Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Không cần quá hoang mang lúc nào cũng đeo khẩu trang, không có khẩu trang y tế có thể dùng khẩu trang vải và giặt hàng ngày
"Đang có vấn đề là tất cả người dân lao đi mua khẩu trang. Tất cả người dân đeo khẩu trang... Tôi cho là không nên quá hoang mang mà phải thực hiện cho đúng: Nên đeo khẩu trang khi nào và đeo ra sao", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về biện pháp phòng dịch virus corona.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Thông tin về virus Corona, các bệnh hô hấp – Cách phòng ngừa và điều trị" mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia phòng dịch Bộ Y tế - đã chia sẻ nhiều thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm virus corona.
Hai biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo nhiều nhất là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Nhưng với khẩu trang, một mặt thị trường khẩu trang thì "loạn", một mặt người dân quá hoang mang.
"Đang có vấn đề là tất cả người dân lao đi mua khẩu trang. Tất cả người dân đeo khẩu trang... Tôi cho là không nên quá hoang mang mà phải thực hiện cho đúng: Nên đeo khẩu trang khi nào và đeo ra sao", PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Việc đeo khẩu trang y tế thông thường có ích trong việc phòng vệ, không chỉ với virus cororna mà còn phòng các bệnh về đường hô hấp nói chung.
Đeo khi nào?
"Có những chỗ không nhất thiết phải lúc nào cũng đeo khẩu trang".
"Chúng ta nên đeo khẩu trang chỗ tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, chỗ có khả năng nguy cơ lây", PGS. TS Phu cho biết.
Đeo loại nào?
"Chúng tôi khuyến cáo dùng khẩu trang y tế thông thường. Loại khẩu trang N95 chỉ dành cho những người tiếp xúc với bệnh nhân, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, đi vào vùng dịch. Còn khi vào bệnh viện chỉ cần đeo khẩu trang y tế thông thường", ông Phú nói.
BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, vị bác sỹ trực tiếp tham gia trong đợt dịch cúm gà, H1N9, nhìn nhận hiện nay Việt Nam đang "loạn khẩu trang", nhiều người dùng đòi hỏi quá mức về các loại khẩu trang phòng dịch.
"Các loại khẩu trang quá cao siêu như N95 chắc các bạn chưa đeo, chứ tôi đeo rồi, hồi chống dịch cúm gà. Rất khó chịu, rất ngộp, vì công việc mà phải mang thôi. Các bạn mang cái loại khẩu trang đó đi suốt ngày tôi nghĩ là không chịu nổi đâu".
"Và loại khẩu trang đó cho tới hiện nay chỉ dành cho những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đang mắc bệnh hoặc đang nghi ngờ. Người dân thông thường để phòng chống khi tiếp xúc với môi trường hay đám đông thì không cần thiết N95, dùng loại phổ thông khẩu trang phẫu thuật 3 lớp là đủ", BS Khanh nói.
Khẩu trang vải có thể thay thế khẩu trang y tế?
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo thêm: Không có khẩu trang y tế thì người dân dùng khẩu trang vải cũng được, với điều kiện phải thay và giặt hàng ngày.
"Dùng khẩu trang phải tuân thủ 1 nguyên tắc: Nếu khẩu trang 1 lần thì chỉ dùng 1 lần, khẩu trang vải dùng hàng ngày phải thay".
"Khi đeo khẩu trang, tác nhân gây bệnh có thể ra ngoài, mà dùng lần 2 thì tay chúng ta lại sờ, vô hình chung lại đưa vi khuẩn, vius từ tay lên miệng. Tôi cho là không nên quá hoang mang mà phải thực hiện cho đúng, nên đeo khẩu trang khi nào và đeo ra làm sao", ông Phu nói.
Cách đeo khẩu trang cho đúng
Cách đeo khẩu trang đúng là phải trùm được mũi và miệng.
Với khẩu trang y tế, được thiết kế với các lớp sọc ngang, chúng ta phải đeo sao cho các sọc ngang mặt ngoài đổ xuống, để vật tiết nếu dính vào thì sẽ rơi xuống. Còn nếu đeo ngược khi vật tiết rơi vào là bị giữ lại ở các khe sọc ngang đó.
BS. Khanh hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách.
"Mặt màu sậm có khuynh hướng ở ngoài. Khi đeo nhớ phải trùm được mũi và miệng. Trùm được mũi là kéo trùm lên trên, không phải che hờ lỗ mũi. Trùm được miệng là kéo xuống dưới cằm, còn chỉ che miệng thì không có tác dụng gì, vì vẫn có khoảng hở".
"Nhớ là đeo khẩu trang mà lâu lâu lại kéo lên kéo xuống thì càng nguy hiểm hơn", BS. Khanh lưu ý.
Tranh nhau mua khẩu trang ở chợ thuốc Hapulico.