Nhà đầu tư nói thẳng các sự thật trần trụi sau 1 vòng gọi vốn của startup: Có nên định nghĩa lại ‘gọi vốn thành công’ ở Việt Nam?

19/11/2021 08:29 AM | Kinh doanh

Sau khi hoàn tất 1 vòng gọi vốn, startup có niềm vui và niềm tin – startup tin vào bản thân và người dùng/nhân tài tin vào startup hơn. Bên cạnh đó, startup cũng phải đánh đổi và gánh chịu rất nhiều áp lực: đánh đổi thời gian, cổ phần đi kèm với quyền kiểm soát công ty; áp lực tăng trưởng, định giá vòng sau và exit cho nhà đầu tư. Vậy nên, chúng ta cần định nghĩa lại khái niệm 'gọi vốn thành công'.

Luxstay là một trong những startup từng kêu gọi được nguồn vốn 'khủng', nhưng hiện tại họ lại đang lao đao vì Covid-19.
Luxstay là một trong những startup từng kêu gọi được nguồn vốn 'khủng', nhưng hiện tại họ lại đang lao đao vì Covid-19.

Bài viết dưới đây là của Hoàng Thị Kim Dung - Chuyên viên của quỹ Genesia Ventures tại Việt Nam, với góc nhìn đa chiều về hoạt động gọi vốn của các startup.

-------

Những ngày gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chúng ta liên tục được đón nhận những thông tin gọi vốn khủng. Đã thành thói quen, 8 giờ sáng mỗi ngày trong tuần tôi lại cập nhật tin tức các đầu báo lớn nhỏ, trong nước và ngoài nước, để đón xem hôm nay startup Việt nào đăng tin thông cáo báo chí gọi vốn.

Tôi có một phát hiện thú vị là: ở Việt Nam, các tin tức về việc startup hoàn tất một vòng gọi vốn, hầu hết được gắn kèm với chữ ‘thành công’ ở các tiêu đề của bài báo bằng tiếng Việt; trong khi ở các trang báo báo nước ngoài, hai chữ này rất ít hoặc hầu như không có xuất hiện trong các tiêu đề.

Tôi tò mò không biết khi đón đọc các tin tức startup gọi vốn với hai chữ ‘thành công’ đó, mọi người cảm nhận được những điều gì? Tôi thì có suy nghĩ rằng: chưa nên vội vàng coi gọi được vốn đầu tư là thành công. Tại sao tôi lại có suy nghĩ như vậy? Sau đây, tôi xin chia sẻ những điều tôi thực sự ĐỌC được đằng sau mỗi tin startup gọi vốn được gắn với chữ ‘thành công’.

NHỮNG ĐIỀU TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU ĐỌC ĐƯỢC

Đầu tiên là Niềm Vui. Chắc chắn rồi! Tất cả chúng ta cần chia sẻ niềm vui này với các nhà sáng lập startup và những nhà đầu tư của họ. Bởi vì, gọi được vốn quả thật là điều không hề dễ dàng.

Theo đó, startup đã phải trải qua "bẩy bẩy bốn chín" lớp sàng lọc lựa chọn kỹ càng của nhà đầu tư. Mặc dù, trước đó, startup này cũng đã được chọn trong hàng trăm startup mà các quỹ đầu tư đã từng gặp và cân nhắc.

Thường thì đội ngũ startup đã phải trải qua cả nửa năm hoặc hơn nhằm thực hiện các việc như: ngày đêm chuẩn bị tài liệu, trả lời - giải đáp hết tất cả thắc mắc của nhà đầu tư…; để thuyết phục bằng được các nhà đầu tư đồng ý xuống tiền. Ngoài ra, có thể startup cũng đã trải qua rất nhiều những lời từ chối, hoặc lặng thinh từ phía nhà đầu tư sau nhiều buổi họp với nhiều kì vọng.

Theo chân nhà đầu tư ‘đọc’ những phong ba bão táp sau 1 vòng gọi vốn của startup – Nên chăng cần định nghĩa lại khái niệm ‘gọi vốn thành công’ ở Việt Nam?! - Ảnh 1.

Hoàng Thị Kim Dung đang tham gia tiệc cuối năm của eDoctor - startup trong danh mục đầu tư của Genesia Ventures.

