Cuộc cách mạng táo đỏ: Câu chuyện ít biết về khoản marketing 80.000 USD cho một cái cây
Nếu bạn đã từng xem "Bạch Tuyết và 7 chú lùn", vậy bạn có bao giờ thắc mắc tại sao quả táo độc lại phải màu đỏ trong khi chúng có thể có các màu khác nhau? Ẩn đằng sau chúng là cả một câu chuyện về marketing và nông nghiệp đấy.
Cội nguồn của loài táo ngày nay được cho là từ những cây táo dại ở vùng Kazakhstan, nằm trong những ngọn núi gần biên giới với Trung Quốc. Ngày nay, những quả táo dại vẫn sinh sôi ở đó nhưng số lượng của chúng đã giảm 90% trong vòng 50 năm qua.
Trên thực tế, táo có thể có màu vàng, xanh, đỏ hoặc hỗn hợp của cả 3. Việc kiểm soát màu táo phụ thuộc vào hàm lượng gốc protein MYB10 tạo nên một tổ hợp các enzym, qua đó tác động vào sắc tố vỏ táo. Chúng có cơ chế hoạt động tương tự như trong khoai tây, nho, cà tím…
Đối với những quả táo đỏ, chúng có hàm lượng MYB10 nhiều hơn so với những quả táo khác. Tuy vậy màu sắc của táo cũng phụ thuộc khá lớn vào nhiệt độ. Muốn có được táo đỏ, chúng nên được trồng ở nơi có nhiệt độ mát bởi nếu môi trường nóng trên 40 độ C, gốc MYB10 và các enzyme sẽ bị phân rã.
Yêu cầu khắc nghiệt hơn là thế nhưng người nông dân ngày nay vẫn thích trồng ra táo đỏ hơn màu khác, dù chúng có thể chẳng ngon bằng. Lý do vô cùng đơn giản, chúng dễ bán hơn. Màu đỏ vốn là màu thu hút ánh mắt cũng như kích thích tâm lý mua hàng so với các loại màu sắc khác và cuộc cách mạng "táo là phải đỏ" được bắt đầu từ thập niên 1870.
Red Delicious
Nhắc đến cuộc cách mạng táo đỏ thì phải nói đến giống Red Delicious tại Mỹ. Đây là giống táo đỏ đầu tiên khơi mào cho phòng trào đổi màu táo trên thế giới. Thậm chí hiện nay, Mỹ vẫn trồng và thu hoạch 1,2 triệu tấn táo Red Delicious hàng năm và đây cũng là một trong những giống táo phổ biến nhất cả nước. Điều thú vị là người Mỹ giờ đây đã chán Red Delicious bởi ngoài màu đỏ, hương vị của nó kém hơn so với những giống táo mới khác.
Quay ngược dòng lịch sử về thập niên 1870, người nông dân Jesse Hiatt phát hiện ra một loại táo lạ mọc trong vườn nhà mình ở bang Iowa-Mỹ. Sau nhiều lần cố chặt bỏ, ông bỏ mặc chúng mọc và bất ngờ nhận ra rằng loài táo này có màu sắc khá bắt mắt, vị ngọt và khá ngon.
Năm 1894, Jesse gửi giống táo này đến cuộc thi tìm giống táo mới do hãng Stark Brother tổ chức. Ngay lập tức, công ty Stark nhận ra được tiềm năng kinh doanh của giống táo này và đặt tên cho nó là Red Delicious rồi tích cực quảng bá.
Sau khi đăng ký bản quyền Red Delicious, hãng Stark đã chi tới gần 1 triệu USD (tương đương 13,3 triệu USD hiện nay tính theo lạm phát) cho một chiến dịch kinh doanh làm thay đổi hoàn toàn ngành hoa quả trong thế kỷ 19. Hàng loạt những hộp táo mời dùng thử được phát đi cả nước và ngay lập tức, hãng Stark ngập tràn những bức thư từ các hộ nông dân xin mua giống Red Delicious.
Tính đến năm 1922, tổng giá trị thị trường của giống Red Delicious đã đạt 12 triệu USD (tương đương 159,5 triệu USD hiện nay).
Vào năm 1923, một người nông dân ở New Jersey viết thứ cho hãng Stark về một cây táo Red Delicious của ông không những chín sớm hơn so với các cây khác mà còn cho màu táo đỏ hơn. Ngay lập tức hãng đã cử người xuống xem xét và mua lại gốc cây này với giá 6.000 USD (tương đương 80.000 USD hiện nay).
Thông tin này lan truyền nhanh và hàng loạt những người nông dân trồng táo khắp nước Mỹ đổ về để xem cây táo này. Họ thảo luận và hội ý về việc làm thế nào để cho ra những giống táo ngon hơn, đỏ hơn như vậy. Cũng chính cuộc gặp này đã thúc đẩy một phong trào "táo càng đỏ càng tốt" trên toàn nước Mỹ.
