Nhầm liều, nhầm thuốc là sự cố y khoa hay gặp nhất trong dược lâm sàng

18/09/2022 18:39 PM | Sống

Sự cố gặp nhiều nhất trong dược lâm sàng ở Việt Nam là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến Trung ương và 18,5% tổng sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022" do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) dẫn lại cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết mỗi phút lại có 5 người trên thế giới tử vong do không được chăm sóc y tế an toàn, trong đó 50% trường hợp là phòng tránh được.

"Sự cố y khoa cùng hành nghề y không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm", ông Khuê nói.

Bộ Y tế: 5 người chết mỗi phút do không được chăm sóc y tế an toàn - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trình bày tham luận “An toàn người bệnh liên quan đến báo cáo sự cố và hoạt động an toàn sử dụng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Ảnh: ĐCS

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, mỗi người trên thế giới vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ.

Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại (có thể phòng tránh được) trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.

Liên quan đến sử dụng thuốc, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết 12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng là 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên; 6-7% người bệnh nội trú gặp sự có liên quan đến thuốc; 30% người bệnh gặp sự cố khi dùng từ 5 loại thuốc trở lên.

Bộ Y tế: 5 người chết mỗi phút do không được chăm sóc y tế an toàn - Ảnh 2.

Báo cáo sự cố y khoa qua các năm tại Việt Nam từ năm 2019 đến tháng 8/2022. Nguồn: Bộ Y tế

Tỷ lệ đơn thuốc có sai sót kê đơn: Tại Anh là 5%, tại Arab Saudi là 20%; tại Mexico là 58%, trong đó kê đơn sai liều lượng chiếm 27,6%.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc.

Tại Việt Nam, từ 2019 đến tháng 8 năm nay, 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố. Trong đó, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương và 18,5% là tại bệnh viện tỉnh, thành phố. Riêng tại bệnh viện tuyến quận huyện, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm thuốc, chiếm hơn 23%.

Trước thực tế này, ông Khuê nhấn mạnh bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng loại, đúng người, đúng bệnh. 

"Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả", ông Khuê nói.

Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần đảm bảo 5 đúng, gồm: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian. Người bệnh trước khi sử dụng thuốc cũng cần biết thông tin về thuốc, kiểm tra liều và thời gian sử dụng, hỏi lại nhân viên y tế nếu chưa hiểu rõ.

Bộ Y tế: 5 người chết mỗi phút do không được chăm sóc y tế an toàn - Ảnh 3.

Điều dưỡng khi thực hiện thuốc cần đảm bảo đúng người, đúng bệnh và đúng liều

Người bệnh trước khi sử dụng thuốc cũng cần biết thông tin về thuốc, kiểm tra liều và thời gian sử dụng, hỏi lại nhân viên y tế nếu chưa hiểu rõ.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt, an toàn cho người bệnh là ưu tiên số 1”.

Đó là các văn bản hướng dẫn triển khai 6 mục tiêu an toàn người bệnh của Tổ chức Y tế thế giới như Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện, Thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nhiều văn bản về lĩnh vực An toàn trong công tác dược lâm sàng.

Tuy nhiên, sự cố và các rủi ro luôn tiềm ẩn đối với mọi ngành nghề. Đặc biệt, đối với dịch vụ y tế mang tính đặc thù, nguy cơ về sự cố y khoa luôn thường trực, trong đó có các sự cố liên quan đến bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc. Vì thế, an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM