Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm

22/06/2023 18:30 PM | Sống

Chính sách "lọc máu" của CEO Trung Quốc này không chỉ vực dậy nhà máy đang đứng bên bờ vực phá sản, mà còn giúp doanh nghiệp này đạt đến thời kỳ hoàng kim, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Gã CEO “khùng” và nhà máy sắp phá sản

Đào Kiến Hạnh sinh ra ở Đan Đồ, Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc vào năm 1953. Từ nhỏ, ông đã tin rằng tri thức có thể thay đổi vận mệnh nên rất thích học hỏi và chăm chỉ học hành. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại cầm sách lên đọc, mày mò một số đồ gia dụng và rất hứng thú với công nghệ. Khi các bạn cùng trang lứa chọn bỏ học để kiếm tiền, Đào Kiến Hạnh nhất quyết xin bố mẹ hỗ trợ học hết đại học và hứa rằng ông nhất định sẽ trở thành người giàu có để giúp gia đình thoát nghèo.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Đại học Nam Kinh, ông đến Nhà máy Thiết bị Điều hòa không khí Thái Châu làm việc với tư cách là kỹ thuật viên. Sau vài năm công tác tại đây, ông lại đến Công ty Công nghiệp Luyện kim Máy móc Thái Châu và trở thành phó trưởng phòng kỹ thuật của công ty này.

Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

CEO Đào Kiến Hạnh. Ảnh: Toutiao

Tuy nhiên, sau khi Đào Kiến Hạnh rời đi không lâu, nhà máy sản xuất thiết bị điều hòa không khí Thái Châu hoạt động kém hiệu quả, tổng giá trị sản lượng chỉ 20 triệu NDT và chịu thua lỗ trong nhiều năm. Lúc đó, không ai muốn tiếp quản vì nhà máy này đang trên bờ vực phá sản. Vậy mà năm 1985, Đào Kiến Hạnh bất ngờ trở về và trở thành giám đốc điều hành.

Khi đó, rất nhiều người đều nghĩ rằng vị giám đốc đang "tự đào hố chôn mình". Tuy nhiên, Đào Kiến Hạnh không cho là vậy. Bởi ông nhìn thấy được tương lai nhà máy không chỉ “hồi sinh” sau nợ nần mà thậm chí còn rất phát triển.

“Thay máu” cho doanh nghiệp

Sau khi tiếp quản nhà máy, Đào Kiến Hạnh đã thực hiện một cuộc cải tổ quy mô lớn trong nội bộ doanh nghiệp. Đầu tiên, giám đốc này tiến hành tinh giản nhân sự bằng cách sa thải tất cả nhân viên ở các bộ phận không cần thiết của công ty. Vào thời điểm đó, nhiều người rất bất mãn và tỏ thái độ chống đối với Đào Kiến Hạnh. Thế nhưng, vị CEO mới này dường như không quá bận tâm mà vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình.

Không chỉ làm mới bộ máy sản xuất, ông còn đổi mới gần như toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp. Trước đó, công ty làm ra hơn 40 sản phẩm cùng lúc nhưng không tiêu thụ được sản phẩm nào. Vì vậy, Đào Kiến Hạnh đã cắt giảm hơn 30 loại sản phẩm và dồn toàn lực để tập trung tạo ra một sản phẩm kinh doanh chính, đó là sản xuất máy điều hòa không khí.

Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Vừa tiếp quản nhà máy, Đào Kiến Hạnh đã "khai tử" 30 sản phẩm và sa thải hàng loạt nhân sự. Ảnh: Toutiao

Tại sao Đào Kiến Hạnh lại chọn điều hòa không khí làm sản phẩm mũi nhọn của nhà máy?

Thứ nhất, sau nhiều năm hoạt động, nhà máy đã tích lũy được một lượng công nghệ nhất định về sản xuất sản phẩm này. Thứ hai, ông đã đích thân đi tìm hiểu thị trường và nhìn thấy được tiềm năng của thị trường điều hòa không khí ở Trung Quốc.

Theo đó, Đào Kiến Hạnh nhận thấy rằng các sản phẩm điều hòa không khí chính do các công ty cùng ngành sản xuất trên thị trường có công suất làm mát nằm trong khoảng 3.000-7.000 kcal/giờ. Do đó, loại dưới 3.000 kcal hoặc trên 7.000 kcal vẫn còn khá khan hiếm trên thị trường. Vì vậy, ông quyết định chế tạo một chiếc máy lạnh có công suất hơn 7.000 kcal để lấp đầy khoảng trống đó.

