Nhà sáng lập gây tranh cãi của Theranos đã "vay mượn" vẻ ngoài của Steve Jobs như thế nào
Apple và đặc biệt là nhà đồng sáng lập nổi tiếng Steve Jobs đã truyền cảm hứng cho một số cá nhân, ý tưởng và công ty trong nhiều năm qua.
Nhưng vị cựu lãnh đạo đáng kính và các sản phẩm được đánh giá cao của Apple còn là nguồn cảm hứng đối với nhà sáng lập công nghệ sức khoẻ gây tranh cãi của Theranos là Elizabeth Holmes.
Trong một cuốn sách sắp ra mắt, phóng viên của tờ Wall Street Journal là John Carreyrou đã nêu chi tiết một số cách mà Holmes (nữ giám đốc điều hành có giá trị ròng từ 4,5 tỷ USD tụt xuống mức zero sau khi những câu hỏi về tính hợp pháp của các công cụ xét nghiệm máu của cô xuất hiện) đã "vay mượn" từ Apple.
Cách ăn mặc
Holmes mặc một bộ trang phục cố ý sao chép lại phong cách của Steve Jobs, với áo thun cổ rùa đen. Cô bắt đầu ăn mặc như vậy vào năm 2007 sau khi thuê Ana Arriola, một nhà thiết kế sản phẩm từng tham gia phát triển chiếc iPhone đầu tiên. Arriola trở thành kiến trúc sư thiết kế trưởng tại Theranos và đặt mục tiêu biến công nghệ của Theranos thành một thứ gì đó trông giống và có cảm giác như một sản phẩm của Apple. Carreyrou viết rằng:
"Ana cảm thấy Elizabeth có thể làm mới chính mình. Cách mà cô ta ăn mặc rõ ràng là không hợp thời trang. Cô mặc một chiếc quần rộng thùng thình màu xám và áo len Giáng sinh, khiến mình trông chẳng khác gì một mụ kế toán lôi thôi. Những kẻ bợ đỡ cô ta, như Channing Robertson và Don Lucas, bắt đầu so sánh cô với Steve Jobs. Nếu như vậy, cô phải ăn mặc cho giống, Ana khuyên. Và Elizabeth nghe theo răm rắp. Từ thời điểm đó, cô ta đi làm với một chiếc áo thun cổ rùa đen và quần đen mỗi ngày".
Steve Jobs bắt đầu mặc chiếc áo thun cổ rùa biểu tượng của mình cùng quần Levis sau khi trở lại Apple vào cuối những năm 1990. Chúng như là đồng phục với ông, và hiếm khi người ta thấy ông mặc đồ khác.
Cuốn sách mới còn nhấn mạnh Holmes nhắc đến hệ thống thử máu của công ty mình như là "iPod của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ", và thậm chí còn đặt tên một sản phẩm là 4s nhằm bày tỏ lòng kinh phục với một trong những mẫu iPhone mới thời bấy giờ mà Apple vừa tung ra.
Những thông tin này được lấy từ cuốn sách sắp ra mắt Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup, hiện đang được pre-order trên Amazon.
Những người "đóng vai" Steve Jobs khác
Holmes không phải là người duy nhất lấy ý tưởng từ Jobs và Apple về việc làm thế nào để biến một thứ khá chán, hay một sản phẩm mang tính kỹ thuật thành một thứ sản phẩm tiêu dùng xứng đáng lên trang bìa các tạp chí.
Ví dụ, trùm Xiaomi Lei Jun kinh doanh bằng cách tạo ra các sản phẩm nhái theo iPhone, và trong quá trình giới thiệu, ông này cũng mặc một chiếc quần jean và áo thun cổ rùa màu đen. Câu chuyện của ông được kể lại vào năm 2013 trong một bài báo của tờ New York Times với tiêu đề "Tại Trung Quốc, một đế chế được dựng nên bằng cách nhại theo Apple". Khá nhiều doanh nhân khác cũng mượn cảm hứng từ Steve Jobs và Apple nhằm giúp họ quảng cáo và bán các sản phẩm.
Hiện nay, khi mà Theranos nhận được sự chú ý rộng rãi sau khi tạp chí Wall Street phanh phui mô hình kinh doanh có nhiều vấn đề phức tạp của nó, Elizabeth Holmes có lẽ là người "đóng vai" Steve Jobs gây tranh cãi nhất.
Tham khảo: Cult of Mac