Phía nhà đầu tư cũng vậy. Để có thể hoàn thành một thương vụ đầu tư, họ cũng phải nhảy qua hàng loạt những ‘hàng rào bảo vệ’ để thuyết phục tất cả: thuyết phục chính bản thân mình, thuyết phục đồng đội của mình, thuyết phục sếp trực tiếp của mình, thuyết phục GP (General Partner). Thậm chí có trường hợp, chúng tôi phải thuyết phục cả LP (Limitted Partner - nhà đầu tư vào quỹ đầu tư).

Chưa dừng lại ở đó, khi thuyết phục xong việc ra quyết định đầu tư rồi, chúng ta còn phải thương thảo hợp đồng phức tạp với các bên, rồi tiến hành ký kết và tiếp đến là giải ngân đầu tư.

Thực sự, để đến ngày chúng ta có thể nhìn thấy tin công bố hoàn thành gọi vốn trên các mặt báo, cả startup và nhà đầu tư đều đã ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’, rất kiên trì và nhẫn nại. Do đó, khi kết thúc một vòng gọi vốn, chúng ta nên tạm chúc mừng nhau, chia sẻ niềm vui vì đã hoàn thành được một chặng hành trình khó khăn vừa qua.

Tiếp theo, tôi đọc được là Niềm Tin. Khi nhận được đầu tư là startup có trọn niềm tin từ những nhà đầu tư, từ đây startup sẽ có thêm những người ủng hộ và đồng hành với mình. Nhà đầu tư sẽ là những người từ ngày sớm nhất yêu thích và sử dụng sản phẩm của startup. Họ cũng sẽ là những người âm thầm tích cực tương tác với các bài đăng về sản phẩm của bạn ở những ngày đầu, khi mà chưa nhiều người biết để tương tác.

Khi nhận được đầu tư, startup sẽ có thêm niềm tin từ các nhân tài - tin vào tiềm năng phát triển của công ty. Nhân tài có thể chính là các nhân viên đang làm việc tại startup đó hoặc nhân tài mới có thêm niềm tin để ra quyết định đầu quân cho startup. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy: các startup sau khi gọi vốn sẽ tích cực tuyển dụng mạnh mẽ hơn.

Tôi đọc thấy thêm một sự tích cực nữa: sản phẩm - dịch vụ của startup đó sẽ được lan toả tới nhiều người dùng hơn nữa. Khi gọi vốn xong, startup sẽ dùng dòng vốn đó để đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, tuyển dụng thêm nhiều nhân tài cùng tham gia phát triển để sớm hoàn thiện sản phẩm đưa đến tay người dùng. Và họ cũng có thể đầu tư thêm chi phí cho marketing, để sản phẩm của họ reach – chạm tới được nhiều người sử dụng mục tiêu hơn nữa.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG DỄ DÀNG ĐỌC ĐƯỢC

Mặt khác, không nhiều người dễ dàng nhận ra được những thách thức đằng sau mỗi bài báo ‘gọi vốn thành công’ là sự đánh đổi, những áp lực của những nhà sáng lập startup. Mà theo tôi, chỉ khi nhận ra được những điều này, chúng ta mới rất tỉnh táo với hai chữ ‘thành công’ đi kèm với những tin tức gọi vốn.

Theo chân nhà đầu tư ‘đọc’ những phong ba bão táp sau 1 vòng gọi vốn của startup – Nên chăng cần định nghĩa lại khái niệm ‘gọi vốn thành công’ ở Việt Nam?! - Ảnh 2.

Hoàng Nguyễn - Co-founder của BuyMed

Thứ nhất là sự đánh đổi. Founder và startup phải đánh đổi thời gian, cổ phần của mình đi kèm với quyền kiểm soát công ty.

Như đã chia sẻ ở trên, chắc hẳn mọi người cũng đã hình dung được hành trình gọi được vốn gian nan và tốn thời gian như thế nào. Các nhà sáng lập đã phải đánh đổi một khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Hay nói cách khác, trong khoảng nửa năm hoặc hơn, thay vì dành hết tâm huyết tập trung vào hoạt động kinh doanh thì phải dồn vào câu chuyện gọi vốn.

