Nhà khoa học này đã nuôi một con tinh tinh lớn lên cùng con trai mình, kết quả của thí nghiệm đó thật khủng khiếp

09/11/2021 11:19 AM | Khoa học

Ông ấy muốn biến tinh tinh trở thành người, nhưng cuối cùng chính con trai ông lại bị tinh tinh hóa.

Ngày 26 tháng 6 năm 1931, trong một ngôi nhà ấm áp ở tiểu bang Florida, Winthrop Niles Kellogg và vợ mình Luella đang chào đón đứa con gái nuôi của họ, Gua. Nhà tâm lý học người Mỹ quyết định nhận nuôi thêm "cô bé" 7 tháng tuổi này từ Cuba trong khi đã có một bé trai 10 tháng nữa ở nhà.

Cậu bé có tên là Donald mặc một bộ áo liền quần màu trắng và đi giày da đang ngồi trước máy quay. Kellogg đặt Gua ngồi vào với anh trai của mình, "cô bé" cũng đi một đôi giày tương tự nhưng vẫn còn mặc tã.

Thước phim ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc kỳ lạ của nhà Kellogg sau đó đã được cả thế giới biết đến. Nó gây tò mò cho tất cả những ai từng xem bởi Gua không phải một cô bé bình thường. Trên thực tế, nó là một con tinh tinh.

Nhà khoa học này đã nuôi một con tinh tinh lớn lên cùng con trai mình, kết quả của thí nghiệm đó thật khủng khiếp - Ảnh 1.

Kể từ bây giờ, Kellogg và Luella sẽ coi Gua như con đẻ của mình. Họ sẽ nuôi dạy và đối xử với Gua và Donald giống hệt nhau. Gua sẽ được mặc quần áo, tắm rửa, cho ăn và thậm chí dạy dỗ bình đẳng với Donald.

Ý tưởng của Kellogg là nếu ông làm điều đó, con tinh tinh nhỏ sẽ lớn lên và thoát được số kiếp của loài động vật. Nó sẽ phần nào trở thành con người, biết nói ngôn ngữ kí hiệu và có thể hòa nhập vào xã hội văn minh của chúng ta.

Môi trường nuôi dưỡng quyết định tiềm năng trí tuệ của động vật?

Winthrop Niles Kellogg sinh năm 1898 tại Mount Vernon, New York. Ông tham gia thế chiến I khi đang học năm nhất Đại học Cornell. Kellogg phục vụ trong không quân 2 năm trước khi giải ngũ vào năm 1918 và trở lại học Đại học Indiana chuyên ngành tâm lý và triết học.

Tại đây, ông gặp vợ mình Luella Dorothy Agger và sau đó kết hôn với cô ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1922, Kellogg tiếp tục lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học. Đây cũng là khoảng thời gian mà ông xây dựng được một phòng thí nghiệm hành vi động vật và bắt đầu để ý đến những con tinh tinh.

Kellogg cho rằng trí tuệ và tiềm năng của sinh vật được quyết định bởi quá trình nuôi dưỡng và học tập hành vi, ngay từ khi chúng còn nhỏ. Vì tinh tinh và người chia sẻ tới 98,7% DNA, chúng cũng có tiềm năng phát triển trí tuệ như con người nếu được con người nuôi dạy từ rất sớm.

Ở chiều ngược lại, Kellogg đã đọc được một ghi chép về hai đứa trẻ ở Ấn Độ. Amala và Kamala được một giáo sĩ cứu về giữa một đàn sói hoang. Điều đặc biệt là đàn sói không làm hại hai cô bé, Amala và Kamala đã sống cùng chúng, không mặc quần áo, không biết nói và dường như đã được đàn sói nuôi từ nhỏ.

Giáo sĩ sau đó đã đem hai cô bé về một trại trẻ mồ côi. Ở đây, người ta đã đặt tên cho hai cô bé là Amala và Kamala. Họ cũng bắt đầu cố gắng dạy cho hai cô bé ăn uống, mặc quần áo, sử dụng các dụng cụ và quan trọng nhất là nói như con người.