Năm 1987, Điền Kiến Hạnh tung ra loại máy điều hòa không khí dạng tủ 7.000 kcal/h mới. Loại điều hòa này ngay khi ra mắt đã lập tức được ưa chuộng và chiếm lĩnh 70% thị trường máy điều hòa không khí có công suất lớn.

Thu về quả ngọt

Năm 1989, doanh số bán điều hòa vượt quá 100.000 chiếc. Chỉ 3 năm sau khi sản xuất sản phẩm mới, nhà máy của Đào Kiến Hạnh đã trở thành “quán quân” bán hàng trong ngành. Cũng trong năm này, vị CEO này chính thức đổi tên nhà máy thành Chunlan Refrigeration Equipment Co., Ltd.

Đến năm 1990, tổng giá trị sản lượng của Chunlan đã đạt 112 triệu NDT, lợi nhuận và thuế đạt 15,79 triệu NDT và thị phần chung của máy điều hòa không khí đã đạt 30%.

Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Thương hiệu điều hòa không khí Chunlan chiếm lĩnh thị trường lúc bấy giờ. Ảnh: Toutiao

Để không ngừng phát triển, Đào Kiến Hạnh không chỉ chăm chỉ nghiên cứu và phát triển sản phẩm mà còn không tiếc công sức quảng cáo và tiếp thị. Năm 1989, ông mời một người gốc Thái Châu tên là Diệp Mậu Trung và đưa cho người này ngân sách 50.000 NDT để quay một quảng cáo. Sau đó, ông chi thêm 300 triệu NDT để chạy quảng cáo này trên CCTV trong 5 năm liên tiếp.

Cứ thế, hãng điều hòa của Đào Kiến Hạnh đã len lỏi vào cuộc sống của người dân một cách rất tự nhiên và chiếm được sự yêu thích vào thời điểm đó. Năm 1994, thương hiệu điều hòa không khí Chunlan của Đào Kiến Hạnh bước vào thời kỳ hoàng kim. Doanh nghiệp sản xuất điều hòa của ông mở rộng với 12 nhà máy, doanh số bán ra vượt quá 1.000.000 chiếc và giá trị sản lượng đạt 5,2 tỷ NDT trong năm đó.

Nhà máy sắp phá sản, CEO vừa tiếp quản đã "khai tử" 30 sản phẩm, sa thải hàng loạt nhân sự: Sau 8 năm trở thành "vua" bán hàng, thu lợi 2.000 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Năm 1994 là thời kỳ đỉnh cao của thương hiệu điều hòa Chunlan. Ảnh: Toutiao

Trên đà thắng lợi, sản phẩm của Chunlan nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu hãng điều hòa không khí của Trung Quốc. 8 năm liên tiếp giành quán quân về doanh số bán máy điều hòa, lợi nhuận hàng năm của Chunlan lên tới 600 triệu NDT ( gần 2.000 tỷ đồng).

Vào cuối năm 1994, 30 triệu cổ phiếu của Chunlan được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, huy động được tổng cộng 240 triệu NDT.

Năm 1995, điều hòa không khí Chunlan đã giành được danh hiệu "Vua điều hòa không khí" và trở thành nhà sản xuất điều hòa không khí lớn thứ 7 trên thế giới, vượt mặt nhiều thương hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ như Gree, Midea và Haier. Không ngoa khi nói rằng cứ 10 chiếc điều hòa bán ra trên thị trường thì có đến 8 cái thuộc thương hiệu Chunlan.

Sau này, Đào Kiến Hạnh còn mở rộng Chunlan sang các lĩnh vực mới như tủ lạnh, TV, máy giặt, vận tải. Tuy nhiên, vì đầu tư không hiệu quả nên thương hiệu Chunlan dần mất vị thế trên thị trường.

Dẫu vậy, câu chuyện vị CEO Đào Kiến Hạnh từng tay không vực dậy nhà máy sắp phá sản năm nào vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới trẻ khởi nghiệp ở Trung Quốc. Ông cũng chính là biểu tượng cho một doanh nhân dám nghĩ dám làm để thế hệ sau noi theo.

(Theo Toutiao)

theo Ánh Lê

Cùng chuyên mục
XEM