Nhà tuyển dụng sẽ thích mê nếu bạn thành thục 9 kỹ năng này

04/03/2017 13:17 PM | Sống

Tìm việc không phải là chuyện đơn giản, thế nhưng những nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là nhiều "tài lẻ" mặc dù nó chẳng liên quan mấy tới ngành nghề.

Tìm kiếm một công việc mới có thể rất khó. Khó ở chỗ phải cân bằng khi viết thư xin việc và phỏng vấn với những nhiệm vụ mình phải làm ở công việc hiện tại, rồi lại phải nổi bật hơn so với những ứng viên cạnh tranh.

Nếu hồ sơ của bạn dễ đọc, không có lỗi đánh máy, và bạn có những kinh nghiệm liên quan chặt chẽ với vị trí đang ứng tuyển, hãy thử bổ sung một số kỹ năng vào cuối hồ sơ. Các kỹ năng này sẽ giúp bạn quảng bá hình ảnh bản thân như một ứng viên vượt trội, khiến bạn trở nên nổi bật trong vô vàn các hồ sơ ứng viên.

Dưới đây là một số kỹ năng cho nhiều loại hình công việc khác nhau, vì thế hãy cân nhắc trước khi đưa vào hồ sơ của bạn:

1. Adobe Photoshop

Nếu bạn muốn tìm kiếm một công việc sáng tạo hơn, như chỉnh sửa ảnh hay thiết kế đồ họa, thì có kiến thức cơ bản về Photoshop thường là điều kiện bắt buộc.

2. Microsoft Excel

Những người làm việc trong ngành tài chính dành rất nhiều thời gian để nhập dữ liệu và phân tích thông tin trong một bảng số liệu của Excel, vì thế bạn cần phải nắm rõ chương trình này như lòng bàn tay.

3. Tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào đó

Học một ngôn ngữ mới không phải là việc dễ dàng, nó buộc bạn phải “lập trình” lại bộ não một chút. Nhưng lợi ích của việc học ngoại ngữ đã được ghi lại rất nhiều và những người giỏi ngoại ngữ thường có trí nhớ và khả năng làm nhiều việc một lúc tốt hơn. Tất nhiên họ cũng trở thành những ứng viên nổi bật hơn cho một số công việc nữa.

4. Lập trình web

Kiến thức cơ bản về lập trình web rất hữu ích cho nhiều công việc khác nhau, kể cả những việc không thuộc lĩnh vực công nghệ.

5. WordPress

Dù bạn là một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm chuyển từ báo giấy sang báo điện tử hay một sinh viên mới ra trường chuẩn bị cho công việc đầu tiên của mình, thì làm việc cho một trang web đòi hỏi bạn phải hiểu được nền tảng của nó hoạt động ra sao. Mỗi hệ thống quản trị nội dung lại khác nhau, nhưng nắm được WordPress sẽ là một bước khởi đầu cực kỳ chắc chắn.

6. Diễn thuyết

Dù bạn làm việc trong ngành nào, thì cũng có một điều chắc chắn là: Một lúc nào đó bạn sẽ phải phát biểu trước một đám đông gồm toàn người lạ. Một số người vốn đã giỏi ăn nói và diễn thuyết, một số người thì không. Nếu bạn thấy mình thuộc nhóm thứ hai, hãy cố gắng học cách giữ bình tĩnh, tươi tỉnh và luôn tập trung dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

7. SEO (Tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm)

Có thể coi SEO là một công cụ tuyệt vời cho những ai làm các công việc liên quan đến đo lường thành công dựa vào số lượng click, like và share. Nhờ đưa SEO vào danh sách những kỹ năng mà mình sở hữu, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy mình có những gì cần thiết để khiến một bài báo thu hút nhiều người đọc và thực hiện thành công một chiến dịch truyền thông.

8. Google Analytics

Nếu SEO khơi gợi được sự quan tâm của bạn, thì tìm hiểu thêm về Google Analytics là một bước đi quan trọng. Khi bạn đã biết cách tối ưu hóa các bài viết và các chiến dịch quảng bá, bạn cần tìm ra cách ghi lại và phân tích hiệu quả của chúng. Với Google Analytics, bạn sẽ biết được thông tin nhân khẩu học của trang web, bao nhiêu người quay lại trang web của bạn, nhấp chuột vào bài báo nào, v.v.

9. Quản trị sản phẩm

Đưa một ý tưởng cất cánh và làm cho nó hiển hiện trước mắt các nhà đầu tư tiềm năng có thể là một việc cực kỳ khó. Dù bạn thuộc phòng marketing của một công ty startup hay chuẩn bị trình bày sản phẩm của mình cho các nhà đầu tư lớn, thì kỹ năng quản lý sản phẩm là điều không thể thiếu được nếu muốn tỏ ra thuyết phục.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM