Nguồn cung nhà ở bình dân sẽ dẫn dắt thị trường 2024?

17/01/2024 09:00 AM | Kinh doanh

Thị trường căn hộ chung cư có sự mất kết nối nguồn cung và cầu, đặc biệt là nhà ở bình dân. Với các chính sách của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương đang đẩy mạnh xây nhà ở phân khúc bình dân, hy vọng nguồn cung nhà ở này sẽ trở lại và dẫn dắt thị trường năm 2024.

Nguồn cung nhà ở bình dân sẽ dẫn dắt thị trường 2024? - Ảnh 1.

Nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 10 năm

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/ 2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá bán căn hộ chung cư bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 35 triệu đồng/m2; Giá bán căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 35 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2); Giá bán căn hộ chung cư cao cấp (có mức giá trên 50 triệu đồng/m2).

Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, cơ cấu nguồn cung ngày càng “nghiêng” về các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư, đầu cơ. Sự lệch pha kéo dài này khiến giá nhà ở liên tục bị đẩy lên cao.

Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023. Giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu/m2) cũng sụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27% với nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có giá 40-50 triệu đồng/m2.

Trong khi, nhu cầu mua nhà ở thực luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng 80%, còn lại 15% là cầu đầu tư dài hạn và 5% là nhu cầu đầu cơ. Và chỉ có khoảng 25% nhu cầu mua nhà ở thực có khả năng tài chính để chuyển hóa thành cầu thực.

Theo Savills Hà Nội, năm 2023, nguồn cung mới ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 10 năm với 10.403 căn. Hạng B chiếm 84% nguồn cung. Số lượng căn bán được đạt 3.045 căn, tăng 45% theo quý và 5% theo năm. Hạng B chiếm 84% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 46%.

Giá sơ cấp đạt 58 triệu đồng/m2, tăng 7% theo quý và 12% theo năm. Giá sơ cấp trung bình đã tăng trong 20 quý liên tiếp do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Cùng với đó, khả năng chi trả giảm và nhu cầu vay vốn tăng.

Hiện tại, các căn hộ có mức giá từ 51-70 triệu đồng/m2 chiếm 63% nguồn cung mới, tăng 24% theo năm. Các căn hộ trong khoảng giá này chiếm 49% số lượng các căn bán được, tăng 21% theo năm.

Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 42% số lượng căn bán được trong năm 2023 tăng từ mức 3% trong năm 2019. Các căn hộ có giá từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 55% thị phần. Chỉ 3% số căn hộ có giá bán dưới 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường không còn xuất hiện căn hộ giá 25 triệu đồng/m2, thậm chí 1 năm trở lại đây, căn hộ khoảng 30-35 triệu đồng/m2 rất hiếm, đa phần là giá thứ cấp mua bán lại các chung cư đã có niên hạn sử dụng từ 10 năm trở lên.

T rung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung

Từ số liệu của các đơn vị nghiên cứu bất động sản có thể thấy, nguồn cung hạn chế nên giá bán liên tục tăng cao. Bên cạnh đó, hiện tượng đã được cảnh báo trong suốt những năm gần đây là "lệch pha cung - cầu" nhà ở: Nguồn cung của thị trường lệch hẳn về phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu vắng nhà ở giá bình dân dẫn đến trên thị trường chủ yếu là căn hộ với mức giá 30 triệu đồng/m2 trở lên.

Để giải quyết bài toán lệch pha cung - cầu, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và quan tâm phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Tuy nhiên, với điểm nghẽn thị trường hiện nay đang “đẩy” giá bất động sản tiếp tục tăng cao.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

“Hiệp hội đề nghị doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao", HoREA nêu.

Đồng thời, doanh nghiệp tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu trên thị trường bất động sản để tăng niềm tin thị trường, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.

Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở trên thị trường, là cơ sở để tăng nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Việc tăng nguồn cung nhà ở này sẽ tác động làm bình ổn giá nhà theo quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS nhận định, mặc dù thị trường bất động sản 2023 còn nhiều khó khăn, nhưng đây chính là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024.

Theo Dương Trang

Cùng chuyên mục
XEM