“Nhà nước không can thiệp, trừ khi Big C phân biệt đối xử”

11/05/2016 08:42 AM | Kinh doanh

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định Nhà nước sẽ không can thiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc Big C phân biệt đối xử với mặt hàng của mình thì cung cấp để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý.

Việc một số siêu thị lớn, trong đó có Big C, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa tăng mức chiết khấu đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều.

Sau khi một số hệ thống siêu thị lớn thay đổi chủ sở hữu thời gian qua, để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, trong tháng 3-4/2016, các siêu thị, trong đó có Big C, đã gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu.

Trước đề nghị này, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Big C đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.

Theo VASEP, hệ thống siêu thị Big C đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25-5%, khiến hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối để tiếp tục hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể sống được và có “một chút lợi nhuận” cho tái đầu tư.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP khẳng định, trong hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, nếu Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không doanh nghiệp nào đáp ứng được, còn nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ.

Trong công văn gửi Big C, VASEP cho hay “nhiều doanh nghiệp đang hợp tác cùng Big C với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức chiết khấu rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư”.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị phía Big C chia sẻ và hợp tác lâu dài, không tăng thêm chiết khấu trong năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm mức chiết khấu xuống dưới 15%.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Truyền thông hệ thống Big C, khẳng định: “Big C không gây sức ép lên bất kì doanh nghiệp nào, hàng hóa giá thành hợp lý, phù hợp thì Big C sẵn sàng nhập. Thuận mua vừa bán. Hiện 90-95% hàng hóa tại Big C là hàng Việt Nam, không có chuyện đẩy hàng Việt Nam để nhập hàng Thái Lan”.

Đồng thời, ông Nguyên cho biết thông tin về chiết khấu cao mới chỉ là thông tin nghe được nên Big C rất khó xử lý, nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào có khiếu nại, có thể gửi văn bản, email trực tiếp về hệ thống siêu thị, khi đó Big C sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể từng trường hợp theo đúng quy trình.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc mua bán, nhập hàng của các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ đều theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp. Trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc Big C phân biệt đối xử với mặt hàng của mình thì cung cấp để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý.

Cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Casino (Pháp) thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại hệ thống Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan. Giá trị thương vụ lên tới 1 tỉ euro, tương đương 1,14 tỉ USD. Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng người Thái Lan đang có kế hoạch “thôn tính” thị trường bán lẻ Việt Nam một cách bài bản và nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại nói doanh nghiệp Việt thay vì lo lắng thì nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vì hàng hóa ngoại vào thị trường Việt chỉ là chuyện sớm muộn thôi.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp bán lẻ muốn tồn tại phải chứng minh được đẳng cấp của mình bằng chất lượng sản phẩm, giá bán và cung cách phục vụ. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh "sân nhà" để phát triển.

Hệ thống Big C đã có mặt tại Việt Nam hơn 18 năm với mạng lưới gồm 40 cửa hàng, 30 trung tâm mua sắm hiện đại. Big C Việt Nam cũng xây dựng được mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp trong nước.

Theo Phan Trang

Cùng chuyên mục
XEM