Vừa qua, tôi có dịp trò chuyện với anh Hoàng - CEO và Đồng sáng lập của BuyMed, một trong các startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư và hỗ trợ tại Việt Nam. Anh ấy có chia sẻ cảm nghĩ của mình khi kết thúc mỗi vòng gọi vốn là ‘mong đó là lần cuối gọi vốn của công ty’.

Tâm tư trên đã nói lên một sự thật đầy nghịch lý là: nếu những tin gọi vốn ‘thành công’ được ca tụng ngoài kia thật sự toàn là điều tuyệt vời, thì tại sao người trong cuộc lại chỉ mong đó là lần cuối cùng phải làm?

Bởi sự thật, gọi vốn ‘ngốn’ rất nhiều thời gian của nhà sáng lập, thách thức họ phải chu toàn cả hai việc hoặc hơn cùng một lúc, ví dụ: phải vừa làm hài lòng khách hàng của mình bằng việc tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty, vừa phải làm hài lòng nhà đầu tư bằng việc giải đáp hết những thắc mắc từ buổi họp này qua những buổi họp khác.

Thêm nữa, các Nhà sáng lập cũng có thể phải đánh đổi thêm thời gian và sự tập trung của mình sau khi thông tin được tiết lộ; như được mời tham gia phỏng vấn, tham gia sự kiện, làm diễn giả, hay giao lưu với những nhà đầu tư mới... Tất cả những điều này đều khiến họ bị phân tâm hay không tập trung vào việc quan trọng nhất đó là vận hành kinh doanh startup của mình.

Bên cạnh đó còn là sự đánh đổi của các founder cho cổ phần và sự kiểm soát. Khi có thêm nhà đầu tư, theo nghĩa tích cực là startup có thêm người đồng hành ủng hộ; nhưng cũng đồng nghĩa với việc phòng họp HĐQT trở nên chật chội hơn. Tức nghĩa là, quyền ra các quyết định quan trọng, kiểm soát công ty sẽ được chia nhỏ ra hơn, với nhiều phần được chia thêm cho các nhà đầu tư.

Bình thường, sau mỗi vòng gọi vốn, startup có thể phải đánh đổi khoảng 10% đến 30% cổ phần của họ, cho những nhà đầu tư mới.

Tôi vẫn thường chia sẻ với những Nhà sáng lập startup quỹ tôi đầu tư là: đừng đánh đổi quá nhiều cổ phần trong một vòng gọi vốn, chỉ nên trong khoảng trên dưới 15% là vùng an toàn để tới khi về được đích (exit) là IPO hay ít nhất là M&A; để sau khi trải qua tất cả 3 đến 4 vòng gọi vốn, thì những nhà sáng lập vẫn còn có thể nắm giữ trên 35% để có được quyền phủ quyết.

Theo chân nhà đầu tư ‘đọc’ những phong ba bão táp sau 1 vòng gọi vốn của startup – Nên chăng cần định nghĩa lại khái niệm ‘gọi vốn thành công’ ở Việt Nam?! - Ảnh 3.

Có rất nhiều startup trong danh mục đầu tư của Genesia Ventures.

Tiếp theo, tôi đọc và hiểu được những áp lực tăng trưởng vô cùng lớn của Nhà sáng lập và đội ngũ startup của mình.

Gọi vốn luôn đi kèm với kỳ vọng và sự quyết tâm. Nhà sáng lập thuyết phục nhà đầu tư đồng ý rót vốn, bằng những mục tiêu và kế hoạch rõ ràng và chúng sẽ được thực hiện sau khi gọi vốn xong. Do đó, Founder sẽ có những áp lực đè nặng là phải giữ lời hứa, với quyết tâm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, sẽ có một ‘cái bẫy’ mà các Nhà sáng lập dễ mắc phải khi có tiền trong tay và có áp lực trên vai, đó là họ dễ dùng nhiều biện pháp đẩy tăng trưởng một cách không bền vững. Một ví dụ điển hình là startup dành quá nhiều tiền để chạy quảng cáo nhằm có thêm người dùng, từ đó đạt được mục tiêu doanh thu đã đề ra.

