Nhà Trắng lên kế hoạch xây dựng "Vạn lý Tường lửa" phiên bản Mỹ
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, kế hoạch này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cũng như quyền riêng tư và dữ liệu nhạy cảm của công dân Mỹ trước các lực lượng tình báo nước ngoài.
Sau nỗ lực viết lại các quy tắc internet và thâu tóm TikTok, chính quyền ông Trump còn đang lập kế hoạch xây dựng nên một bức tường kỹ thuật số quanh nước Mỹ - một ý tưởng tương tự như Vạn lý Tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc hiện nay – điều mà nước Mỹ thường lên tiếng chê bai, chỉ trích.
Kế hoạch này mới được Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo phác thảo lên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Với tên gọi mỹ miều "Clean Network" (Mạng lưới Sạch), kế hoạch này được triển khai với 5 mục đích chính như sau:
1. Để chặn các nhà mạng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc khỏi kết nối với mạng viễn thông Mỹ. Các công ty này bị xem như gây ra mối nguy cho an ninh quốc gia Mỹ và không được cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế đi và đến Mỹ.
2. Để loại bỏ các ứng dụng Trung Quốc (được xem như các ứng dụng không đáng tin cậy) khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ bởi vì các ứng dụng này "đe dọa đến quyền riêng tư, phát tán virus và lan truyền thông tin giả. Các thông tin kinh doanh và cá nhân nhạy cảm nhất của người Mỹ trên điện thoại của họ sẽ không để cho các tên trộm từ Trung Quốc được hưởng lợi.
3. Để ngăn dữ liệu người dùng trên các ứng dụng khỏi sự tiếp cận của những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc "không đáng tin cậy" như Huawei, thông qua chợ ứng dụng của riêng họ. Các công ty này còn được khuyến cáo nên gỡ bỏ ứng dụng của mình khỏi cửa hàng ứng dụng của những công ty như Huawei, để tránh dữ liệu người dùng bị khai thác.
4. Để ngăn các thông tin nhạy cảm và những thông tin kinh doanh giá trị nhất của công dân Mỹ, bao gồm cả các nghiên cứu về vắc xin Covid-19, được lưu trữ trên các nền tảng đám mây của nước ngoài thông qua các công ty như Alibaba, Baidu, Tencent.
5. Cuối cùng, kế hoạch còn để đảm bảo các đường cáp ngầm dưới biển kết nối internet của nước Mỹ với toàn cầu không bị tấn công nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo trên quy mô lớn.
Các mục đích kể trên cho thấy mức độ và phạm vi rộng lớn của chương trình Clean Network, tuy nhiên lại không rõ kế hoạch này sẽ được thực thi như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới trong vài tháng tới. Kế hoạch này cũng không có các chi tiết kỹ thuật về cách thức thực hiện của chính quyền để đạt được các mục tiêu này cũng như không có các tham chiếu pháp lý để những mục đích trên có thể xảy ra.
Cho dù kế hoạch này đang được so sánh với Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc, nhưng theo Maria Farrell, nhà nghiên cứu độc lập về chính sách công nghệ quốc tế, cách tiếp cận của kế hoạch này giống với cách tiếp cận của nước Nga hơn. Theo đó, chính quyền yêu cầu dữ liệu phải được lưu trữ trong nước còn các dữ liệu nhạy cảm liên quan đến công dân Nga phải được xử lý trên đất Nga, nhưng không có các yêu cầu về kiểm soát và kiểm duyệt web gắt gao như Trung Quốc.
Dù sao đi nữa, lệnh cấm đối với TikTok dường như chỉ là bước khởi đầu cho các thay đổi trong chính sách đối với internet của chính quyền ông Trump. Cho đến nay, các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như TikTok và WeChat đã bị ông Trump ra các sắc lệnh hành pháp để cấm sử dụng tại nước Mỹ.
Tham khảo Gizmodo, The Verge