Đến thập niên 1940, Red Delicious đã thống trị thị trường táo toàn quốc và màu đỏ của chúng được sử dụng trong vô vàn những quảng cáo, nhãn hiệu, mỹ phẩm hay thậm chí là điện ảnh. Với màu sắc bắt mắt, vị tươi ngon, hình dáng dễ xếp cho vận chuyển, khó bị dập và lâu héo, Red Delicious đã trở thành một trong những biểu tượng của ngành nông sản Mỹ thời kỳ đó.
Lan ra thế giới
Việc Red Delicious lan ra thế giới trên thực tế bắt nguồn từ việc người tiêu dùng Mỹ ngày càng khôn hơn. Họ đã chán loại táo chỉ đẹp mắt mà ăn không ngon bằng các giống táo mới, buộc các nhà sản xuất phải tìm thị trường tiêu thụ mới.
Mặc dù nhiều giống táo mới bắt đầu xuất hiện nhưng với độ marketing phủ rộng và lượng trồng lớn, Red Delicious vẫn chiếm đến 75% sản lượng táo tại Washington, nơi cung cấp 2/3 số táo cho cả nước thời kỳ thập niên 1980. Những cây táo cần năm trời để lớn và cho quả nên việc chuyển đổi giống cây là không hề dễ dàng. Theo ước tính, người nông dân Mỹ sẽ phải tốn đến 50.000 USD cho mỗi 0,4 ha chuyển đổi giống táo.
Tuy nhiên, những nông dân ở các vùng khác bắt đầu học tập. Họ trồng được những giống táo đẹp hơn, ngon hơn và bắt đầu cạnh tranh mãnh liệt với Red Delicious.
"Chúng được quảng cáo quá đà và hệ quả là người tiêu dùng bắt đầu chán chúng", nhà sử học Lee Calhoun nói trên tờ Washington Post.
Trong khoảng 1997-2000, thị trường táo Mỹ thiệt hại tới 800 triệu USD vì cung vượt cầu và chính phủ đã phải vào cuộc. Năm 2000, chính phủ Mỹ đưa ra gói cứu trợ 138 triệu USD cho người nông dân Mỹ, tương đương 30.000 USD cho mỗi nông dân trồng táo.
Đứng trước thực tế này, nhiều hãng nông sản đã hướng ra thị trường nước ngoài. Red Delicious là giống táo không dễ hỏng, chi phí thấp và dễ dàng vận chuyển nên chúng được khá nhiều hãng xuất khẩu ưa chuộng. Đến hiện nay, khoảng 50% số táo Red Delicious trồng ở Mỹ được xuất khẩu. Những thị trường chính bao gồm Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và UAE. Nhất là tại Trung Quốc, giống táo Mỹ khá được ưa chuộng vì mang danh "hàng ngoại", trong khi văn hóa của nước này cũng coi màu đỏ là màu của may mắn.
Ngoài ra với cơ sở hạ tầng kém, rất nhiều tàu hàng tại các cảng của những thị trường này phải chờ dỡ hàng vài ngày trong điều kiện không có điều hòa nhiệt độ. Ví dụ như tàu hàng từ Seattle-Mỹ đến Trung Quốc phải tốn 15-21 ngày với nhiệt độ nóng và môi trường bảo quản kém. Trong điều kiện đó, Red Delicious là lựa chọn kinh tế nhất cho những nhà xuất nhập khẩu.
Một yếu tố nữa khiến Red Delicious vẫn tồn tại và phát triển được là giá cả. Do được trồng đại trà với số lượng lớn nên giá của chúng khá rẻ, phù hợp cho mọi tầng lớp ở các thị trường nước ngoài. Thêm nữa, do mọc từ những cây táo đã được trồng lâu năm nên chi phí khá thấp so với những giống táo mới được trồng từ ban đầu.
"Nếu chúng tôi muốn bán loại táo mới ra thị trường nước ngoài thì giá của chúng sẽ quá đắt so với mặt bằng", CEO Desmond O’Rourke của hãng phân tích ngành táo Belrose nhận định.
Tại Mỹ, Red Delidious vẫn được tiêu thụ khoảng 263.000 tấn mỗi năm. Phần lớn số táo này được các bệnh viện, trường học, công sở, khách sạn thu mua bởi giá rẻ và tiện lợi.
Ngày nay, nhiều giống táo mới ra cũng được bày bán trên thị trường nhưng do ảnh hưởng từ thành công của Red Delicious mà phần lớn chúng được lai giống sao cho phải có màu đỏ. Những yếu tố về sự bắt mắt và lợi nhuận khiến hương vị của táo chỉ trở thành yếu tố phụ trong ngành nông sản này.
Những câu chuyện cổ tích luôn mô tả táo màu đỏ chứ không phải màu khác