Nhắm tới top 5 Việt Nam, Omoda & Jaecoo có bệ đỡ như thế nào?
Mang danh hiệu "thương hiệu ô tô toàn cầu tăng trưởng nhanh nhất thế giới", Omoda & Jaecoo đặt mục tiêu bán xe lọt top 5 tại Việt Nam trước 2028 với quy mô đại lý 3S lên tới 20 điểm.
Dự kiến trong 2 quý cuối năm 2024, Omoda & Jaecoo sẽ chính thức ra mắt thương hiệu tại Việt Nam, đồng thời mở bán các sản phẩm đầu tiên là Omoda C5 và Jaecoo J7. Đây là màn chào sân có thời gian tìm hiểu thị trường lâu nhất, kéo dài tới gần 3 năm.
Trước đó, vào đầu tháng 4 vừa qua, Omoda & Jaecoo đã thành lập liên doanh với Geleximco tại Việt Nam để xây nhà máy mới. Mục tiêu của họ là sản xuất khoảng 200.000 xe mỗi năm và có mặt trong top 5 thương hiệu ô tô tại Việt Nam từ 2024 - 2028.
Omoda & Jaecoo cũng vạch ra chiến lược khai trương 20 đại lý 3S theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong năm 2024. Vậy điều gì khiến thương hiệu này tự tin đến vậy?
Nguồn lực từ tập đoàn Chery
Sức mạnh chính của Omoda & Jaecoo đến từ tập đoàn mẹ Chery. Đây nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đầu tiên xâm nhập vào thị trường Châu Âu.
Xét về doanh số, Chery nắm giữ danh hiệu xuất khẩu ô tô số 1 Trung Quốc liên tục trong 22 năm. Riêng trong năm 2023, Chery ghi nhận sản lượng gần 2 triệu xe, trong đó xuất khẩu gần 1 triệu chiếc.
Tập đoàn này hiện sở hữu 80.000 nhân viên, 20.000 chuyên gia R&D (nghiên cứu và phát triển), 5 trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) và hơn 300 phòng nghiên cứu và thử nghiệm trải rộng khắp thế giới.
Chery đang đầu tư vào 13 công nghệ cốt lõi, bao gồm nền tảng xe, lái xe thông minh và điện khí hóa. Ngoài Omoda & Jaecoo, Chery còn sở hữu danh mục thương hiệu xe từ cao cấp đến bình dân, bao gồm Exceed, Chery, Icar và Jettour.
Đối tác chiến lược của JLR
Chery và JLR bắt đầu ký kết hợp tác từ năm 2012. Sau 12 năm, cả 2 bên đã mở ra nhiều cơ hội lớn trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện cao cấp.
Ở buổi phỏng vấn gần nhất, chủ tịch Yin Tongyao của Chery xác nhận bên phía JLR sẽ sử dụng khung gầm của Chery thiết kế cho những mẫu xe hybrid và thuần điện sắp tới. Cụ thể, các mẫu xe mới đến từ thương hiệu Anh Quốc sẽ sử dụng khung gầm M3X và E0X mà Chery đang dùng cho các sản phẩm như Exlantix ET, Exlantix ES, Luxeed 7, Luxeed R7, Exeed RX, Chery Tiggo 9…
Nền tảng khung gầm M3X có thể kết hợp với hệ thống hybrid DHT của Chery, gồm một động cơ xăng kết hợp với hai mô-tơ điện thông qua hộp số 3DHT165. Vài năm trước, đây là hộp số đầu tiên trên thế giới sử dụng cùng lúc hai mô-tơ điện.
Nền tảng E0X sử dụng công nghệ sạc điện áp cao 800V, với mức tiêu thụ năng lượng là 12kWh/100km, và ứng dụng công nghệ hỗ trợ lái hiện đại. E0X cũng có thể được trang bị hệ thống treo khí nén, nền tảng khung gầm cao cấp phù hợp với các xe thuần điện và EREV.
Trước đó, phía thương hiệu Jaguar cũng đưa ra thông báo về việc trước khi năm nay khép lại, hãng sẽ khai tử toàn bộ đội hình hiện thời trừ F-Pace. Định hướng mới của Jaguar là chuyển hẳn sang làm xe siêu sang thuần điện. Như vậy, chúng ta sẽ sớm thấy được những mẫu xe mới nhà Jaguar sử dụng khung gầm của tập đoàn Chery.
Omoda & Jaecoo bán xe gì tại Việt Nam?
Tại sự kiện gặp mặt báo chí hồi tháng 6, Giám đốc kinh doanh Omoda & Jaecoo Việt Nam cho biết lộ trình phát triển sẽ chia làm 3 giai đoạn.
Đầu tiên, trong giai đoạn 2024-2025, hãng sẽ phân phối 4 mẫu xe, bao gồm: Omoda C5 (bản xăng), Omoda E5 (thuần điện) và bộ đôi Jaecoo J7/J7 PHEV. Tất cả đều được nhập khẩu từ Indonesia.
Cũng trong khoảng thời gian này, hãng xe Trung Quốc sẽ mở trên 30 đại lý, showroom tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu lọt top 10 thị trường trong nước về doanh số bán hàng với thị phần ước tính 3%. Theo báo cáo VAMA, 3% thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 tương đương hơn 1.100 xe của Suzuki đạt được.
Dự kiến trong năm 2025, bộ đôi thương hiệu con của Chery bổ sung thêm 15 đại lý đạt tiêu chuẩn 3S và còn 16 đại lý trong quá trình đánh giá để đạt được tiêu chuẩn trên.
Đến giai đoạn 2 (2026-2027), Omoda & Jaecoo Việt Nam chuyển sang lắp ráp trong nước và bổ sung thêm Jaecoo J8/J8 PHEV vào dải sản phẩm. Doanh số của hãng dự kiến sẽ đạt 6% tổng thị trường (khoảng 2.500 xe, áp theo tình hình kinh doanh năm 2023 tại Việt Nam) và lọt vào vị trí top 8. Số lượng đại lý tăng lên mức 50.
Giai đoạn 3 là từ 2028 trở đi. Ở thời điểm này, Omoda & Jaecoo Việt Nam sẽ mang thêm mẫu Omoda C3/E3 và Jaecoo J6/J6 PHEV về thị trường để củng cố doanh số. Mục tiêu là 10% thị phần và lọt vào top 5 về doanh số bán hàng. Số lượng đại lý, showroom dự kiến sẽ vượt con số 100.
Để hình dung, hãng xe đứng vị trí top 5 trong năm 2023 là Mazda có tổng doanh số 35.632 chiếc bán ra thị trường. Trong khi hai vị trí top 8 và top 10 là Honda với Isuzu, doanh số lần lượt đạt 23.802 và 8.671 chiếc ra thị trường. Đó là những mốc tham khảo để thương hiệu Trung Quốc cần vượt qua nếu muốn đạt mục tiêu đầy tham vọng của mình.
Nếu kế hoạch trên thành hiện thực, Omoda & Jaecoo Việt Nam sẽ là một trong những hãng xe có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam không chỉ về số lượng xe bán ra mà còn ở hệ thống đại lý toàn quốc. Toyota tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 1995 và tính tới thời điểm tháng 6/2023, hãng xe này đã mở được 86 đại lý, showroom trên cả nước. Hay Mitsubishi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1994 nhưng tới nay mới chỉ mở 60 đại lý.