Nhận diện hướng đi mới của các đại gia phân phối điện thoại di động

01/06/2016 10:13 AM | Kinh doanh

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, các nhà phân phối sản phẩm công nghệ đều cho rằng, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là ở mảng online, bảo hành và một số thị trường ngách.

Theo dự báo của GFK, nhóm điện thoại di động sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao trong 2 năm tới và sẽ chiếm khoảng 80% toàn thị trường sản phẩm công nghệ thông tin, tương đương 82,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017.

Năm 2015, số lượng điện thoại di động đã bán ra tại Việt Nam là 14,1 triệu chiếc, sẽ tăng lên 19,4 triệu chiếc trong năm 2016 và tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm tới.

Cơ hội lớn từ thương mại điện tử

FPT Trading, một trong ba ông lớn trên thị trường phân phối sản phẩm công nghệ, gần đây vừa hé lộ thông tin sẽ mở rộng kênh phân phối cho các đối tác TMĐT, với nhận định rằng đây là phân khúc thị trường chưa được khai thác và hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2015 do Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014.

Mức doanh thu này chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong khi đó, tại một số thị trường phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Úc… tỷ lệ này tương ứng là 6,1%; 12,8%; 6,6%. Như vậy vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tăng trưởng từ TMĐT.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc các nhà phân phối sản phẩm công nghệ kết hợp với các đơn vị TMĐT sẽ mở ra một hướng kinh doanh mới nhiều triển vọng đột phá. Với mô hình này, nhà phân phối sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí so với truyền thống do các quy trình bán hàng, quản lý tồn kho, giao hàng, thu tiền,… đã được rút gọn.

Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều tiềm năng phát triển, các website TMĐT tại Việt Nam hiện lại gặp khó khăn về nguồn hàng, khả năng dự trữ, thiếu vốn khi nhập hàng số lượng lớn, không dễ đàm phán chính hãng với các thương hiệu lớn…Việc bắt tay với những tên tuổi lớn trong ngành phân phối sẽ giúp giải quyết được bài toán này.

Bảo hành vẫn giàu tiềm năng

Bên cạnh bán hàng online, bảo hành cũng là một lĩnh vực còn tiềm năng với các nhà phân phối. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh trong một thời gian, làm gia tăng nhu cầu bảo hành điện thoại hết thời hạn bảo hành chính hãng. Trong khi đó thị trường này tại Việt Nam còn khá manh mún, hoạt động rải rác.

Hiện FPT Trading vẫn đang dẫn đầu thị trường này với khoảng 10% thị phần, còn lại nằm trong tay các cửa hàng bảo hảnh nhỏ lẻ, không thương hiệu. Đây chính là cơ hội cho các ông lớn phân phối vốn đã sở hữu mạng lưới rộng khắp, kinh nghiệm cũng như tiềm lực vững mạnh về tài chính và công nghệ.

Với tiềm năng đó, FPT Trading cho biết sẽ đầu tư cho chuỗi bảo hành điện thoại di động chuyên nghiệp. Công ty này cho biết đã đặt mục tiêu sẽ chiếm khoảng 30% thị phần toàn thị trường của mảng bảo hành, và trở thành chuỗi các trung tâm dịch vụ bảo trì công nghệ thông tin.

Vươn ra quốc tế hay chọn thị trường ngách?

Sự bành trướng của các nhà bán lẻ được coi là mối đe dọa chính cho tương lai phát triển của doanh nghiệp phân phối. Do đó, làm cách nào để mở rộng thị phần luôn là bài toán được các doanh nghiệp phân phối đặt ra. FPT Trading mới đây cho biết mục tiêu của công ty là trở thành nhà phân phối trong khu vực.

Hiện nay, ở Việt Nam, các công ty phân phối điện thoại thường làm việc với đại diện hãng ở Việt Nam hay vùng. Tuy nhiên, với các chính sách kinh tế mở, tuân thủ theo cả luật quốc tế, các công ty phân phối giờ có thể chủ động nhập khẩu hàng từ đối tác phân phối nước ngoài nếu giá tốt hơn và chính sách được đảm bảo.

Nhờ thế, tạo ra sự cạnh tranh cho thị trường và có lợi cho người dùng. Theo nhận định của các chuyên gia, với cách làm này, các công ty phân phối điện thoại di động Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi ra thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, Digiworld (DGW) khẳng định sẽ không đặt hết canh bạc vào tay các nhãn hàng điện thoại lớn, mà tìm kiếm và giúp các nhãn hàng mới phát triển thị trường như OBI, Wiko, và mới đây nhất là thương hiệu điện thoại số 1 của Ấn Độ là Intex.

Bên cạnh đó, ông lớn này cũng sẽ không tập trung hết vào các chuỗi bán lẻ lớn (chiếm khoảng 55% thị phần), mà phủ hết kênh nhỏ lẻ hiện vẫn chiếm hơn 45% thị phần, và đây là nguồn đại lý ổn định và bền vững.

Theo phân tích của lãnh đạo DGW, nhóm người dùng điện thoại cơ bản hiện chiếm 40% thị phần và có xu hướng chuyển qua điện thoại thông minh trong tương lai. Do đó, trong thời gian tới thị trường điện thoại di động sẽ có sự tăng trưởng mạnh sẽ nằm ở phân khúc cấp thấp tại các địa phương và vùng xa chứ không phải ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Trường Minh

Cùng chuyên mục
XEM