Tuy nhiên, cả Amala và Kamala đều không thích nghi và hòa nhập với nền văn minh. Hai cô bé vẫn bò bằng 4 chân, thích ăn thức ăn sống và thường xuyên cào cấu, thậm chí cắn những người chăm sóc mình.

Những ghi chép cho thấy Amala và Kamala sử dụng khứu giác rất nhạy bén, thích sống về đêm và hay tru lên như những con sói. Cả hai không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào của con người, ngoại trừ bản năng hung dữ và sợ hãi giống loài sói.

Kellogg khẳng định những đứa trẻ này đã sống như những con sói bởi đó là "thứ mà môi trường sống đòi hỏi ở chúng". Những đứa trẻ đã bỏ lỡ một giai đoạn phát triển quan trọng ban đầu trong thế giới loài người, đó là lí do Kellogg cho rằng việc đảo ngược lại những thói quen mà những đứa bé đã học trong xã hội loài sói là rất khó.

Ông lập luận rằng mình có thể thực hiện các nghiên cứu so sánh sự phát triển của động vật và con người trong các xã hội khác loài nhau. "Nhưng đặt một đứa trẻ sơ sinh có trí tuệ bình thường của con người vào một môi trường không văn minh để quan sát sự phát triển của nó trong môi trường đó sẽ là phi đạo đức và bất hợp pháp", Kellogg nói.

Do đó, cách duy nhất chúng ta có thể làm là chọn lấy một loài động vật hoang dã và bắt đầu nuôi nó giống như một con người, "hãy đặt nó vào trong một môi trường văn minh, một ngôi nhà của con người".

Sẽ ra sao khi một con tinh tinh được nuôi cùng với con người?

Ý tưởng nuôi một con tinh tinh trong nhà đã ám ảnh Kellogg từ những ngày ở Đại học Indiana. Nhưng cơ hội chỉ thực sự đến với ông vào mùa hè năm 1931, khi Kellogg chuyển về Florida và làm việc cho Đại học Yale.

Ở đây có một trung tâm nghiên cứu linh trưởng, nơi Kellogg tìm đến và tình cờ có được thông tin về Gua, một con tinh tinh mồ côi sinh ra ở Havana, Cuba trước khi được đưa về Mỹ. Con tinh tinh được 7 tháng tuổi rưỡi và Kellogg ngay lập tức nhận ra cơ hội để thực hiện thí nghiệm của mình, khi bản thân ông cũng vừa có Donald, một cậu con trai 10 tháng tuổi.

Kellogg bàn với vợ, và cả hai đã đồng ý nhận nuôi Gua trong khuôn khổ của một nghiên cứu do chính họ thiết kế ra. Kellogg dự định sẽ đối xử với Gua như một con người, và so sánh sự phát triển của nó với chính con trai ông.

Và thế là thí nghiệm kinh điển ấy bắt đầu.

Kellogg và Luella đón Gua về nhà, mua quần áo, giày dép cho con tinh tinh. Họ đóng một cái giường giống như giường của Donald cho "đứa con gái" nuôi của mình. Con tinh tinh bây giờ sẽ được đối xử "công bằng hết mức có thể so với Donald. Điều quan trọng là phải đảm bảo con vật luôn được đối xử như một con người, bạn không bao giờ được coi nó là động vật, đặc biệt nó cũng không phải thú cưng của bạn", Kellogg viết.

Khi Donald được ngồi lên ghế cho ăn, Gua cũng được đặt lên ghế cho ăn. Khi Donald đi tắm, Gua cũng sẽ được đi tắm. Khi Doland chơi đồ chơi và tập đi xe ba bánh, Gua cũng sẽ được chơi đồ chơi và tập đi chiếc xe của riêng mình.

Kellogg và Luella cũng sẽ nói chuyện và dạy dỗ Gua giống hệt cách họ nói chuyện và dạy dỗ con trai. Và như bạn đã biết, quá trình nuôi dạy một đứa trẻ không phải lúc nào cũng có các cử chỉ yêu thương, ngay cả hình phạt dành cho hai đứa con nhà Kellogg và Luella cũng sẽ giống hệt nhau.

