Nguy cơ Việt Nam bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện khi gia nhập CPTPP
Hiệp định CPTPP đã đưa ra những tiêu chuẩn ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài mang tính bảo vệ rất cao...
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước sở tại nếu vi phạm các quy định về kinh doanh. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn đối với Việt Nam khi quản lý các doanh nghiệp này.
CPTPP cam kết bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài
Đây là nhận định được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI đưa ra tại một hội thảo liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được tổ chức.
Theo đó, bà Trang cho rằng liên quan đến lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến chương thương mại dịch vụ qua biên giới. Các quy định tại chương này đã trao quyền mang tính bảo vệ rất cao cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Dường như chúng ta đã nói quá nhiều về việc Hiệp định CPTPP tạo môi trường đầu tư tốt hơn, nhưng lại quên đi bản chất các cam kết trong CPTPP là bảo vệ cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước, bởi các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có quyền khởi kiện chúng ta, nếu chúng ta làm không tốt", bà Trang nói.
Đồng quan điểm với bà Trang, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, nội dung thương mại dịch vụ qua biên giới trong Hiệp định CPTPP đề cập đến 4 khía cạnh, gồm đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, mở cửa thị trường và hiện diện địa phương.
Tại mục đối xử quốc gia đã quy định, nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Mục đối xử tối huệ quốc quy định, cơ quan quản lý nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên CPTPP ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ của thành viên CPTPP khác hoặc của một, bất kỳ nước nào khác.
Tại mục mở cửa thị trường quy định, nước sở tại không được duy trì 5 loại hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
5 hạn chế này bao gồm: hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế tổng giao dịch hoặc tài sản; hạn chế tổng số hoạt động dịch vụ; hạn chế về số lượng lao động và hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp.
Và tại mục hiện diện địa phương quy định, nước sở tại không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải thành lập văn phòng đại diện hoặc hình thức hiện diện nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ.
"Như vậy, nếu vi phạm vào một trong những quy định trên thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước nơi mà doanh nghiệp đang hoạt động", ông Khanh nói.
Mặt khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho biết, khi Việt Nam tham gia một hiệp định thương mại nào đó, nhiều chuyên gia hay đặt vấn đề về thu hút đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ và quản trị, tuy nhiên bà Trang cho rằng, các hiệp định nói chung và CPTPP nói riêng không phải là công cụ để giúp Việt Nam có được công nghệ cao.
"CPTPP giúp chúng ta tận dụng được các cơ hội thương mại, còn để nâng cao công nghệ, quản trị thì phải dựa vào quá trình vận hành, cùng những chính sách thích hợp cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp liên quan", bà Trang nói.
Áp dụng chính sách bình đẳng
Hiệp định CPTPP trao cho các nhà đầu tư nước ngoài quyền tự bảo vệ được cho là quy định mang nhiều "tiêu cực" đối với Việt Nam. Quy định này một mặt tạo sức ép trong quá trình quản lý, mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, sẽ dễ khiến các cơ quan nhà nước rơi vào trạng thái ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài mà không quan tâm đến doanh nghiệp nội địa.
Còn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách Thương mại quốc tế VCCI lại đặt vấn đề làm sao nâng cao chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam.
Là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, liên quan đến bảo hộ đầu tư, từ trước đến nay nhiều chuyên gia nêu quan điểm lĩnh vực này là nhạy cảm.
"Tuy nhiên, chúng ta đã ký hơn 30 hiệp định và đến giờ là CPTPP cũng sẽ không có gì thay đổi nhiều. Muốn kiểm soát, đảm bảo đầu tư có chất lượng thì phải áp dụng chính sách bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài", ông Khánh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong một ngành nghề, lĩnh vực, không thể yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư công nghệ cao, còn công nghệ kém thì dành cho nhà đầu tư trong nước. Ngược lại, cũng không thể yêu cầu quá cao đối với nhà đầu tư trong nước mà "dễ dãi" với nhà đầu tư nước ngoài.
"Phải bình đẳng, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều phải tăng cường nâng cao chất lượng đầu tư chứ không thiên lệch được", ông Trần Quốc Khánh nhận định.
Cùng quan điểm, nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, những cam kết trong Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có được các nhà đầu tư tốt hơn, đáp ứng được tiêu chuẩn về lao động, môi trường, thể chế kinh doanh, và loại bỏ được những nhà đầu tư yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, không minh bạch.
Ông Thành cũng cho rằng, những quy định khắt khe trong CPTPP sẽ tạo áp lực cạnh tranh, đẩy mạnh sáng tạo trong doanh nghiệp. "Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, kết nối được với những doanh nghiệp lớn. Theo nghĩa trực tiếp hay gián tiếp, sẽ tạo động lực cho nhà đầu tư hoạt động tốt hơn", ông Thành nhấn mạnh.