Ngoài ra, 2 áp lực đè nặng trên vai các Nhà sáng lập nữa là: áp lực về valuation (định giá) ở vòng tiếp theo và áp lực exit (thoái vốn) cho các cổ đông. Đừng vội mừng với vòng gọi vốn vừa qua, bởi khi startup gọi được nhiều tiền với định giá cao, thì khó khăn sẽ ở phía trước. Bởi, khi startup tiến tới vòng gọi vốn tiếp theo sẽ có áp lực định giá phải cao hơn định giá ở vòng trước.

Trong bất cứ hợp đồng đầu tư nào cũng có điều khoản Anti-Dilution (chống pha loãng), để bảo vệ nhà đầu tư ở các vòng trước đó, trong trường hợp giá trị của công ty bị giảm ở vòng gọi vốn tới, hay còn gọi là vòng "down round". Khi đó, nhà đầu tư đó có quyền được được nhận thêm cổ phần để bù đắp lại việc giá trị cổ phần nắm giữ bị giảm. Down Round là trường hợp rất không mong muốn của tất cả mọi người, từ đội ngũ sáng lập tới các nhà đầu tư.

Do đó, khi gọi vốn, các Nhà sáng lập cần hỏi lại chính mình một lần nữa rằng: Liệu số tiền đầu tư này, với mức định giá này có đang được tính với Healthy Multiple (tạm dịch: bội số lành mạnh, phản ảnh thực chất)? Vòng gọi vốn này nhằm đạt được milestone (mục tiêu và cột mốc) gì? Khả năng thật sự đạt được khoảng bao nhiêu? Khi đó, liệu định giá vòng gọi vốn tiếp theo có thể cao hơn mức định giá vòng này?

Theo chân nhà đầu tư ‘đọc’ những phong ba bão táp sau 1 vòng gọi vốn của startup – Nên chăng cần định nghĩa lại khái niệm ‘gọi vốn thành công’ ở Việt Nam?! - Ảnh 4.

Hoàng Thị Kim Dung đang hoạt động rất tích cực để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Trong trường hợp startup phát triển không như kỳ vọng, thì điều khoản Redemption Rights (nếu có) trong hợp đồng đầu tư có thể giúp các nhà đầu tư exit, bằng việc thu hồi lại khoản tiền đã đầu tư. Cụ thể: sau một khoảng thời gian nhất định, nếu nhà đầu tư yêu cầu thì startup có nghĩa vụ phải mua lại một phần hoặc tất cả số cổ phần của nhà đầu tư nắm giữ.

Do đó bên cạnh áp lực về Valuation ở vòng tiếp theo, thì áp lực exit cho các cổ đông, cũng khiến chúng ta phải cân nhắc thận trọng với quyết định gọi vốn cho startup của mình.

ĐỊNH NGHĨA LẠI KHÁI NIỆM "GỌI VỐN THÀNH CÔNG"

Với những điều chúng ta ĐỌC và HIỂU thực sự đằng sau những tin tức gọi vốn startup ở trên, chắc hẳn tất cả chúng ta đều tỉnh táo hơn với từ ‘thành công’ đi kèm với tin gọi vốn rồi.

Tôi đã gõ thử Google với từ tìm kiếm "gọi vốn không phải là thành công" và điều thú vị là: chỉ có duy nhất bài viết trên Báo Đầu Tư phỏng vấn tôi, có đưa thông điệp khá là đi ‘ngược với đám đông’. Bài báo có nội dung: Gọi vốn không phải là mục tiêu của khởi nghiệp và việc có được một vòng gọi vốn ‘khủng’ chắc chắn không phải là bảo chứng cho sự thành công.

Hoạt động gọi vốn của startup là một điều tất yếu của bất kỳ một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nào. Hoạt động gọi vốn gửi gắm niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư, của nhân tài "chảy vào" startup, để làm bệ phóng cho startup phát triển vươn tới tầm cao mới. Tuy nhiên, theo tôi, ở đó chỉ là giai đoạn bắt đầu một chặng hành trình mới đi cùng với nhau trong khởi nghiệp.

Và ở đó, còn đi kèm với nhiều áp lực lớn! Vì vậy, hy vọng chúng ta không gắn thêm chữ ‘thành công’ quá sớm lên startup, để tất cả cùng tỉnh táo với những mục tiêu phát triển tiếp theo, để đạt được THÀNH CÔNG thật sự!

Hoàng Thị Kim Dung - Chuyên viên của quỹ Genesia Ventures

Cùng chuyên mục
XEM