Trong suốt quá trình ấy, bộ đôi đã cố gắng ghi lại mọi thông số phát triển và hành vi của Gua và Donald, từ kích thước cơ thể tăng lên, huyết áp, khả năng phản xạ, nhận thức chiều sâu, kỹ năng ghi nhớ, vận động, giải quyết vấn đề, phản ứng với cảm giác nhột, sức mạnh cơ bắp, sự khéo léo khi sử dụng dụng cụ bằng tay, hành vi chơi đùa, leo trèo, vâng lời, khả năng nắm bắt và hiểu ngôn ngữ…

Kellogg phát hiện trong khoảng thời gian đầu, Gua đã lớn nhanh hơn Donald và thậm chí còn học hỏi nhanh hơn. "Cô bé" biết đi thẳng, sử dụng nĩa thành thạo và có các biểu cảm khuôn mặt giống với con người.

Gua cũng phản ứng nhanh hơn Donald trong các mệnh lệnh đơn giản, biết dùng cốc uống nước và nhận diện được mọi người thông qua quần áo họ mặc. Tuy nhiên, sự tiến bộ của cô bé tinh tinh chỉ dừng lại ở đó.

Trong các bài kiểm tra ngôn ngữ vào tháng thứ 6, Donald đã vượt trội hơn hẳn so với Gua. Cô bé tinh tinh không thể nói, trong khi cậu bé nhà Kellogg đã có thể bắt đầu ghép từ. Khi thị giác của Donald phát triển đầy đủ, cậu bé có thể nhận diện người xung quanh bằng khuôn mặt của họ còn Gua vẫn chỉ dựa vào quần áo và mùi cơ thể.

Nhà khoa học này đã nuôi một con tinh tinh lớn lên cùng con trai mình, kết quả của thí nghiệm đó thật khủng khiếp - Ảnh 2.

Con tinh tinh Gua và cậu bé Donald sẽ được đối xử công bằng nhất có thể.

Những tiến bộ của con tinh tinh trong thí nghiệm rõ ràng không đáp ứng được kỳ vọng của Kellogg. Mặc dù được nuôi dưỡng và dạy dỗ như con người, Gua đã gặp phải một "bức tường nhận thức", trong đó, ngay cả một loài động vật linh trưởng như tinh tinh cũng không vượt qua được ranh giới khác biệt 2% trong DNA để phát triển các kỹ năng của con người.

Giả thuyết của Kellogg đến đây chính thức phá sản - ít nhất là một nửa. Bởi di truyền chứ không phải môi trường sống là thứ quyết định đến tiềm năng trí tuệ của các loài động vật. Nhưng ở nửa còn lại, có vẻ nó sẽ đúng với con người sống trong môi trường của động vật.

Con người sẽ bị tinh tinh hóa nhiều hơn là nhân hóa tinh tinh

Các ghi chép của Kellogg và Luella cho thấy họ đã chính thức dừng thí nghiệm vào ngày 28 tháng 3 năm 1932. Đó là khoảng 9 tháng sau khi Gua được nuôi lớn cùng Donald. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, lý do thí nghiệm bị dừng lại đột ngột không rõ, nhưng họ cho rằng một phần đó là do sự tiến bộ của Gua rất hạn chế. Kellogg đã quá mệt mỏi với công việc không đem lại kết quả như ý muốn.

Phần nữa là vì vợ ông bà Leulla lo ngại con tinh tinh đang lớn quá nhanh và nó bắt đầu có thể đe dọa đến sự an toàn của Donald và có hành vi làm hại cậu. Nhưng bất ngờ nhất là chuyện Donald dường như bắt đầu bị tinh tinh hóa. Thí nghiệm này có thể là một mình chứng khi được nuôi dạy cùng nhau, con người sẽ trở thành tinh tinh nhiều hơn là tinh tinh trở thành người.

Cụ thể, khi được cho chơi cùng nhau, Gua và Donald đã nhào lộn và tương tác giống hai con tinh tinh hơn là những đứa trẻ khi ở gần nhau. Gua đã dạy Donald cách nhìn trộm người qua khe cửa. Donald bắt đầu bò bằng 4 chân giống Gua hơn dù cho cậu bé đã có thể đứng và đi thẳng.

Thỉnh thoảng, Donald sẽ phát ra những tiếng càu nhàu và hú lên như "em gái" mình với mục đích đòi thức ăn. Cậu bé cũng có khi cắn người.

Nhà khoa học này đã nuôi một con tinh tinh lớn lên cùng con trai mình, kết quả của thí nghiệm đó thật khủng khiếp - Ảnh 3.

Thay vì tinh tinh trở thành người, cậu bé Donald đã có biểu hiện bị tinh tinh hóa.

Jeffrey Kahn, một nhà đạo đức sinh học tại Viện Johns Hopkins cho biết đó có thể là kết quả mà Kelloggs lẽ ra nên hiểu ngay từ đầu. "Nếu bạn nuôi con mình với một con chó con trong nhà, bạn sẽ không bao giờ dạy con chó học nói hay hành xử như con người được. Thay vào đó, có ai chưa từng thấy những đứa trẻ bò quanh nhà và bắt chước sủa như một con chó?".

Kahn còn phê phán Kelloggs vì ông ấy đã lấy chính con mình ra làm thí nghiệm. Và đó là một thí nghiệm thực sự chứ không phải việc nuôi và yêu thương một con tinh tinh như con người. Theo các ghi chép, Kelloggs có lần đã dùng thìa gõ vào đầu của Donald và Gua chỉ để nghe sự khác biệt trong âm thanh hộp sọ.

Đôi khi, ông ấy đã dọa hai đứa trẻ bằng cách phát ra những âm thanh lớn khiến chúng giật mình chỉ để xem ai phản ứng nhanh hơn. Kelloggs trong một lần cố dạy Gua không ăn bong bóng đã nhét cả một thanh xà phòng vào miệng "cô bé". Trong khi đó, Donald cũng đã có lần bị xoay tròn trên ghế cho đến khi bật khóc.

Tất cả các hành động đều nhân danh khoa học, nhưng Kahn cho biết nếu chúng được thực hiện vào thế kỷ 21, không một hội đồng đạo đức nào sẽ chấp nhận. Kelloggs và vợ ông thậm chí có thể bị tố cáo vì hành vi bạo hành chính con đẻ của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của thập niên 1930, giữa thời kỳ hoàng kim của phong trào ưu sinh đang cố gắng đi tìm nguồn gốc của trí tuệ, thí nghiệm của Kelloggs đã nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông và công chúng.

Sau khi nó kết thúc, con tinh tinh Gua đã được trao trả lại cho trung tâm nghiên cứu linh trưởng ở Floria. Tại đây, nó tiếp tục được đưa vào một nghiên cứu khác trước khi qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 1993 vì bệnh viêm phổi.

Nhà khoa học này đã nuôi một con tinh tinh lớn lên cùng con trai mình, kết quả của thí nghiệm đó thật khủng khiếp - Ảnh 4.

Winthrop Niles Kellogg và cô bé tinh tinh Gua.

Về phần Kelloggs và vợ mình, họ đã trở lại Đại học Indiana, nơi có phòng thí nghiệm hành vi động vật và tiếp tục nghiên cứu các loài động vật thông minh khác như cá heo mũi chai. Sau khi nghỉ hưu, Kelloggs và Luella đã cùng nhau du lịch khắp thế giới. Cả hai đều mất vào mùa hè năm 1972.

Còn Donald, cậu bé có vẻ đã lớn lên bình thường, ngoại trừ một chút chậm phát triển về mặt ngôn ngữ. Mặc dù vậy, cậu con trai nhà Kelloggs vẫn học giỏi, đỗ trường y và sau đó trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên vào tháng 1 năm 1973, chỉ chưa đầy một năm sau khi cha mẹ mình mất, người ta đã tìm thấy Donald tự sát ở tuổi 42.

Không rõ nguyên nhân tự sát của Donald có phải là vì sự ám ảnh của thí nghiệm với Gua hay không. Nhưng đó hẳn là một kết cục buồn cho cả câu chuyện này.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM