Nguyên nhân nào khiến Indonesia thường xuyên nằm trong top thấp lùn nhất Đông Nam Á?

10/12/2019 10:28 AM | Xã hội

Một báo cáo được thực hiện độc lập cho thấy Indonesia là quốc gia có chiều cao thấp nhất Đông Nam Á với nam giới có độ cao bình quân 160 cm còn nữ giới là 147 cm.

Sắp tới đây, đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ chạm trán Indonesia để tranh chức vô địch Sea Games. Điều khá thú vị là xét về mặt bằng chung, thể hình của tuyển Việt Nam có vẻ nhỉnh hơn so với đối thủ. 

Trên thực tế, xét về chiều cao nói chung thì Indonesia có vẻ thua kém hơn so với những người hàng xóm. Số liệu của World Atlas chuyên thu thập về những cái "nhất" trên thế giới đã từng có cuộc khảo sát về chiều cao để tìm ra nước "lùn" nhất thế giới và nhà vô địch là Bolivia với chiều cao bình quân 151,1 cm, đứng thứ 2 là Indonesia với 151,7cm.

Một báo cáo khác được thực hiện độc lập cho thấy Indonesia là quốc gia có chiều cao thấp nhất Đông Nam Á với nam giới có độ cao bình quân 160 cm còn nữ giới là 147 cm.

Nguyên nhân nào khiến Indonesia thường xuyên nằm trong top thấp lùn nhất Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tương tự, số liệu được theo dõi bởi NCD Risk Factor Collaboration cho thấy Indonesia đứng thứ 11 thế giới về độ "lùn". Chiều cao trung bình cả nam lẫn nữ của nước này chỉ vào khoảng 158,17 cm và chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Phillipines trong khu vực.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Endang L Achadi tại Indonesia, vấn đề chiều cao không phải do di truyền mà là do không đủ dinh dưỡng.

"Di truyền chỉ đóng góp 20% đến sự phát triển chiều cao trong khi 80% còn lại là do các yếu tố môi trường", chuyên gia Endang nói.

Vị chuyên gia này khẳng định môi trường sống và dinh dưỡng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, bao gồm cả chiều cao. Trớ trêu thay, cả 2 yếu tố này đều không được chú trọng tại Indonesia khi nền kinh tế này gặp nhiều khó khăn trong những năm qua.

Một nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy những dân tộc có mối quan hệ gần gũi với nhau cũng có thể có chiều cao khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như chất lượng dinh dưỡng mà họ nhận được. UNICEF cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều trẻ em tại Indonesia đang phải chịu cảnh suy dinh dưỡng nặng và hối thúc chính phủ có các chương trình hỗ trợ lương thực cho người dân.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng những khó khăn về tài chính và kinh tế không phải lý do chính đáng ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của người dân. Theo chuyên gia Endang, bất kể giàu nghèo thì người dân cũng có thể chọn cho mình những món ăn dinh dưỡng phù hợp.

"Nếu bạn không đủ tiền mua thịt thì có thể chọn những thực phẩm rẻ hơn như đậu phụ, đậu nành khi chúng có gần tương đương hàm lượng dinh dưỡng", chuyên gia Endang cho biết.

AB

Cùng chuyên mục
XEM