàu Trung Quốc đang làm từ thiện nhiều hơn cả năm 2020 (tỷ USD)

Bắt đầu từ năm 2012 nhưng chiến dịch này ảnh hưởng đến hàng xa xỉ lan rộng sang cả năm 2013 khi tăng trưởng của họ tại thị trường Trung Quốc chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với 7% của năm trước đó.

CEO Patricia Pao của hãng tư vấn Pao Principle cho biết người tiêu dùng Trung Quốc thời gian đó thường né tránh những sản phẩm phô trương, có logo hay thiết kế lộ rõ ra ngoài.

"Mọi người không muốn đi loanh quanh với những chiếc túi in hình thương hiệu LV nữa", bà Pao nhớ lại.

Trong khi đó, thương hiệu rượu hạng sang Kweichow Moutai cũng suy giảm doanh số thê thảm và hãng đã phải thừa nhận quãng thời gian đó là vô cùng khó khăn cho toàn ngành.

Chưa dừng lại ở đó, chiến dịch chống tham nhũng năm 2012 còn khiến doanh số khách sạn đi xuống do quan chức không còn dám họp hành hay có nhiều chuyến công tác như trước. Một số khách sạn 5 sao thời kỳ đó thậm chí đã đề nghị được giảm sao, qua đó trở nên bớt xa xỉ hơn và dễ dàng cho các quan chức cũng như đại gia đến ở.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng hãng xa xỉ có thể sống tốt tại Trung Quốc bất chấp những bất ổn. Báo cáo của hãng tư vấn Bain cho thấy người tiêu dùng tại đây chiếm đến 35% doanh số hàng xa xỉ toàn cầu và đến năm 2025, con số này có thể đạt 50%.

"Vẫn còn quá sớm để nói về những tác động của chính sách nhà nước lên các thương hiệu xa xỉ", chuyên gia Brunno Lannes của Bain nhận định.

Trong khi đó, khảo sát của hãng nghiên cứu người tiêu dùng LookLook cho thấy chỉ có 1/10 số khách hàng của thị trường xa xỉ ngừng mua sản phẩm bởi vì động thái mới từ chính phủ.

*Nguồn: CNN, Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM