Nhà phố cổ tăng giá đột biến: 15m2 ăn tiêu cả đời

02/04/2017 09:28 AM | Kinh doanh

Nhu cầu thuê tăng cao kéo nhà phố cổ tăng giá kể từ khi cơ quan chức năng mạnh tay dọn dẹp vỉa hè. Chỉ cần cho thuê mặt bằng diện tích chưa đến 15m2, chủ cửa hàng không cần làm gì cũng có tiền ăn tiêu cả đời.

Mấy ngày nay, anh Nguyễn Đức Huấn, một nhân viên môi giới dịch vụ nhà đất, đang ráo riết săn lùng mặt bằng cho thuê tại khu vực phố cổ. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh thuê chung cửa hàng và bày bán tràn ra vỉa hè do giá thuê cao và mặt bằng khan hiếm.

Sau khi Hà Nội mạnh tay dọn dẹp vỉa hè , nhu cầu cần thuê mặt phòng để kinh doanh tăng đột biến. Phần lớn các yêu cầu đều ở khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều ngành hàng kinh doanh sầm uất. Tuy nhiên, do mặt bằng hạn chế nên dù có trả giá cao nhưng vẫn khó có thể tìm được bằng mặt bằng đáp ứng nhu cầu của khách thuê.

Dẹp vỉa hè, kinh doanh trên nhiều tuyến phố bị ảnh hưởng
Dẹp vỉa hè, kinh doanh trên nhiều tuyến phố bị ảnh hưởng

Anh Huấn chia sẻ, khu vực phố cổ luôn có mức giá cho thuê cao ngất ngưởng. Anh lấy dẫn chứng, tại phố Hàng Bông, giá thuê trung bình 50 triệu đồng/tháng; mặt tiền trên 7m có giá thuê lên tới 150 triệu đồng/tháng. Phố Hàng Trống gái cho thuê khoảng 60 triệu đồng/tháng, với các cửa hàng mặt tiền và diện tích nhỏ; diện tích trên 100 m2 có mức giá thuê lên tới 250 triệu đồng/tháng.

Theo quan sát của PV, trong khu vực phố cổ có những cửa hàng thuộc dạng siêu nhỏ. Như một cửa hàng trên phố Hàng Gai diện tích chỉ hơn 6m2 vô cùng chật hẹp, nhưng theo chủ cửa hàng, họ phải trả với giá 10 triệu đồng/tháng tiền thuê mặt bằng.

Trước việc thuê mặt bằng “bấp bênh” do không ổn định, nhiều hộ kinh doanh có nhu cầu mua luôn nhà phố cổ, nhưng việc này cũng không dễ dàng. Theo anh Huấn, giá nhà đất ở khu vực phố cổ luôn cao ngất ngưởng, nhiều tuyến phố có giá 1 tỷ đồng/m2 nhưng cũng không có để giao dịch. Phần lớn những người đang sở hữu nhà phố cổ không muốn bán bất động sản đang sinh lời và có giá trị theo thời gian.

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu bất động sản Gạch Vàng cho thấy, giá đất tại phố cổ đang cao ngất ngưởng. Đơn cử phố Hàng Trống, Hàng Hành là 2 phố có giá đất cao nhất Hà Nội. Giá thương lượng cao nhất ghi nhận được trong hơn 10 tháng qua lên đến 1,25 tỷ đồng mỗi mét vuông, giao dịch thành công phổ biến ở ngưỡng 1 tỷ đồng mỗi m2, mức bình quân đạt 750 triệu đồng và thấp nhất khoảng 635 triệu đồng một m2.

Một số tuyến phố kinh doanh khác cũng có mức giá tương đối cao như Phan Chu Trinh ghi nhận gần 742 triệu đồng mỗi m2. Phố Nguyễn Biểu thuộc quận Ba Đình, xấp xỉ 730 triệu đồng.

Ngoài ra phải kể tới các phố khác như phố Hàng Cá (663,3 triệu đồng/m2), Hai Bà Trưng (634,4 triệu đồng), Nhà Chung (600 triệu đồng), Nguyễn Hữu Huân (582,3 triệu đồng), Độc Lập (580 triệu đồng).

Giá nhà đất phố cổ luôn cao ngất ngưởng
Giá nhà đất phố cổ luôn cao ngất ngưởng

Trong khi khu vực phố cổ được giới kinh doanh săn lùng tìm mặt bằng để kinh doanh thì tại các trung tâm thương mại, tỷ lệ lấp đầy lại tương đối khiêm tốn.

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, giá thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại giảm, ghi nhận ở mức 29 USD/m2/tháng, chủ yếu do giá thuê thấp tại các khu vực ngoài trung tâm. Việc trả lại mặt bằng do tình hình kinh doanh không tốt của một số nhà bán lẻ đã làm cho một số chủ đầu tư buộc phải giảm giá thuê giữ chân khách đang có và thu hút thêm khách thuê mới.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn này, giá thuê sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung lớn trong khi nguồn cầu không biến động nhiều. Dự kiến, Hà Nội sẽ có thêm 280 nghìn m2 diện tích bán lẻ cao cấp trong vòng 2 năm tới.

Lý giải về việc trong khi phố cổ khan hiếm mặt bằng trong khi trung tâm thương mại lại dư thừa vẫn không có khách thuê, Nguyễn Xuân Thành, trưởng phòng kinh doanh Công ty địa ốc Đất Việt, cho biết, do đặc thù kinh doanh của Hà Nội đều theo phố. “Buôn có bạn, bán có phường đã được hình thành từ lâu, đây là một đặc trưng kinh doanh của Hà Nội, khác hẳn với nhiều nước. Trong trung tâm thương mại dù có rẻ nhưng họ cũng không muốn vào”, ông Thành nói.

Đánh giá tác động của việc dẹp vỉa hè tới thị trường bất động sản, ông Đặng Văn Quang, đại diện JLL tại Việt Nam cho rằng, chưa thể kết luận ngay lập tức tác động tới thị trường. Theo ông Quang, nếu việc dẹp vỉa hè tiếp tục làm ráo riết ồ ạt, kéo dài và duy trì sẽ có sự ảnh hưởng tương đối đáng kể tới thị trường bất động sản. Trong đó, những đơn vị đang sở hữu diện tích bán lẻ lớn có chỗ đỗ xe sẽ được hưởng lợi.

Còn ông Bùi Trung Kiên nhận định, trước mắt các quán kinh doanh cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Họ không được phục vụ khách ở vỉa hè nữa phải dọn vào trong, dẫn tới diện tích thuê bị thu hẹp. Nhu cầu thuê kinh doanh cà phê sẽ tăng cao hơn, nhu cầu nhà phố sẽ ảnh hưởng.

Trong khi đó, những khu khác giá có thể giảm, nhất là tại các tuyến đường không cho phép để xe ở vỉa hè hay kinh doanh tràn lan ra ngoài nên khách thuê sẽ phải tìm cách tìm địa điểm khác thích hợp hơn.

Theo Duy Anh

Cùng chuyên mục
XEM